Gia đình sẵn sàng "cầm cố tất cả tài sản" để cứu Dương Chí Dũng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Em gái cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng cho biết, vợ ông Dũng và người trong gia đình thống nhất "dù có bán nhà, cầm cố tất cả tài sản cũng phải cứu anh ấy".

Kinh tế gia đình kiệt quệ

Tối 1/1, trò chuyện qua điện thoại, bà Dương Thị Băng Tâm (em gái Dương Chí Dũng) cho biết: “Đọc được thông tin về Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cho thấy tội phạm bị tuyên án tử hình hoàn toàn có thể được giảm xuống chung thân hoặc giam giữ có thời hạn nếu tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả. Thông tin này khiến tôi cũng như nhiều người thân khác trong gia đình bớt đi sự lo sợ về bản án tử hình dành cho anh Dũng tới đây”.

Cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng trong chiều 16/12, ít phút trước khi bị tuyên án tử hình. Ảnh chụp qua màn hình: Việt Dũng.
Cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng trong chiều 16/12, ít phút trước khi bị tuyên án tử hình. Ảnh chụp qua màn hình: Việt Dũng.

Cuộc trò chuyện liên tục bị đứt quãng vì tiếng nấc và nước mắt của bà Tâm khi nhắc đến quá trình rơi vào vòng lao lý của người anh trai mà bà đã đặt trọn niềm tin.

Theo lời bà, ông Dũng sống tình cảm, hiếu thảo với bố mẹ và luôn nhường nhịn em gái. “Sau khi tòa tuyên án tử hình đối với anh Dũng, gia đình tôi phải giấu bố vì sợ ông sốc quá mà đột tử. Còn mẹ tôi, ban ngày thì viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng xin xem xét công – tội để dành cho con trai bà một đặc ân, tối đến bà lại khóc gọi tên con, chẳng màng chuyện ăn uống. Phận con cái chúng tôi nhìn thấy cảnh này cũng không cầm được nước mắt”, bà Tâm khóc nghẹn.

Cũng theo lời bà Tâm, sau khi bà và nhiều thành viên trong gia đình đọc được thông tin đầy đủ về Nghị quyết 01/2001 của TAND Tối cao thì như có thêm niềm tin vào vào đặc ân của pháp luật dành cho ông Dũng.

“Cám ơn mọi người đã chia sẻ với gia đình tôi lúc khó khăn hoạn nạn. Nói thật là có bệnh vái tứ phương, tôi cũng từng nghe nói về việc bồi thường để xin ân giảm nhưng không dám tin là anh mình có may mắn đó. Nay báo chí đã đăng tải rõ ràng nghị quyết này, gia đình cũng có thêm chút niềm tin”

Trả lời về việc gia đình có bồi thường thiệt hại để được xem xét ân giảm hay không, bà Tâm cho biết: “Hiện nay, chị Phạm Thị Mai Phương, vợ anh Dũng đang lâm vào tình trạng khó khăn, kinh tế kiệt quệ. Đến tiền thuê luật sư bào chữa cho anh Dũng chị ấy cũng phải đi vay mượn của nhiều người”.

Bà Tâm cho hay, trong những ngày tới gia đình sẽ họp bàn về việc khắc phục hậu quả trong vụ án Vinalines như Nghị quyết 01/2001 đã nêu. "Trước mắt phải cứu anh Dũng thoát bản án tử hình để anh có cơ hội được chứng minh phải trái cũng như khắc phục sai lầm. Tôi cũng đã nói chuyện với vợ anh Dũng và mọi người đều thống nhất: Dù có bán nhà, cầm cố tất cả tài sản chúng tôi cũng phải cứu anh ấy. Chúng tôi tin và có niềm hy vọng vào đặc ân của luật pháp", bà chia sẻ.

Theo chia sẻ của bà Băng Tâm, gia đình bà đang trong cơn bĩ cực, đau đớn và ảm đạm. Nếu chỉ mới hơn một năm về trước, nhà họ Dương vẫn còn được coi một “danh gia vọng tộc” nhất nhì đất Cảng thì nay mọi thứ đã sụp đổ một cách chóng vánh.

Mẹ già xin cứu xét tội danh cho Dương Chí Dũng

Trước đó, cụ Trần Thị Hương, mẹ cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng cũng đã lá đơn gần kín hai mặt giấy A4 có tiêu đề "Đơn xin cứu xét" gửi đến báo chí.

Cụ bà tâm sự: "Chúng tôi hiện giấu bố các cháu về những sự việc đau đớn và khắc nghiệt này. Tôi sợ rằng, với bản chất của một lão thành cách mạng, kiên trung và nghiêm khắc với tất cả những gì làm ảnh hưởng đến uy tín và sức mạnh của Đảng cộng sản, nhà nước XHCN Việt Nam, của nhân dân Việt Nam, ông cụ sẽ không chịu nổi khi đã 90 tuổi". Bố ông Dũng là cụ Dương Khắc Thụ, nguyên giám đốc Công an Hải Phòng.

Cụ Hương chia sẻ, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã không hề tiếc mạng sống vì dân tộc, một lòng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đến khi ở giai đoạn cuối cuộc đời, cụ phải đứng trước một thảm cảnh bi thương của các con...

"Tôi không dám bao che, chưa dám xin giảm án, mà chỉ xin các cơ quan hành pháp bình tĩnh trước khi phán quyết sự sống của một con người", cụ Hương viết. Cụ mong muốn cơ quan pháp luật xác định thêm những tình tiết quan trọng của vụ án mà con trai mình đã đề nghị trong phiên xử sơ thẩm. Cụ thể như ai là người đại diện Vinalines thỏa thuận việc mua ụ nổi 83M tại Nga hay ai đã thỏa thuận với công ty AP (môi giới) về khoản tiền "lại quả" 1,66 triệu USD. Cụ bà cũng mong muốn các cơ quan hành pháp chấp thuận đề nghị của ông Dũng được đối chất với giám đốc AP.

"Những nguyện vọng đó là chính đáng và cơ quan điều tra có thể làm rõ được", cụ viết, đồng thời cho rằng dù vụ án có chậm lại mấy tháng, thậm chí dài hơn nữa để xác định rõ thì cũng không ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.. Cụ mong được cơ quan pháp luật tạo điều kiện để cho con trai bà cùng gia đình được thỏa nguyện...

Cuối bức thư, cụ bà 81 tuổi trải lòng: "Dù lúc này đây, trái tim tôi tưởng chừng như không còn đập được nữa, tôi vẫn có niềm tin rằng nhất định mong ước đó sẽ thành hiện thực".

Trong các ngày 12-13-14 và 16/12, ông Dũng cùng 9 người bị đưa ra xét xử tại TAND Hà Nội về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.

Với cáo buộc làm thất thoát hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước trong thương vụ mua ụ nổi 83M, ông Dương Chí Dũng bị tuyên 18 năm tù về tội Cố ý làm trái; ở tội Tham ô do bị quy kết nhận "lại quả" 10 tỷ đồng từ Công ty AP Singapore, ông bị tuyên án tử hình. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn