Nhiều vị hoàng đế trong lịch sử cổ đại Trung Quốc đã phải trả giá rất nhiều cho việc theo đuổi sự trường thọ, nhưng kết cục không mấy tốt đẹp, thậm chí một số hoàng đế còn chết yểu vì lý do này. Tuy nhiên, các vị hoàng đế không phải ai cũng tin vào thuật trường sinh bất tử, luôn có một số người là ngoại lệ, như Khang Hi và Càn Long thời nhà Thanh, họ không đụng đến bất cứ thứ gì nên sống lâu hơn.
Vị hoàng đế theo đuổi trường sinh
Nói đến trường sinh bất lão, mọi người sẽ nghĩ ngay đến Tần Thủy Hoàng. Ông đã có công lớn trong việc thống nhất Trung hoa, tuy nhiên lại hủy hoại danh tiếng của mình vì theo đuổi trường sinh bất tử. Những "chiến binh đất nung" trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng vẫn rất bí ẩn đối với chúng ta ngày nay, đây là cung điện dưới lòng đất mà ông đã xây dựng cho chính mình sau khi thất bại trong việc tìm kiếm sự trường sinh.
Các chiến binh này được tạo ra với một loạt các hỗn hợp khuôn đất sét và sau đó tiếp tục được cá nhân hóa bằng tay bởi các nghệ nhân. Có khoảng 7.000 chiến binh đất nung và mục đích của họ là để bảo vệ hoàng đế khỏi các linh hồn xấu xa ở thế giới bên kia. Trong đội quân này có nhiều xe ngựa và 40.000 vũ khí bằng đồng.
Tần Thủy Hoàng đã làm nhiều hơn thế vì mục tiêu trường tồn. Trước khi thống nhất đất nước, ông đã tiếp xúc với thuật giả kim và tu luyện vật bất tử. Sau khi đạt được sự nghiệp vĩ đại của mình, ông cảm thấy mình đã quá già để có thể ngồi trên ngai vàng được lâu, vì vậy ông đã bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để kéo dài tuổi thọ của mình. Dưới sự xúi giục của những vị đại thần xung quanh, Tần THủy Hoàng bắt đầu chiêu mộ những những nhân tài khắp đất nước để tinh chế thuốc trường sinh.
Theo sử sách ghi lại, Tần Thủy Hoàng được cho là đã dùng chu sa (sulfua thủy ngân) với Hi vọng sẽ kéo dài tuổi thọ.
Vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, người ta cho rằng thủy ngân có sức mạnh giúp con người bất tử. Ngày nay, ai cũng biết thủy ngân là chất độc hại, nhưng người Trung Quốc cổ đại hoàn toàn có một ý tưởng khác. Họ tin rằng đặc tính kỳ diệu của thủy ngân sẽ chữa khỏi các bệnh lây nhiễm thịnh hành lúc đó, thậm chí các bệnh dường như không liên quan như khó tiêu, trầm cảm và các bệnh tim mạch.
Do đó, các nhà giả kim thuật Trung Quốc cổ đại đã điều chế các hợp chất thủy ngân, thường bằng cách trộn thủy ngân lỏng với các chất độc hại khác như lưu huỳnh. Những hợp chất này được dành riêng cho giới thượng lưu giàu có, những người khao khát sự bất tử.
Trớ trêu thay, những phương pháp chữa trị được cho là của Tần Thủy Hoàng có thể đã khiến ông qua đời ở tuổi 49.
Hoàng đế trường thọ
Bây giờ chúng ta biết rằng dược liệu được tinh chế từ thời cổ đại thực sự là độc tố, trong đó có thủy ngân, chì, thủy ngân sulfua,... những thứ này nếu kết tủa lâu trong cơ thể sẽ gây ngộ độc. Chính vì những vị hoàng đế uống những viên thuốc này trong một thời gian dài nên họ không sống được lâu, và những vị hoàng đế không bao giờ đụng đến những viên thuốc này lại sống lâu hơn.
Trong đó, phải kể đến Hoàng đế Càn Long và Hoàng đế Khang Hi của nhà Thanh, Khang Hi lên ngôi năm 8 tuổi và làm hoàng đế 61 năm; Càn Long cũng sống đến 80 tuổi và trị vì 60 năm. Hai vị hoàng đế này không chỉ sống rất lâu mà còn lập công lớn trong việc cai trị nhà Thanh mà xưa nay hiếm một vị vua nào có thể làm được.
Nếu nói hai vị hoàng đế sống lâu là do may mắn thì không ai tin, nhưng cả hai vị hoàng đế đều lớn lên trên lưng ngựa, cho nên thân thể tương đối cường tráng. Vì vận động nhiều nên xương hai vị hoàng đế này tương đối khỏe mạnh.
Điểm quan trọng nhất là bọn họ không phải hoàng đế có lòng tham quá lớn, bị khát vọng trường sinh khống chế nên không uống "thần dược" như những vị hoàng đế khác. Hơn nữa, Hoàng đế Càn Long rất ghét thuật giả kim, đã trục xuất rất nhiều đạo sĩ ra khỏi cung, đương nhiên sẽ không động đến "thuốc tiên". Khang Hi và Càn Long là những vị vua anh minh, thông tuệ kiến thức ở nhiều lĩnh vực. Do vậy, họ biết được không thể có loại thuốc nào giúp con người trường sinh bất tử, chống lại quy luật sinh - lão - bệnh - tử của con người.