Góc khuất mại dâm chuyển giới

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Kết quả nghiên cứu của Asia Catalyst - một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền cho hay gái mại dâm chuyển giới là nhóm đối tượng thiệt thòi.

Góc khuất mại dâm chuyển giới.

Cuộc sống hai mặt

Kết quả nghiên cứu của Asia Catalyst - một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền ở Trung Quốc và Đông Nam Á - cho hay, gái mại dâm chuyển giới là nhóm đối tượng thiệt thòi và dễ bị tổn thương ở Trung Quốc hiện nay. Điều kiện sống của gái mại dâm chuyển giới ở Bắc Kinh và Thượng Hải được mô tả là "cực kỳ bị cô lập".

Họ thường xuyên phải che giấu thân phận của mình và sống một cuộc sống hai mặt, ít có cơ hội tìm kiếm việc làm, giáo dục và các hoạt động xã hội. Những người chuyển giới phải đối mặt với sự kỳ thị, nhạo báng của những người xung quanh.

Theo ông Tingting Shen - Giám đốc truyền thông của Asia Catalyst, hiện chưa có con số thống kê chính xác về người chuyển giới ở Trung Quốc. Ước tính, ở Trung Quốc, từ 0,1% đến 1,1% dân số là người chuyển giới. Một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc ước tính, 0,3% dân số ở Châu Á - Thái Bình Dương là người chuyển giới.

Shen cho biết, sự kỳ thị xã hội đã buộc nhiều người chuyển giới sống xa gia đình của họ. Một số người đã rời bỏ gia đình vì hầu hết các bậc cha mẹ cũng không hiểu tại sao con trai của họ cư xử và ăn mặc như phụ nữ. Họ tìm đến những thành phố cởi mở hơn để có thể sống theo cách của mình. 97% gái mại dâm chuyển giới “hành nghề” ở Bắc Kinh và Thượng Hải không phải là người nơi đây.

Theo Asia Catalyst, gái mại dâm chuyển giới không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Nhiều người được phỏng vấn đã nói rằng, họ thường xuyên bị tống tiền, lạm dụng và bạo lực thể chất. Một trong những nạn nhân đó là Zhang Baizhi. Cô đã hoạt động trong “nghề” này mười năm qua. "Chúng tôi tìm đến nghề bán dâm vì công việc dễ kiếm tiền và không đòi hỏi bất cứ kỹ năng gì.

Nỗi lo sợ nhất của chúng tôi là cảnh sát. Có lần, cảnh sát đã bắt tôi phải cởi quần để kiểm tra giới tính, mặc dù tôi đã nói rõ ràng rằng, tôi không phải là một người phụ nữ thực sự", Zhang nói. "Họ gọi tôi là một kẻ hư hỏng và làm nhục tôi". Zhang nói rằng, cô đã bị bắt giữ ít nhất 2 lần trong năm ngoái.

Thách thức pháp lý

Thách thức lớn nhất trong cuộc sống của người chuyển giới là việc có được cơ sở pháp lý đầy đủ. Luật pháp Trung Quốc quy định, những người đã trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính (SRS) có thể đề nghị thay đổi mục ghi giới tính trên chứng minh thư.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những người “chuyển giới không đầy đủ”, tức là giọng nói và hình thức trông giống phụ nữ nhưng vẫn có cơ quan sinh dục nam vì không đủ tiền để tiến hành phẫu thuật. Chính vì vậy, trên chứng minh thư của họ vẫn ghi là nam giới. 

Những người chuyển giới thường có chứng minh thư không phù hợp với giới tính nên bị cô lập và bị sỉ nhục. "Không có chương trình giáo dục giới tính phù hợp và thiếu hệ thống pháp lý bảo vệ những người chuyển giới ở Trung Quốc. Đây là một trong những lý do khiến xã hội chưa có cái nhìn thiện cảm về đối tượng yếu thế này”, Tingting Shen nhận định.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn