1. Luôn yêu mẹ của con
Các bé trai bị ảnh hưởng và học theo cách biểu hiện tình cảm của bố mình. Bé sẽ yêu như cách bố yêu, ghét như cách bố ghét. Vì thế, các ông bố hãy yêu vợ bằng cả trái tim mình và luôn biểu hiện tình yêu ấy mỗi ngày. Yêu vợ mình cũng là một cách khiến bố gần gũi và chiếm được nhiều tình cảm của con trai hơn.
Một ngày nào đó, khi con trai trưởng thành và lấy vợ, các ông bố sẽ ngạc nhiên khi thấy biểu hiện tình cảm của con cũng giống như mình ngày xưa.
2. Tạo cơ hội cho con trai ở bên bố
Các bé trai có thể sẽ thiếu đi một hình mẫu nam giới khi ở nhà tiếp xúc quá nhiều và gần gũi với mẹ. Bởi vậy, điều quan trọng là các ông bố nên tạo nhiều cơ hội để gần gũi con trai hơn. Môi trường thích hợp cho cả con trai và ông bố là nơi các bé trai có thể bên các ông bố nhiều hơn, trước khi bắt chúng phải trở nên mạnh mẽ hơn và nam tính hơn. Việc cho các bé trai chơi với những người thân là nam giới trong các cuộc gặp mặt gia đình cũng có ích.
3. Cho con thử lái xe
Hầu hết đàn ông khi trưởng thành đều nhớ về lần đầu tiên được bố cho ngồi lên xe và lái thử. Vì thế, dù đang sử dụng xe đạp, xe máy hay ô tô, bố hãy đặt bé lên lòng mình và cho bé đặt tay vào tay lái như cách bố đang lái xe.
Dù chỉ là mô phỏng động tác hoặc bố vẫn ngầm điều khiển xe thì lần lái xe đầu tiên này sẽ là kỷ niệm rất hạnh phúc đối với các bé trai.
4. Tắm cho con
Không nhất thiết phải là hàng ngày nhưng bố hãy dành thời gian để tắm cho con. Bởi vì không phải lúc nào mẹ cũng hiểu hết về tâm sinh lý của một bé trai.
5. Chia sẻ bí mật
Khi bé nói về trường học, bạn bè, ước mơ, hy vọng, sở thích, mối quan tâm, những khó khăn, lỗi lầm và cả về các cô gái, bố hãy tạm thời quên đi mình là bố của bé để lắng nghe, suy nghĩ như một cậu bạn của bé. Hãy học cách chia sẻ chỉ bằng việc lắng nghe, đặt câu hỏi và những câu chuyện đó là bí mật của cánh đàn ông trong nhà.
Ngược lại, bố cũng nên coi con là một người bạn tri kỷ để trút “bầu tâm sự” và chia sẻ một số bí mật của mình (tất nhiên những tâm sự, bí mật này cần có chừng mực và phù hợp với độ tuổi của bé).
6. Khẳng định tài năng của con
"Bố yêu con, con trai", "Bố tự hào về con, con trai", "Con thật tuyệt, con trai", "Bố biết con làm được mà", "Con thật chăm chỉ", "Con đã làm rối lên, nhưng bố biết con sẽ sắp xếp tốt lại"...
Con trai bạn cần sự khuyến khích của bố. Trẻ cần được nghe những từ khiến chúng biết bạn yêu và tin tưởng chúng.
7. Dạy con cách ứng xử của người đàn ông
Thông qua những lời nói, hành động và phản ứng trong các trường hợp cụ thể của bố, bé sẽ dần học hỏi và hình thành quan niệm về cách ứng xử của một người đàn ông. Tuy vậy, thỉnh thoảng bố cũng cần bàn luận trực tiếp với bé về chủ đề này. Bố và mẹ hãy quan sát cách ứng xử hàng ngày của bé để kịp thời góp ý và định hướng cho bé.
8. Đôi khi nhường cho con phần thắng
Thỉnh thoảng thắng bố khi tranh luận, khi tham gia các trò chơi hoặc môn thể thao nào đó có thể khiến bé sướng rơn và cảm thấy mình cũng “oách” ra phết. Nhờ đó lòng tự tin của bé được tăng thêm và hiểu được rằng những việc lớn, việc khó hoàn toàn có thể thực hiện được.
9. Nói về giới tính
Đương nhiên chủ đề tế nhị này không thể nói cùng mẹ, nhưng chưa hẳn đã đúng và được giải đáp hoàn toàn nếu trao đổi với bạn bè hoặc tìm hiểu thông tin trên mạng. Các cậu bé lúc đầu sẽ rất ngại và lúng túng khi nói về những chuyện thầm kín nhưng rất kích thích trí tò mò này. Bố nên là người chủ động nói chuyện về chủ đề này một cách khoa học và phù hợp với nhận thức ở lứa tuổi của bé.
10. Để con thất bại
Người cha có nghĩa vụ bảo vệ con trai mình nhưng đôi khi cũng nên để chúng thất bại. Chúng sẽ học được nhiều từ thất bại và biết làm gì nếu muốn thành công. Khi chúng còn nhỏ, nếu chúng ta bao bọc chúng quá nhiều thì khi lớn lên, chúng dễ bị tổn thương. Đừng tự biến con mình thành "những chú gà công nghiệp".
11. Dạy con về tình cảm gia đình
Bố nên là người giúp bé hiểu gia đình luôn là nơi ấm áp tình cảm, bao dung và yêu thương bé. Dù bé mắc lỗi lầm gì, gặp khó khăn như thế nào thì gia đình cũng là chỗ dựa vững chắc cho bé. Bố mẹ và người thân trong gia đình luôn che chở và sẵn lòng giúp đỡ bé mọi trường hợp. Hãy để bé luôn có niềm tin và tình cảm gắn bó với gia đình.
12. Lắng nghe
Nếu không lắng nghe những câu chuyện, những điều vụn vặt của bé ngay từ bây giờ thì rất có thể khi lớn lên, bé sẽ không có thói quen chia sẻ hay kể với bố những chuyện lớn đấy.