Vẫn phải “nhắm mắt” gửi con cho các bảo mẫu
Ba ngày sau khi xảy ra vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (SN 1995, quê Cần Thơ, tạm trú tại khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) đánh chết cháu Đỗ Nhất L. con trai của vợ chồng chị Võ Thị Huyền (24 tuổi, quê Nghệ An) và anh Đỗ Trọng Đức (27 tuổi, quê Bình Định) gây phẫn nộ và chấn động dư luận cả nước, chiều 19/11 chúng tôi có mặt tại những xóm trọ cạnh khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Bình Dương và chứng kiến nhiều bà mẹ đã xin công ty nghỉ sớm để về đón con sớm hơn thường ngày.
Chị Lê Thị Bích đang làm công nhân trong KCN Việt Nam – Singapore tỉnh Bình Dương vì lo lắng khi hay tin nên hôm nay xin nghỉ sớm về để đón con trai 14 tháng tuổi. |
Chị Lê Thị Bích (25 tuổi, quê Nghệ An) đang làm công nhân trong KCN Việt Nam – Singapore tỉnh Bình Dương bế đứa con trai 14 tháng tuổi trên tay tâm sự: Bình thường hai vợ chồng tăng ca đến 20h về mới đón con nhưng mấy hôm nay đọc báo thấy có vụ cháu bé 18 tháng bị bảo mẫu đánh chết nên chị xin về đón con sớm.
Cả hai vợ chồng cùng làm công nhân, không có người thân vào trông con nên chị đem cháu bé gửi cho một bảo mẫu trông hộ. “Vào công ty nghe các chị làm cùng bàn tán về hành động của bảo mẫu Nhờ, em lo lắng cho con nhưng cũng chỉ xin được về sớm đón con hôm nay thôi chứ không xin được nhiều.”. Chị Bích chia sẻ.
Dù lo lắng cho sự an toàn của con khi đi gửi bảo mẫu nhưng nhiều bà mẹ công nhân tại các khu công nghiệp vẫn phải "nhắm mắt" gửi con |
Chung hoàn cảnh đem con đi gửi bảo mẫu trông để hai vợ chồng đi làm, chị Hoàng Thị Hoàn (27 tuổi, quê Bắc Giang) đang làm công nhân trong KCX Linh Trung, quận Thủ Đức khi nghe tin đau lòng về cái chết của cháu L. liền bàn với chồng xin nghỉ ở công ty, tính kiếm việc khác làm ở nhà để có thời gian trông con. Cũng theo chị Hoàn, nếu một mình chồng chị đi làm nuôi vợ, con thì phải sinh hoạt tằn tiện lắm mới đủ nhưng vì con đành phải chấp nhận.
“Hôm qua em cũng nghe mọi người nói chuyện trong công ty rồi, lo cho con lắm nhưng biết làm sao bây giờ. Con thì còn nhỏ mà em có một mình, biết mang đi gửi như vậy thì sợ nhưng vẫn phải gửi thôi” - Người mẹ đơn thân Phạm Thị Hoa (25 tuổi) đang làm tại KCN Sóng Thần (Bình Dương) lo lắng khi tâm sự về hoàn cảnh bản thân.
Cần có cơ sở giữ trẻ ở các KCN, KCX
Ngày 19/11, bên lề Quốc hội đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã có cuộc trao đổi với báo chí về vụ cháu bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu đánh chết.
Theo đại biểu Tâm thì bà cũng nắm được thông tin và mọi việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ nên chưa thể nói gì nhiều. Tuy nhiên bà Tâm cũng cho biết xử lý người vi phạm trong vụ việc này là đương nhiên nhưng giải pháp cốt lõi là cần phải có nhà giữ trẻ tại các KCN, KCX với đầy đủ các tiêu chí giúp công nhân yên tâm gửi con khi đi làm.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng giải pháp cốt lõi là cần phải có nhà giữ trẻ tại các KCN, KCX với đầy đủ các tiêu chí giúp công nhân yên tâm khi gửi con khi đi làm. (Ảnh internet) |
Thành phố đã có chỉ đạo tất cả các KCX, KCN phải có những nhà nuôi dạy trẻ cho con em công nhân vì công nhân phải đi làm theo ca, làm ngoài giờ hành chính. Các cơ sở trông giữ trẻ nhận giữ theo giờ hành chính thì công nhân không gửi được con em mình.
Cũng theo bà Tâm dù đã có chỉ đạo của thành phố nhưng vấn đề nhà trẻ tại các KCN, KCX chưa được quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc. Trong lúc nền kinh tế đang khó khăn thì việc này cần phải có lộ trình để thực hiện. Trước mắt thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giữ trẻ của thành phố phải có sự phối hợp, và các chủ doanh nghiệp có người lao động có con nhỏ phải có ký hợp đồng với các cơ sở giữ trẻ công lập để tăng giờ làm việc của cô giáo, trông những đưa trẻ đó.
Còn về trách nhiệm dẫn đến sự việc đau lòng này thì bà Tâm cho biết, trước hết đó là trách nhiệm trong công tác lãnh đạo và trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra thực trạng như thế.
Thứ hai, trong công tác kiểm tra của các địa phương đối với cơ sở giữ trẻ ngoài công lập thì UBND TP.HCM đã có rất nhiều công văn để chỉ đạo vấn để này, nhưng trong thực tiễn thì rõ ràng thì còn rất lỏng lẻo, đặc biệt là giữ trẻ gia đình.
"Giữ trẻ gia đình là người ta làm thêm, người ta có con nhỏ nên giữ thêm. Phải nói đến vấn đề đạo đức của người tham gia giữ trẻ, đạo đức đó đáng lên án và tất nhiên khi sự việc xảy ra thì mình mới biết hết được", bà Tâm nói.