Chữa bệnh “ma cà rồng”- lời đồn và sự thật

16:49, Thứ bảy 01/03/2014

( PHUNUTODAY ) - Với những quan niệm và niềm tin vào sự tồn tại của “ma cà rồng”, ở một số khu vực, người Tày cũng có những “ông thầy” nổi tiếng về chữa “ma cà rồng”.

Chưa có ai thẩm định về kết quả chữa bệnh của các “thầy” nhưng tiếng tăm của họ thì “nổi như cồn”.

Nhốt “ma cà rồng” vào…lọ? 

Đó là câu chuyện tôi được nghe kể về một ông “thầy” chuyên diệt trừ “ma cà rồng” cho bà con dân bản tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Chuyện kể rằng, cách thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên có một “thầy” chuyên chữa bệnh “ma cà rồng” bằng phương pháp “đuổi tà, bắt quỷ”. Hễ có bệnh nhân bị cho là “ma cà rồng” nhập xác, lập tức người nhà sẽ tìm đến nhờ “thầy” làm lễ đuổi tà, bắt quỷ để chữa trị.

Theo lời kể của một số người dân, cách chữa bệnh của “thầy” là đến nhà bệnh nhân “ma cà rồng” 7 hoặc 9 lần để làm lễ “đuổi ma, trừ quỷ”. Sau đó, con “ma cà rồng” nhập xác vào bệnh nhân sẽ bị “thầy” niệm kinh, phải chui ra khỏi người bệnh nhân. Từ đó, “thầy” phải bắt “ma”, nhốt vào cái lọ thủy tinh rồi mang về nhà mình và “nhốt” vào một góc nhà. Để rồi, “thầy” phải diệt được con ma “ma cà rồng” đó thì bệnh nhân mới khỏi hẳn.

Thế nhưng, trong một lần “thầy” đi “bắt ma” cho một dòng họ bị “ma cà rồng” nhập xác, sau khi các công đoạn đuổi ma xong, “thầy” bắt được con ma nhốt vào một cái lọ thủy tinh, chỉ đợi mang về nhà để diệt nó là cả dòng họ đó sẽ thoát khỏi bệnh “ma cà rồng”. Thật không may cho “thầy” và dòng họ đó là, “thầy” mang cái lọ đang nhốt con ma đó vừa về đến nhà, đang leo lên nhà sàn thì bị vấp ngã, tử vong. Vợ “thầy” nhặt được cái lọ, nhưng không biết là lọ gì liền mở ra thì con “ma cà rồng” thoát thân, rồi quay lại nhập xác vào dòng họ đó. Thế là “ma cà rồng” vẫn tiếp tục tồn tại ở dòng họ này tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái?

Đuổi ma từ người sang… gà?

Tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, với những lời đồn thổi về sự tồn tại của “ma cà rồng” trong một số dòng họ người Tày cũng có những ông “thầy” chuyên đi trừ “ma cà rồng” cho bệnh nhân. Nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là cách trừ ma, đuổi “ma cà rồng” từ người bị nhập xác sang con gà của “thầy” X. 

sách kinh đuổi ma cà rồng

Khi gia chủ có người bị “ma cà rồng” nhập xác, “thầy” X kê cho gia chủ về nhà chuẩn bị 1 con gà luộc, 1 con gà sống, 3 bát gạo, bánh giày, vàng hương và tiền mặt tùy tâm để làm lễ cúng. Sau khi mặc bộ áo bụt, “thầy” X đã trở thành “ông bụt”. Tiếp đó, “ông bụt” một tay cầm kiếm phép hoặc con dao nhọn dài khoảng 25cm, một tay cầm cuốn kinh cổ để vừa múa kiếm vừa niệm kinh đuổi ma. Trong khi “ông bụt” cúng lễ thì gia đình người có ma nhập phải cử ra một người thông minh, nhanh nhẹn cầm chổi đứng chờ sẵn. Hễ thấy “thầy” quăng nắm gạo ra thì phải quét 3 nhát chổi. Sau 3 lần quăng gạo là phải quét đủ 9 nhát, nhát quét cuối cùng là phải sạch gạo luôn. Sau đó thầy dùng 3 ngọn cây thanh táo (người Kinh gọi là cây trinh nữ) chấm vào bát nước sạch để vẩy đuổi ma. 

Sau khi dùng lá cây thanh táo vẩy nước làm phép dồn được con ma vào con gà sống thì “ông bụt” cho người nhà mang con gà thả ra rừng. Sau đó “ông bụt” hướng dẫn cho người nhà lấy cây cà gai dại về trồng ở ngoài cổng để tránh tà ma. Theo người xưa truyền lại, cà gai là loại cây “ma cà rồng” rất sợ. Những người hay đi đêm để tránh gặp “ma cà rồng” thì phải tán nhỏ quả cà gai thành bột gói lại mang theo người hoặc bỏ thêm vào trong đó vài nhánh tỏi... 

Sự thật về bệnh “ma cà rồng” 

Đầu năm 2012, BV Da liễu TW tiếp nhận bé gái Nguyễn Thu Tr, 5 tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, với chi chít những vết tổn thương cấp tính trên da. Đó là các bọng nước phồng rộp, chứa dịch trong, dịch hồng, có những vết trầy tiết dịch, có vảy và sẹo bọng nước trên vùng da hở, từ mặt đến tay và chân. Ngoài những mụn nước xuất hiện khá sâu dưới vùng da thượng bì, cháu bé còn bị sẹo lồi với mật độ dày đặc xuất hiện trên nền tổn thương cũ ở mặt, cổ, tay và chân, những vùng da hở tiếp xúc ánh nắng. Do cơ địa sẹo lồi nên các vết sẹo này đã làm cho khuôn mặt, tay, chân cháu biến dạng kỳ dị. Nhiều người gọi đây là bệnh “ma cà rồng” bởi đặc tính bùng phát tổn thương da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và hậu quả để lại những vết sẹo gây biến dạng khủng khiếp trên mặt, tay, chân bệnh nhân, thậm chí gây co quắp, rụt các chi. 

Sau khi làm các xét nghiệm và định lượng porphyrin trong máu, nước tiểu, các bác sĩ đã chẩn đoán cháu Tr mắc căn bệnh Porphyrin bẩm sinh thể hiếm gặp. Đây là một bệnh di truyền gen lặn do thiếu sót enzym trong quá trình tổng hợp nhân heme. Porphyrin là căn bệnh hiếm gặp của cả nhân loại. Đến nay mới chỉ phát hiện khoảng 200 trường hợp. Thêm vào đó, lớp da quanh môi mỏng hơn và co lại khiến răng lộ ra. Khi da và lợi tổn thương nên người bệnh dễ chảy máu ở khóe miệng, nước tiểu và răng bệnh nhân chuyển sang màu nâu đỏ.

Với trường hợp của bệnh nhân Tr, bệnh nhân vẫn phải thăm khám định kỳ bởi phương pháp điều trị hiện nay mới chỉ là điều trị triệu chứng, chưa phải là điều trị nguyên nhân. Do chưa có phương thuốc đặc trị bệnh “ma cà rồng” nên để hạn chế mức độ trầm trọng, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, khoa Bệnh về da của phụ nữ và trẻ em (BV Da liễu TW) lưu ý, phải bảo vệ da cho bệnh nhân khỏi ánh nắng bằng những biện pháp thông thường như mặc áo chống nắng, đội mũ rộng vành, bôi kem chống nắng có độ SPF >30, đeo kính bảo vệ mắt... 

Bởi chỉ một nguồn sáng trực tiếp lên vùng da hở sẽ kích thích sự xuất hiện trở lại những vết cháy nắng, bỏng rộp, sẽ dẫn đến nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa, ung thư da. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được chỉ định sử dụng các loại thuốc bôi kháng sinh dạng mỡ, kem giữ ẩm da điều trị hàng ngày. 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự