Vắc-xin phòng Covid-19 có cần tiêm nhắc lại hàng năm không?

( PHUNUTODAY ) - Các chuyên gia cho biết suy giảm miễn dịch sau tiêm chủng là một phần của “bình thường mới”. Tiêm vắc xin Covid-19 nhắc lại hàng năm giúp cho những người đã tiêm chủng có thêm lớp hàng rào bảo vệ.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu tiêm liều vắc xin Covid-19 tăng cường cho người dân từ giữa năm 2021. Mỹ phê duyệt sử dụng liều thứ ba vaccine Pfizer và Moderna cho người từ 65 tuổi trở lên, người có nguy cơ nhiễm và chuyển nặng.

Theo các chuyên gia, mũi vắc xin Covid-19 thứ ba là mũi tăng cường có hiệu quả bảo vệ cao, nên tiêm cho người cao tuổi, có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch. Việt Nam đang lên kế hoạch triển khai tiêm mũi ba vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV ngày 11/11.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia đặt ra hàng loạt câu hỏi: Miễn dịch sau tiêm giảm theo thời gian có phải vấn đề lớn? Định nghĩa thực sự của "tiêm liều tăng cường" là gì? Nếu kết quả cần đạt được là bảo vệ tối đa khỏi Covid-19, liệu người dân có cần tiếp tục chủng ngừa sau mỗi ba tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng?

Giới chuyên gia có cách định nghĩa khác nhau về "liều tăng cường", khái niệm này cũng dễ bị nhầm lẫn với liều bổ sung.

Theo Đại học John Hopkins, liều vaccine Covid-19 tăng cường là liều được tiêm sau khi hiệu quả bảo vệ ban đầu giảm theo thời gian. Thông thường, người dùng sẽ được tiêm tăng cường ngay sau khi khả năng miễn dịch suy giảm một cách tự nhiên. Liều tăng cường giúp dân số duy trì mức miễn dịch ban đầu lâu hơn. Người được phép tiêm liều tăng cường là từ 65 tuổi trở lên, từ 50-64 tuổi mắc bệnh nền, người từ 18 tuổi trở lên có bệnh nền, đang sống tập trung tại các cơ sở chăm sóc dài hạn hoặc làm việc ở môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.

Trong khi đó, liều bổ sung tiêm cho người bị tổn thương hệ miễn dịch, nhằm cải thiện phản ứng ban đầu của họ đối với vaccine. Người được phép tiêm liều bổ sung là bệnh nhân đã điều trị ung thư cho khối u hoặc ung thư máu, người đã cấy ghép nội tạng, đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.

Mặc dù các nghiên cứu cho thấy tác dụng chống lây nhiễm nCoV của vắc xin suy giảm theo thời gian nhưng vắc xin vẫn là biện pháp hữu ích bảo vệ cộng đồng khỏi Covid-19. Nếu đã được tiêm chủng dù chỉ hai liều vaccine, người dùng phần lớn tránh được nguy cơ tử vong.

Suy giảm miễn dịch sau tiêm chủng là một phần của "bình thường mới". Nhiều chuyên gia tin rằng Covid-19 sẽ trở thành mầm bệnh đặc hữu, tồn tại tương tự virus cảm lạnh và cúm. Ở kịch bản đẹp nhất, nó có thể bị cả vaccine, miễn dịch tự nhiên và các loại thuốc đặc trị hợp sức tiêu diệt.

Tiêm vaccine tăng cường có ý nghĩa với những người dễ nhiễm nCoV, trong trường hợp các đợt bùng phát trở nên nghiêm trọng vào mùa đông. Song người dân toàn cầu sẽ không cần tiêm vaccine Covid-19 vài tháng một lần trong suốt phần đời còn lại.

"Về mặt dịch tễ học, một khi đã được tiêm tăng cường 6 tháng sau liều thứ hai, vaccine sẽ có độ bền cao hơn nhiều so với hai lần tiêm đầu tiên", Ashish Jha, trưởng khoa Y tế công cộng của Đại học Brown, nói.

Tuy nhiên giới khoa học chưa thể lập tức chứng minh quan điểm này vì không có dữ liệu dài hạn. Nếu trong 6 tháng, 8 tháng hoặc 12 tháng tới, số ca Covid-19 thấp, vaccine duy trì hiệu quả, việc tiêm liều tăng cường không cấp thiết.

Một số chuyên gia đề xuất mô hình tiêm vaccine Covid-19 hàng năm như tiêm phòng cúm, khi mầm bệnh trở thành đặc hữu. Người dân có thể chủng ngừa tại trạm y tế, hiệu thuốc, điều này khả thi về mặt hậu cần. Đây là một cách để giữ tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp, đảm bảo virus không tái bùng phát.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link