Các đồ ăn thân thiện giúp con tập nhai

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bé ngậm, không chịu nhai cũng là một vấn đề lớn đấy các mẹ ạ. Vì vậy, khi bé kết thúc chế độ ăn dặm và bắt đầu mọc răng, mẹ nên tham khảo một vài cách dạy con tập nhai và một vài món thân thiện với bé khi bắt đầu tập nhai.

Nên dạy trẻ tập nhai sớm

Nhiều bà mẹ thường cho cháo/bột hay các loại thức ăn của bé vào cối xay sinh tố hoặc máy xay tay để nghiền nhỏ thành hỗn hợp mịn, rồi cho bé ăn. Với thức ăn mẹ đã xay, bé sẽ chỉ nuốt mà không nhai. Các cơ nhai và hàm của bé không được tập luyện sẽ yếu đi.

Nếu việc này kéo dài đến khi bé được 2 – 3 tuổi sẽ khiến bé không biết nhai, ảnh hưởng tới quá trình hấp thu và tiêu hóa của bé. Hơn nữa, bé không nhai khiến men tiêu hóa không được kích thích mộtcách trọn vẹn. Điều đó lâu dần sẽ làm bé chán ăn hoặc dẫn tới hình thành thói quen ngậm thức ăn trong miệng.

Khi bé bắt đầu mọc răng, mẹ nên tập cho bé nhai. Khi nhai, răng hàm và răng cửa của bé sẽ hoạt động để cắt và nghiền nát thức ăn. Các cơ hàm cũng giúp cho việc nhai trở nên hoàn thiện hơn.

Giúp bé tập nhai vừa giúp bé tập nhai mà vừa giải quyết cảm giác khó chịu khi bé mọc răng tiếp.

Ngay khi mọc những chiếc răng đầu tiên, bé sẽ có phản xạ nhai tự nhiên. Khi 12 tháng tuổi, thường thì bé đã có 8 chiếc răng và việc xay, nghiền nhuyễn thức ăn không còn là cần thiết nữa, lúc này bạn cần tạo cơ hội cho bé thể hiện khả năng nhai của mình. Dạy trẻ tập nhai sẽ tốt cho quá trình tiêu hóa thức ăn của trẻ.

Để khắc phục tình trạng lười nhai ở trẻ, các mẹ cần bắt đầu kế hoạch tập nhai cho bé đúng cách:

- Thay món cháo xay nhuyễn bằng các món cháo nấu với thịt, cá, tôm, rau…thái nhỏ hoặc cơm nát và nước rau.

- Tập cho trẻ tự cắn một số thức ăn mềm như: chuối, xoài, đu đủ, trứng luộc…

- Cho bé ngồi ăn cùng với mọi người trong gia đình. Ăn thử trước mặt bé để bé có cảm giác thèm ăn. Lấy thức ăn từ trong bát của bé, đưa lên miệng mẹ, làm động tác nhai và nuốt để bé bắt chước.

- Khi bé ăn, có biểu hiện nhai, mẹ nên khuyến khích bé nhai, khen bé nhai giỏi.

Ban đầu tập nhai, bé sẽ không hào hứng lắm với việc này. Vì vậy, mẹ cần phải kiên trì và từ từ giúp bé làm quen với việc nhai, nuốt các loại thức ăn khác nhau.

Dưới đây là một số loại thức ăn tập nhai thân thiện cho bé:

Đậu phụ

Đậu phụ thường hấp dẫn về mặt thị giác với trẻ. Đậu phụ vốn là một thực phẩm giản dị, dễ ăn, không hề tốn kém mà lại chứa nhiều protein, bạn chỉ cần cắt đậu thành các khoanh và chế biến thành nhiều món khác nhau.

Thịt viên

Thịt viên là một trong những món ăn giúp tăng lượng protein cho trẻ một cách nhanh chóng và dễ dàng. Bạn có thể chế biến thịt viên cùng thịt gà, thịt bò xay. Thậm chí khi bé không ăn hết, bạn vẫn có thể giữ phần còn lại trong tủ lạnh.

Quả việt quất

Quả việt quất thường là món ăn yêu thích cho các bé mới chuyển sang chế độ ăn các đồ ăn đặc. Việt quất thường chứa các hoạt chất sinh học giúp chống gốc tự do, bảo vệ tế bào thần kinh não, rất tốt cho trẻ. Bạn chỉ chú ý một điều khi cho con ăn loại quả này, đó là những vết bẩn lem nhem có thể dính trên miệng của bé. Nếu không muốn phải giặt nhiều quần áo cho con sau khi ăn quả việt quất, mẹ hãy đeo yếm cho bé nhé!

Thực phẩm hữu cơ

Trẻ con rất thích cảm giác khi thưởng thức các thực phẩm hữu cơ. Các mẹ có thể yên tâm nếu chọn những sản phẩm của các nhãn hiệu nổi tiếng đảm bảo chất lượng với tinh chất tự nhiên lấy từ các lọại hoa quả và rau củ. Nên cho bé thử nhiều loại thực phẩm hữu cơ khác nhau như rau xanh, cà rốt, quả việt quất và khoai lang…

Các loại bim bim mềm dễ ăn

Một lựa chọn khác cho các mẹ đó là bim bim mềm, rất hợp với trẻ đang mới tập nhai. Những loại bim bim này thường được làm với bột ngũ cốc nguyên hạt và chứa 14 loại vitamin và khoáng chất.

Đậu Hà Lan

Dù bằng cách để tươi, để lạnh hay nấu lên, đậu Hà Lan cũng đều rất dễ ăn với trẻ bắt đầu tập nhai, thậm chí bé nhà bạn chỉ cần dùng tay bốc ăn mà không cần đụng đến thìa hay đũa.

Súp lơ xanh

Với rau súp lơ xanh, bạn chỉ cần luộc trong một vài phút là đã có một món ăn dinh dưỡng nhiều vitamin, rất thích hợp cho “bụng dạ” mới tập ăn đồ cứng của bé.

Các loại thịt

Khi bé đã qua tuổi ăn cháo, bắt đầu tập ăn cơm thì món thịt trở nên không thể thiếu trong thực đơn. Bạn hãy thử kết hợp thịt băm nhỏ với một chút bột mì trộn vào trước khi làm xíu mại và chiên lên. Bột mì sẽ làm cho viên thịt bở và dễ ăn hơn. Với món thịt xào, bạn có thể quấy một chút bột ngô để tạo độ sánh, dễ nuốt; hoặc có thể xào chung với cà chua, sốt cà chua, tôm băm, ruột bầu, đậu hũ non, miến cắt nhỏ… Nói chung, bạn nên chế biến món thịt đi kèm với những thứ mềm, trơn láng.

Bạn có thể chế biến món cá bằng cách làm sạch cá, ướp một chút hành tím, nước mắm, dầu ăn, để khoảng 15 phút, sau đó mang hấp cách thủy. Mang cho bé ăn nóng cùng cơm, khi ăn dùng cả phần nước hấp. Cá cũng có thể băm nhuyễn với hành tím, trộn vào 1 ít nước mắm, dầu ăn, bột mì viên tròn chiên sơ rồi sốt cà chua. Cá luộc, lấy nước làm canh ngót cà chua cũng là món dễ ăn cho bé. Cá kèo, rô, bống kho tộ cũng dễ làm bé thích thú với mùi vị mới, mặn mà hơn.

Bạn chỉ cần chú ý gỡ xương thật cẩn thận trước khi cho con ăn mà thôi.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn