Trưởng khoa Nhi làm chết bé 16 tháng tuổi tại phòng khám tư

14:23, Thứ sáu 22/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Sau khi tiêm mũi thuốc giá 150.000 đồng tại một phòng khám tư, cháu trai 16 tháng tuổi bị sùi bọt mép, trợn mắt rồi lịm dần đi.

Bác sĩ giữ lại cấp cứu

Ngày 20/11, cháu Nguyễn Đình Quân, 16 tháng tuổi, trú tại thôn Quế, xã Liên Phương, huyện Thường Tín, Hà Nội đã tử vong sau khi tiêm một mũi điều trị bệnh viêm phổi.

Chiều ngày 21/11, chúng tôi đến gia đình nhà ông Lương Văn Vượng trú tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Không khí đau thương vẫn bao trùm lên ngôi nhà của ông.

Tiếp chúng tôi khi vừa từ nhà đứa cháu ngoại xấu số về, ông Vương kể lại câu chuyện cháu Quân chết tức tưởi vì một mũi tiêm. Ông Vương bức xúc vì cái chết của cháu ngoại. Theo lời ông Vương, cháu Quân (tên ở nhà là Tôm), mấy ngày nay bị ho. Gia đình đã đi mua thuốc ở nhà thuốc cho cháu uống nhưng không khỏi.

Chiều tối ngày 19/11, chị Lương Thị Mỹ, mẹ cháu Quân đưa con đến phòng khám Hương Sơn của bác sĩ Phạm Anh Sơn - trưởng khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Thường Tín khám. Bác sĩ Sơn cho rằng, cháu Quân bị viêm phổi nên phải tiêm.

dau buon
Người nhà cháu bé đau buồn kể lại sự việc.

Ngày 19/11, bác sĩ Sơn có tiêm cho cháu bé mũi kháng sinh trị viêm phổi và bán cho hai hộp thuốc trị ho và một vỉ thuốc khác. Đến 17h 30 ngày 20/11, theo lịch hẹn, chị Mỹ bế bé Quân ra phòng khám của bác sĩ Sơn để tiêm thêm mũi nữa. Mũi tiêm thứ hai này bác sĩ Sơn không thử phản vệ. Khi bà Quất, vợ ông Vương thắc mắc sao không thử thì bác sĩ Sơn bảo "thử hôm qua rồi, nay không phải thử". Tiêm xong, mẹ và bà ngoại bế bé Quân về.

Vừa ra đến cửa phòng khám, bà Quất thấy cháu ngoại toàn thân tím tái, bọt mép sùi ra nên hỏi bác sĩ Sơn. Bác sĩ Sơn trấn an người nhà "không lo". Sau đó, bác sĩ tiếp tục tiêm hai mũi vào đùi cháu bé. Gia đình không biết loại thuốc đã tiêm là loại gì.

Thấy tình hình xấu đi, gia đình xin bác sĩ cho đi cấp cứu nhưng bác sĩ không cho đi mà lấy khí rung ra cho bé thở. Không có tiến triển, bác sĩ Sơn lại tiến hành cho bé Quân thở oxy và truyền nước. Tuy nhiên, lúc này mạch đã yếu nên truyền nước không nhận, bé Quân dần lịm đi.

Khi đó, bác sĩ mới gọi xe cấp cứu nhưng đi được nửa đường thì cháu bé tử vong.

Người nhà của cháu Quân cho biết, đến 20h đêm xe cấp cứu đến bệnh viện Nông nghiệp Thanh Trì, Hà Nội thì bệnh viện cho biết cháu Quân đã tử vong. Nếu bác sĩ Sơn không giữ cháu Quân lại thêm mất 1 giờ để cháu đi cấp cứu ngay biết đâu sẽ không khiến cháu phải thiệt mạng.

Trước khi tiêm, cháu còn khỏe mạnh, chạy khắp sân

Quá đau xót, ngay trong đêm 20/11, gia đình đã tiến hành an táng cho cháu Quân. Nhìn số thuốc cháu mới uống một ngày còn nguyên dòng chữ của bác sĩ Sơn, ông Vương chua xót "hơn trăm nghìn đám thuốc đó, cháu tôi mới uống một ngày mà nay đã để không".

dau buon
Số thuốc BS Phạm Anh Sơn bán cho cháu Quân về nhà uống.

Nhớ cháu, ông Vượng kể: "ngày hôm qua, khi chưa đi tiêm cháu còn khỏe, chạy khắp sân, lấy được cả điếu cày cho ông ngoại. Miệng nói chuyện liến láu".

Một người bà con của cháu Quân bức xúc cho biết "cháu khỏe lắm, chỉ bị ho do mấy hôm nay thời tiết thay đổi. Vậy mà, bác sĩ tiêm chủ quan kiểu gì mà giờ cháu tôi đã phải mất mạng".

Chúng tôi liên hệ tới phòng khám Hương Sơn tại phố Tía, xã Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội thì phòng khám đóng cửa. Người dân xung quanh vẫn xì xào về việc cháu bé bị tử vong tối hôm trước.

Phòng khám nhìn từ bên ngoài khá đơn giản. Một bên gia đình bác sĩ Sơn bán sữa, một bên mở phòng khám riêng. Liên hệ với số điện thoại trên biển quảng cáo, người nghe máy là vợ bác sĩ Sơn cho biết "bác sĩ Sơn đi vắng, không ở phòng khám cũng không có ở bệnh viện".

Tiêm chết trẻ nhưng vẫn vô tư hoạt động

Ngay sau khi kết luận cháu Nguyễn Đình Quân, 16 tháng tuổi tử vong trước khi đưa vào viện, các bác sĩ ở Bệnh viện Nông nghiệp đã thông báo sự việc cho cơ quan chức năng.

Công an huyện Thường Tín cũng đã có mặt để tiến hành lập biên bản, giám định pháp y nạn nhân rồi bàn giao thi thể cháu Quân cho gia đình an táng vào sáng ngày 21/11. Hiện chưa có kết quả giám định pháp y về nguyên nhân cái chết của cháu Nguyễn Đình Quân.

Được biết, chiều 21/11, ông Phạm Anh Sơn đã bị cơ quan công an huyện Thường Tín triệu tập để điều tra về vụ việc.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Luân - Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín đã xác nhận sự việc. Ông Luân cho biết, BS Phạm Anh Sơn hiện tại đang là Trưởng Khoa Nhi, công tác tại bệnh viện Đa khoa Thường Tín.

Trước khi sự việc xảy ra với cháu Quân, vào tháng 6/2013 một cháu bé khác ở xã Hà Vĩ cũng tử vong sau khi được ông Phạm Anh Sơn tiêm. Nhưng sau đó phòng khám tư của ông Sơn vẫn hoạt động bình thường.

Theo ông Luân, ông Phạm Anh Sơn đã mở phòng khám tại nhà riêng gần 20 năm nay nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa được cấp giấy hoạt động. Nhiều lần cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra nhưng có lần thấy phòng khám của ông Sơn đóng cửa, có lần bắt được đang khám có yêu cầu ông Sơn dừng ngay việc khám chưa bệnh trái phép lại nhưng sự việc này vẫn cứ diễn ra.

dau buon
Phòng khám Hương Sơn, do BS Phạm Anh Sơn - Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Thường Tín làm chủ đã khiến cháu Quân tử vong sau khi tiêm.

"Vào tháng 6/2013 - thời điểm ông Sơn tiêm cho cháu bé ở xã Hà Vĩ tử vong, cơ quan chức năng huyện Thường Tín có tiến hành lập biên bản xử phạt tình trạng hoạt động phòng khám trái phép của BS Phạm Anh Sơn. Gần đây nhân có vụ Cát Tường nên ngày thứ 7 vừa rồi (ngày 16/11) Phòng Y tế huyện có xuống địa bàn xã Tô Hiệu kiểm tra nhưng không thấy phòng khám của ông Sơn hoạt động...".

Khi nói về trách nhiệm để xảy ra sự việc làm chết trẻ tại phòng khám tư chưa được cấp phép hoạt động, ông Luân bày tỏ: "Việc kiểm tra phòng khám tư nhân trên địa bàn là thường kiểm tra theo quý, hoặc kiểm tra đột xuất.

Trường hợp phòng khám của ông Phạm Anh Sơn huyện đã phát hiện và xử lý sai phạm không có giấy phép hành nghề rồi, đồng thời cũng đã đình chỉ giấy phép hành nghề của ông Phạm Anh Sơn.

Vụ Cát Tường, Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng nhận trách nhiệm là bởi vì trên địa bàn mà không có xử phạt gì. Còn ở đây, Phòng Y tế huyện Thường Tín đã tham mưu cho huyện rồi, kiểm tra rồi, anh không có giấy phép hoạt động tôi đã xử lý rồi, tôi đi kiểm tra thì anh không có hoạt động...

Vậy bây giờ bảo tôi nhận trách nhiệm là không được. Anh bảo Phòng Y tế huyện phải đi kiểm tra nhưng không thể suốt ngày đi kiểm tra, còn văn bản Nhà nước đã quy định rõ ràng rồi, anh sai anh phải chịu trách nhiệm".

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự
Tin nên đọc