Trung Quốc đi đầu tranh giành ’miếng bánh’ Nam Cực?

06:13, Thứ sáu 07/06/2013

( PHUNUTODAY ) - Nam Cực là vùng đất có rất nhiều khoáng sản quý như dầu khí, đá quý, kim loại hiếm và băng cháy, loại khoáng sản được coi là năng lượng của tương lai.

Bộ mặt luôn bị giấu kín dưới lớp băng dày trong hơn 30 triệu năm của Nam Cực đã lộ diện trước thế giới, nhờ công nghệ vẽ bản đồ mới của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Hình ảnh bề mặt Nam Cực đang bị chôn dưới lớp băng dày trong hơn 30 triệu năm
Hình ảnh bề mặt Nam Cực đang bị chôn dưới lớp băng dày trong hơn 30 triệu năm


Báo Thanh niên dẫn nguồn chuyên san The Cryosphere cho biết, dự án có tên BedMap2 là một phần của cuộc nghiên cứu tập hợp các chuyên gia quốc tế, dưới sự dẫn đầu của nhóm Khảo sát Nam Cực Anh, nhằm tính toán lớp băng mở rộng trên bề mặt khu vực, theo báo cáo trên chuyên san The Cryosphere. Đây là bước đi quan trọng trong nỗ lực dự đoán được độ gia tăng của mặt nước biển trong tương lai.

Nam Cực là vùng đất có rất nhiều khoáng sản quý như dầu khí, đá quý, kim loại hiếm và băng cháy, loại khoáng sản được coi là năng lượng của tương lai. Có khoảng 30 nước, tất cả là thành viên của Hiệp ước Nam cực 1959, đang điều hành các cơ sở nghiên cứu ở Nam Cực. Hiệp ước này giúp giảm khả năng diễn ra những sự đối đầu do tranh chấp lãnh thổ ở châu Nam Cực.

Riêng Trung Quốc, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc sắp xây thêm hai trạm nghiên cứu nữa ở Nam Cực, tăng tổng số cơ sở của họ lên 5.

Nam Cực là mục tiêu của hơn 80% các cuộc thám hiểm địa cực của Trung Quốc và được coi là trọng tâm địa cực của nước này, theo một báo cáo năm ngoái của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Ở đầu kia của địa cầu, Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng hiện diện ở Bắc Cực, nơi được cho là có thể có nguồn tài nguyên khổng lồ, và là nơi có tuyến hàng hải tới châu Âu.

Biến đổi khí hậu khiến băng Bắc Cực tan dần, mở ra cơ hội tiếp cận nguồn dầu, khí thiên nhiên và khoáng sản được đánh giá là khổng lồ tại đây, đồng thời cũng giúp rút ngắn các tuyến đường biển và tạo điều kiện cho khai thác thủy sản. Những điều này báo hiệu một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng cả về kinh tế và chính trị tại Bắc Cực.

Giữa tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã được dự phần chia 'miếng bánh' Bắc Cực khi Hội đồng Bắc cực đã đồng ý thu nhận thêm 6 nước vào làm quan sát viên, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.

Như vậy, ngoài 8 thành viên thường trực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ, Hội đồng Bắc Cực còn có 15 quan sát viên (gồm 6 quốc gia và 9 tổ chức) trước khi kết nạp 6 quan sát viên mới.
 
Liên minh châu Âu (EU) cũng nộp đơn làm quan sát viên nhưng chưa được thông qua lần này do vướng phải tranh cãi với Canada về buôn bán các sản phẩm liên quan đến hải cẩu.

Trước khi khai mạc phiên họp Nga đã có ý định ngăn cản tham vọng của “các tay chơi ngoài khu vực”.  Theo báo Kommersant, Nga có ý định thuyết phục Hội đồng Bắc cực kiên quyết ngăn cản tham vọng của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, EU và một loạt quốc gia khác cũng như một số tổ chức.

Mới đây nhất, một quan chức Ấn Độ cho biết nước này đang thảo luận về kế hoạch mua một con tàu phá băng để tiến hành thăm dò ở khu vực Bắc Cực vào năm 2016. Giá con tàu công nghệ cao này khoảng 144 triệu USD.

  • Sỹ Trần (Tổng hợp)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc