Virus, ký sinh trùng lạ nguy hiểm cho thai phụ

( PHUNUTODAY ) - CMV (cytomegalovirus) là loại siêu vi trùng thuộc họ Herpes. CMV lây qua dịch tiết của cơ thể như nước bọt, phân, nước tiểu... Sự lây truyền thường xuất phát từ trẻ em tại các nhà trẻ rồi về lây nhiễm cho người thân trong gia đình. Khi bị nhiễm CMV, người bệnh sẽ mang virus CMV suốt đời, nhưng không có triệu chứng gì đặc biệt. Tại Việt Nam chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính khoảng trên 70% người trưởng thành từng nhiễm CMV. Nếu đã nhiễm CMV, bạn vẫn có khả năng bị nhiễm lại.

ThS-BS Lê Văn Hiền, Phó giám đốc y khoa, BV Phụ sản Mê Kông (TP.HCM), cho biết: phụ nữ mang thai nếu bị nhiễm CMV có nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, nhiễm trùng bào thai và đặc biệt có nguy cơ gây nhiễm CMV chu sinh hoặc CMV bẩm sinh. Nếu bị nhiễm CMV lần đầu, tỷ lệ này lên đến 50-60%. Trẻ bị nhiễm CMV bẩm sinh nguy cơ tử vong chu sinh rất cao, nếu không tử vong cũng ảnh hưởng đến phát triển tâm thần vận động, mù, điếc... CMV chu sinh nghĩa là trẻ sinh ra có thể bị lây CMV từ mẹ trong và sau sinh do tiếp xúc với máu, dịch âm đạo, sữa… của người mẹ.

Khi bị nhiễm CMV bẩm sinh, trẻ có thể bị đốm xuất huyết, gan, lách to, vàng da; sọ nhỏ, chậm phát triển trí tuệ; viêm võng mạc; có đến 20-30% trường hợp sẽ tử vong. Tuy nhiên, thông thường những người mẹ bị nhiễm tiên phát (nhiễm CMV lần đầu) mới gây CMV bẩm sinh, trong khi người trưởng thành Việt Nam đa phần đã nhiễm bệnh này từ nhỏ, nên những lần sau là tái nhiễm hoặc tái hoạt động nên ít bị CMV bẩm sinh.

Luôn giữ bàn tay sạch là cách đầu tiên để phòng ngừa nhiễm CMV. Nên rửa tay sau khi tiếp xúc với dịch tiết cơ thể, nhất là dịch tiết cơ thể trẻ; không sử dụng chung đồ ăn với trẻ, ăn chung muỗng, chén; không hôn vào miệng của trẻ; ăn uống vệ sinh.

vi rút thai kỳ

Không chỉ virus HIV, rubella, siêu vi B, Herpes gây nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi, một số virus, ký sinh trùng khác ít được nhắc đến như CMV, T.gondii… cũng gây sẩy thai, dị dạng thai.

TS-BS Ngô Thị Kim Phụng, Bộ môn Sản phụ khoa, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: Toxoplasma gondii (T.gondii) là ký sinh trùng (KST) sống và sinh sản trong đường tiêu hóa của mèo, có thể lây nhiễm sang hầu hết các loài động vật. Khi lây nhiễm sang người, KST này sẽ gây bệnh toxoplasmosis. Chúng ta có nguy cơ bị nhiễm T.gondii khi ăn thịt sống, thịt tái nhiễm KST, khi tiếp xúc với nang T.gondii trong phân mèo, từ nước, đất, rác bị nhiễm.

Nếu mẹ bị nhiễm ở ba tháng đầu thai kỳ, sẽ có nguy cơ cao bị sẩy thai, thai lưu, nhiễm trùng sơ sinh. Nguy cơ thai bị nhiễm toxoplasmosis tăng theo tuổi thai: khi thai 13 tuần tuổi, tỷ lệ khoảng 6%, nếu 36 tuần, tỷ lệ tăng đến 72%. Khoảng 70 - 90% trẻ bị nhiễm toxoplasmosis không có triệu chứng, nhưng nếu có triệu chứng thì rất nặng: nhẹ cân, gan lách to, vàng da, thiếu máu; bị các bệnh lý thần kinh như nốt vôi hóa nội sọ, não úng thủy, não nhỏ; viêm võng mạc, điếc; hoặc có thể bị bao gồm cả viêm võng mạc, nốt vôi hóa nội sọ, não úng thủy (thường kèm co giật).

Bà mẹ mang thai cần lưu ý loại trừ những nguy cơ có thể nhiễm toxoplasmosis: ăn thịt nấu chín; không ăn rau, trái cây chưa rửa kỹ; rửa tay bằng xà bông và nước ấm trước khi ăn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với mèo, thịt sống; mang găng tay khi làm vườn và rửa tay sau khi làm vườn.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn