Trong số 26 đời vua Lê triều đại phong kiến Việt Nam, ông là người đầu tiên lấy vợ ngoại quốc và 2 lần lên ngôi vua, trị vì trong 38 năm. Ông là ai?
Triều đại nhiều đời vua trị vì nhất lịch sử phong kiến Việt Nam
Triều đại Hậu Lê là triều đại có nhiều đời vua nhất Việt Nam với tổng cộng 26 vua. Trong đó, nhà Lê sơ 10 vua (có tài liệu chép 11 vua) và nhà Lê trung hưng có 16 vua.
Theo Lược sử Việt Nam ghi chép lại, 10 vị vua nhà Lê sơ thuộc 6 thế hệ bao gồm: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng. Đây là thời kỳ các vua nhà Lê nắm trọn quyền hành, cũng là thời kỳ vĩ đại, hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Một số tài liệu chép nhà Lê sơ trải qua 11 đời vua. Vị vua còn lại được nhắc đến là Lê Nghi Dân, lên ngôi sau khi lật đổ Lê Nhân Tông. Nhưng chưa tròn một năm, ông bị các đại thần lật đổ vì cho rằng không có tài cán và mang tội phản nghịch. Sau đó, ông bị giáng làm Lệ Đức hầu và sử sách thường không coi ông là vị quân chủ chính thống của nhà Hậu Lê.
16 vị vua nhà Lê trung hưng gồm: Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, Lê Thế Tông, Lê Kính Tông, Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông, Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông, Lê Đế Duy Phương, Lê Thuần Tông, Lê Ý Tông, Lê Hiển Tông và Lê Mẫn Đế (Lê Chiêu Thống).
Vị vua lên ngôi hai lần, người đầu tiên lấy vợ ngoại quốc
Người được biết đến với 2 lần lên ngôi là Lê Thần Tông, sinh năm 1607, tên húy là Lê Duy Kỳ, là vị hoàng đế thứ sáu của nhà Lê Trung hưng và thứ 17 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam.
Ông là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và bà Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái thứ hai của Trịnh Tùng). Lê Thần Tông lên ngôi lần thứ nhất vào năm 1619, khi mới 12 tuổi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua sống mũi cao, mặt rồng, thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi”. Làm vua được 25 năm, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con trai 13 tuổi là Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông) và trở thành Thái thượng hoàng. Tuy nhiên, ở ngôi chỉ được sáu năm thì Lê Chân Tông ốm, qua đời. Thái thượng hoàng Thần Tông trở lại làm vua lần thứ hai. Lần này, ông giữ ngôi đến khi lâm bệnh và qua đời. Thời gian giữ ngôi thêm 13 năm.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Vào năm Canh Ngọ 1630... vua lấy con gái Vương (Trịnh Tráng) là Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm hoàng hậu. Trước, Ngọc Trúc lấy người bác họ của Vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được 4 con. Khi ấy, Lê Trụ bị giam, Vương đem Ngọc Trúc gả cho Vua. Triều thần là Nguyễn Trực, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe mà nói rằng: "Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy". Trong cuốn Tường trình về Đàng Ngoài (Historie du Royaume de Tunquin), linh mục người Pháp Alexandre de Rhodes chép nhiều việc về thời Lê - Trịnh. Trong đó có đoạn cho biết người
vợ thứ 6 của vua Lê Thần Tông là cung phi người Hà Lan. Bà tên là Orona, con gái của toàn quyền Hà Lan ở Đài Loan, Trung Quốc. Sách này cũng ghi việc chúa Đàng ngoài đã cầu cứu các thương gia người Hà Lan khi ấy đã chiếm đóng Java (Indonesia), xin cung cấp cho một số tàu tròn... Người Hà Lan đã đồng ý ngay vì biết vua chúa Đàng ngoài cần những tàu đó để tiến đánh chúa Đàng trong.
Sử sách Việt ghi chép lại, vua Lê Thần Tông có 6 người vợ chính thức. Ngoài bà Orona người Hà Lan, vua Thần Tông còn lấy thêm 3 người vợ khác có quốc tịch nước ngoài. Trong đó, vợ thứ 2 là người Xiêm (Thái Lan), thứ 4 là người Hán (Trung Quốc), thứ 5 là người Ai Lao (Lào).