Trực tiếp: Mai Văn Phúc khai việc Sơn đưa tiền là gian dối

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hôm nay, 22/4, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái và tham ô đối với Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) cùng đồng phạm. Phiên xử dự kiến diễn ra trong 3 ngày.

11h40: Phiên tòa tạm dừng xét xử. Phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử vào 14h cùng ngày.

11h35: Theo bị cáo Phúc, gia đình bị cáo đã có ý khắc phục hậu quả để nhằm thoát án tử hình. Nhưng bị cáo Phúc không đồng ý và cho rằng, nếu khắc phục khác gì bị cáo nhận mình phạm tội.

11h30: Bị cáo Phúc cho rằng mình không phạm tội "Tham ô tài sản" vì "không nhận bất cứ đồng nào từ phía Trần Hải Sơn" liên quan đến số tiền 1,66 triệu USD.

"Chỉ có thể quy kết bị cáo ở tội "Thiếu trách nhiệm" thôi. Bị cáo không phạm tội "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái", bị cáo Phúc nói trước tòa.

"Bị cáo có nhận 1 chai rượu Chivas 18, và phong bì 2 triệu của Trần Hải Sơn vào cuối năm 2008, tại nhà bị cáo ở Làng quốc tế Thăng Long. Còn lại, những lời khai của Sơn là hoàn toàn sai sự thật", bị cáo Phúc khai.

11h25: Phúc khai sau khi đoàn khảo sát về (cuối năm 2008) có được Sơn đưa 1 gói quà trong đó có 1 chai rượu Chivas 18 và 1 phong bì nhưng trong chỉ có… 2 triệu đồng.

Phúc khẳng định có căn cứ chứng minh lời khai của Trần Hải Sơn về việc chuyển tiền cho mình là gian dối. Bác lại nội dung Sơn khai là rút tiền từ Ngân hàng Hàng hải 5 tỷ đồng để tự tay xếp vào valy mang đến nhà Phúc, Phúc lập luận, xác minh tại ngân hàng này, không hề có việc Sơn rút tiền như trình bày.

11h20: HĐXX chuyển sang thẩm vấn cựu Tổng giám đốc Vinalines - Mai Văn Phúc.

Mô tả ảnh.
Bị cáo Mai Văn Phúc trả lời thẩm vấn.

Phúc trình bày lại, vụ việc xảy ra khi Phúc vừa được bổ nhiệm chức Tổng GĐ 2 tháng. 

Phúc không biết gì mọi việc cho đến khi bị bắt, được cơ quan điều tra thông báo.

Phúc giải thích không có chuyên môn, không nắm rõ về quy định đầu tư xây dựng cơ bản. Vì vậy, Phúc không hiểu văn bản chỉ đạo của Thủ tướng là phải chờ nhà máy sửa chữa tàu biển được cập nhật vào quy hoạch ngành mới được triển khai.
 
Khi đoàn khảo sát sang Nga, Phúc cũng phủ nhận việc dặn Trần Hữu Chiều phải cố gắng mua được ụ nổi này thông qua công ty AP. Tất cả việc này Phúc cho là do Trưởng đoàn khảo sát Trần Hữu Chiều ký trình.

“Bị cáo cũng hoàn toàn không có nghi ngờ gì khi nhận được báo cáo này vì bản thân cũng rất tin tưởng anh Chiều. Mọi khâu trong thương vụ này là do Chiều giúp bị cáo” – Phúc nói.

Phúc chỉ nắm được thông tin ụ nổi này rất xấu, đã 42 năm tuổi. Phúc nói Chiều cố gắng tìm thêm sự lựa chọn vì ụ này già, cũ quá. 

Phúc cũng không nắm được thông tin trước đó Vinalines cũng có đoàn khảo sát 1 ụ nổi khác (ụ 220 của Nauy). Chiều trình bày với Phúc là thời điểm đó khó tìm ụ, ụ 220 và ụ 194 của Mỹ đã nghiên cứu nhưng không phù hợp.

11h15: Bị cáo Trần Hải Sơn tỏ ra khá ấp úng khi trả lời các câu hỏi từ phía HĐXX về hành vi đưa tiền cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

Về lý do xin giảm án tội Tham ô, bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng, mình đã khai nhận toàn bộ sự thật vụ án và khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên khi Tòa hỏi “Bị cáo đã khắc phục được bao nhiêu rồi?”, bị cáo Sơn nói rằng “Bị cáo không rõ gia đình đã xử lý như nào ạ”.

11h05: Bắt đầu thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn.

Mô tả ảnh.
Bị cáo Trần Hải Sơn trả lời thẩm vấn trước tòa.

Chủ tọa phiên tòa hỏi: "Khi tham gia đoàn khảo sát mua ụ nổi, ai là trưởng đoàn?

-"Dạ, anh Trần Hữu Chiều ạ", bị cáo Hải Sơn trả lời.

Theo bị cáo Trần Hải Sơn, ông Chiều chịu trách nhiệm về đoàn khảo sát, và là người ký biên bản với các bên liên quan. Bị cáo Sơn cho biết, trình bày lại cuộc khảo sát ụ nổi 83M tại Nga chỉ trong 1 buổi chiều.

Sơn khẳng định lại lời khai về việc được Dũng chỉ đạo ăn chia tiền. Những căn cứ về việc đưa tiền cho Dũng, Sơn nhấn mạnh, giữ nguyên như lời khai tại cơ quan điều tra, phiên tòa sơ thẩm.

Ngoài lần gặp Dương Chí Dũng để đưa 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory, Sơn không nhớ có lần gặp nào khác tại đây. 

Khoản tiền 5 tỷ đưa lần thứ 2 tại nhà mẹ vợ Dũng ở Hải phòng, Sơn khai là do em gái Huyền chuyển cho Sơn. Việc chuẩn bị tiền có chồng Huyền (anh Long) chứng kiến.

10h45: Đại diện VKS hỏi, năm 2008 Dũng ở khách sạn Victory bao nhiêu lần? Bị cáo đáp không nhớ. Đại diện VKS công bố lại kết quả xác minh về tất cả những lần lưu trú ở khách sạn đó.
 
Ngày 6/7/2008, (ngày Sơn khai đưa tiền cho Dũng) cũng trùng với 1 lần Dũng ở tại khách sạn này.

Tòa tạm cho Dương Chí Dũng nghỉ và chuyển sang thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn.

10h40: Trả lời luật sư Ngô Ngọc Thủy, bị cáo Dũng mong muốn được Tòa làm rõ phía Cty ở Nga, và Singapore liên quan đến số tiền hơn 1,66 triệu USD. "Nếu họ có tài liệu chứng minh bị cáo nhận tiền này, bị cáo xin nhận luôn án tử hình ạ" - ông Dũng quả quyết.

10h35: Luật sư Trần Đình Triển tham gia xét hỏi bị cáo Dương Chí Dũng. 

Luật sư Trần Đình Triển hỏi Dương Chí Dũng. Ông Triển nói lại việc đưa tiền của Sơn cho Dũng khi ở Sài Gòn. “Thời điểm 4h chiều hôm đó, Sơn nói gọi điện cho anh và được anh cho biết đang ở khách sạn Victory, khi đó anh ở đâu?” – ông Triển hỏi.

“Khi đó tôi đang trên máy bay” – Dũng đáp.

Luật sư Triển giải thích thêm, chuyến bay vào Sài Gòn sáng hôm đó của Dũng bị hoãn do việc đột xuất ở Bộ GTVT nên 6-7h tối Dũng mới đến được khách sạn Victory. Vì vậy không thể có chuyện Sơn hẹn và mang 5 tỷ đồng đưa cho Dũng vào khoảng 5h30 chiều hôm đó.

Luật sư gợi ý cho thân chủ đề nghị xác minh lại tại khách sạn về thời điểm Dũng đến nhận phòng, kiểm tra lại camera giám sát. Dũng lúng túng rồi sau đó gật đầu đồng ý.  

Cũng theo luật sư Triển, quá trình điều tra, ông Dũng có văn bản đề nghị cơ quan điều tra tiến hành kê danh sách cuộc gọi giữa ông Dũng và Trần Hải Sơn, nhưng trong hồ sơ không thấy tài liệu này.

Lập tức, luật sư Triển bị Chủ tọa nhắc nhở: "Đề nghị luật sư đặt câu hỏi, không phân tích". Thấy vậy, ông Triển vội vàng, nhầm lẫn cả tên gọi của chủ tọa phiên tòa: "Xin lỗi ông... chủ tịch".

10h25: Theo bị cáo Dũng, khi vụ án khởi tố, ông này đã "quá sai" khi quyết định bỏ trốn sang Campuchia để tạm lánh. Ông Dũng cũng cho rằng, còn nhiều điều ở phiên sơ thẩm chưa được làm sáng tỏ và tiếp tục cho rằng mình không phạm tội tham ô.

10h20: - Bị cáo có nhận tiền của Sơn không?

- Dạ, bị cáo có trời đất biết, chỉ là ngày tết ngày nhất, anh ấy đến biếu chai rượu, phong bì tết thôi, chứ không có số tiền hàng tỷ như vậy ạ. Để xảy ra tội cố ý làm trái, và tham ô trong cơ quan, bị cáo được Đảng, Nhà nước giao phó, do vậy, bị cáo cảm thấy có lỗi, nên bán hết tài sản, đã nộp lại 4,7 tỷ đồng.

-Đến nay, Tòa chưa nhận được bất cứ tài liệu thể hiện việc bị cáo khắc phục 4,7 tỷ này. Vậy bị cáo khắc phục số tiền đó cho tội nào? Cố ý làm trái hay Tham ô?.

-Dạ, bị cáo cứ khắc phục chung thế, chứ không cụ thể ở tội nào ạ...

10h05: Tiếp tục thẩm vấn bị cáo Dũng, chủ tọa hỏi: - "Thế bị cáo muốn xin giảm án về tội cố ý làm trái, lý do là gì?"

-"Dạ, bị cáo chỉ là người đại diện HĐQT, cũng không can thiệp, chỉ đạo vào bất cứ việc gì của Tổng giám đốc khi triển khai mua ụ nổi"2 phút"

-"Bị cáo có nhận tiền của Sơn không".

-"Dạ, bị cáo có trời đất biết, chỉ là ngày tết ngày nhất, anh ấy đến biếu chai rượu, phong bì tết thôi, chứ không có số tiền hàng tỷ như vậy ạ"

10h00: Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn hỏi: "Chi phí việc mua ụ là bao nhiêu?". "Dạ, theo báo cáo của Tổng Giám đốc là trên 26 triệu USD, cả mua và sửa chữa" - bị cáo Dũng trả lời.

"Thế tiền lấy ở đâu" - chủ tọa tiếp. "Dạ, ban đầu là vay vốn ngân hàng, sau đó thành lập Cty cổ phần, lấy nguồn thu của cty để trả nợ" - bị cáo Dũng đáp. 

"Bị cáo thấy thế nào về hậu quả hơn 300 tỷ do mua ụ" ? "Dạ, bị cáo thấy sai rồi ạ".

9h45: Trả lời thẩm vấn, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết sẽ quyết chống án đến cùng tội tham ô. Theo bị cáo, ở cương vị chủ tịch HĐQT Vinalines, việc để xảy ra việc "lại quả" là có lỗi, tuy nhiên bị cáo cho rằng việc kết tội này liên quan danh dự nên bị cáo "đến chết cũng không nhận tội".

Mô tả ảnh.
Bị cáo Dương Chí Dũng trả lời thẩm vấn.

Bị cáo Dương Chí Dũng cũng cho biết, sẽ bổ sung thêm yêu cầu kháng cáo và trình bày trong quá trình xét xử vụ án.

Theo bị cáo Dương Chí Dũng, việc lập dự án mua ụ nổi 83M do Hội đồng quản trị Vinalines quyết định, và giao cho Tổng giám đốc Mai Văn Phúc triển khai.

Ông Dũng khiếu nại rằng, bản thân mình không chỉ đạo gì cụ thể trong việc mua ụ nổi, chỉ ký phê duyệt với tư cách đại diện cho Hội đồng quản trị.

9h40: Trước khi vào phần thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa yêu cầu lực lượng dẫn giải cách ly ba bị cao Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng, và bắt đầu xét hỏi bị cáo Dương Chí Dũng.

9h30: Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2006, Vinalines triển khai xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam. Trong các hạng mục của tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng có mua, lắp đặt một ụ nổi (tàu biển) để phục vụ sửa chữa tàu.

Ông Dũng bị cáo buộc dù biết ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 đã hư hỏng nhiều, không còn khả năng hoạt động và đã bị cơ quan đăng kiểm của Nga cho dừng hoạt động từ năm 2006 nhưng vẫn ký quyết định phê duyệt cho mua.

Tại thời điểm công an kiểm tra, ngày 17/5/2012, tổng tiền Vinalines đổ vào ụ nổi (cả mua bán, và sửa chữa, bảo quản...) hơn 525 tỷ đồng trong khi chưa đưa vào sử dụng. Cơ quan giám định kết luận, sai phạm trong việc mua ụ nổi đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 335 tỷ đồng.

Trong thương vụ mua bán này, ông Dũng, Phúc, Sơn và Chiều bị cáo buộc chia nhau 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) - khoản "hoa hồng" lấy từ nguồn 9 triệu USD được bên môi giới chuyển lại theo thỏa thuận riêng. Cụ thể, ông Dũng, Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng; Sơn hơn 5,8 tỷ đồng; Chiều nhận 340 triệu đồng.

9h20: Kết thúc phần thủ tục, phiên tòa bắt đầu chuyển sang phần thẩm vấn. Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn bắt đầu tóm tắt lại nội dung vụ án cùng các nội dung kháng cáo.

9h15: Sau 5 phút hội ý, chủ tọa phiên tòa cho rằng, trong quá trình xét xử, Tòa sẽ xem xét yêu cầu của luật sư về việc triệu tập nhân chứng (trong đó có người ở Liên bang Nga) được cho là có thể biết về tỷ lệ ăn chia cụ thể trong số tiền hơn 1,66 triệu USD liên quan trong vụ án. 

Đối với nhân chứng là lái xe của bị cáo Sơn, bị cáo này đã có lời khai trong quá trình điều tra. Do vậy, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử vụ án.

9h10: Sau khi các luật sư có ý kiến triệu tập nhân chứng, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn quyết định tạm dừng xét xử để hội ý.

9h07: Luật sư Ngô Ngọc Thủy (bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng), cho rằng, đây là vụ án có bị cáo đang đối mặt với bản án cao nhất là tử hình. Vì thế, HĐXX cần xem xét đầy đủ các yếu tố, tài liệu liên quan đến vụ án. Luật sư Thủy cho rằng, đã cung cấp ý kiến của nhân chứng cho Tòa. Do vậy, nếu triệu tập thêm nhân chứng này là rất chính đáng, sẽ giúp HĐXX làm rõ bản chất vụ án.

9h5: Luật sư Thắng đề nghị HĐXX triệu tập thêm 3 nhân chứng (2 ở Nga, 1 lái xe của Trần Hải Sơn, người được cho đã chở Dương Chí Dũng khi bỏ trốn).

Ngay sau đó, vị chủ tọa hỏi ý kiến đại diện cơ quan viện kiểm sát. Theo đó, kiểm sát viên này cho rằng, việc có thể triệu tập nhân chứng, có được là tốt. Tuy nhiên, những yêu cầu đó không nhất thiết, Tòa có thể tiếp tục vụ án.

Mô tả ảnh.
Phiên tòa bắt đầu xét xử phúc thẩm.

8h50: Chủ tọa phiên tòa đang công bố quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, phổ biến nội quy phiên tòa...

8h42: Hội đồng xét xử bắt đầu kiểm tra căn cước 9 bị cáo có đơn kháng án. Trong số các bị cáo, duy nhất bị cáo Bùi Thị Bích Loan – cựu Kế toán trưởng Vinalines không chống án.

8h30: HĐXX bắt đầu làm việc, yêu cầu thư ký phiên tòa báo cáo các thành phần tham dự phiên tòa.

Các cơ quan Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT được mời tham gia phiên tòa nhằm làm rõ bản chất vụ án.

Chị Phan Thị Th., bạn gái của Dương Chí Dũng có đơn xin vắng mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Phạm Thị Mai Phương, vợ Dương Chí Dũng và bà Ngô Thị Vân, vợ Mai Văn Phúc cũng được triệu tập đến tòa.

8h25: Thư ký phiên tòa đang kiểm tra căn cước bị cáo cùng các bên liên quan.

Mô tả ảnh.
Các bị cáo có mặt tại phiên tòa.

3 luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và Trần Đại Thắng bào chữa cho Dương Chí Dũng.

Bị cáo Mai Văn Phúc có luật sư Nguyễn Huy Thiệp và Hoàng Huy Được bào chữa.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng, ông Trần Đình Triển chưa có mặt.

8h20: Công bố nội quy phiên tòa.

8h10:Tòa bắt đầu với phần kiểm tra sự có mặt của các bị cáo, luật sư, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan người làm chứng.

7h50: Một chiếc xe thùng duy nhất nhanh chóng tiến vào cổng toà. Đây chính là xe chở bị cáo quan trọng nhất - Dương Chí Dũng. Xe chở bị cáo Dương Chí Dũng đến tòa trong khi những bị cáo khác được đưa đến trước đó cả tiếng đồng hồ.

Mô tả ảnh.
Dương Chí Dũng có mặt muộn nhất trong các bị cáo.

Dương Chí Dũng xuất hiện tại tòa với sơ mi trắng cắm thùng, với tinh thần khá thoải mái.

Ngay khi tiến vào bên trong, lực lượng công an nhanh chóng áp giải bị cáo vào trong phòng chờ xét xử. Các bị cáo khác cũng được dẫn vào trong phòng chờ.

6h50 hôm nay, 4 chiếc xe áp tải, chở các bị cáo nhanh chóng tiến vào bên trong cổng tòa.

Mô tả ảnh.
Xe chở các bị cáo đến dự tòa.

Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân đã có mặt trước cổng trụ sở TAND tối cao (262 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) để theo dõi phiên tòa. Lực lượng công an, cảnh sát giao thông được bố trí chốt chặn tại các ngã tư dẫn tới tòa từ rất sớm để điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự.

Mô tả ảnh.
Kiểm tra những người đến dự tòa.

Các phóng viên báo đài cũng tới rất sớm để đưa tin. Được biết, có khoảng 25 cơ quan báo, đài được cấp thẻ dự tòa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật phiên tòa.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn