Thời điểm này thị trường bánh kẹo, mứt phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán hoạt động mạnh, lượng hàng bán ra nhiều, sức mua lớn. Tuy nhiên, phía sau mỗi "sản phẩm" bán cho người tiêu dùng là cả một quy trình không thể kinh hoàng hơn...
Rùng mình công nghệ chế biến chanh, quất bẩn thành ô mai
Quy trình sản xuất với công nghệ… chân tay tại phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) với những loại chanh, quất dập nát, ủng vàng, chảy nước...sẽ khiến người chứng kiến không khỏi rùng mình. Cơ sở này công khai ngay trong khu đất của Nhà văn hóa tổ 7, nhếch nhác, nơi nhiều người qua lại, cũng là nơi chăn thả gia súc, gia cầm.
Bãi phơi chanh, quất |
Tại đây, bãi phơi ngập ngụa những quả chanh, quất rải trên miếng bạt nylon, bên cạnh là những con bò nhởn nhơ gặm cỏ, nhả phân, đàn gà cào, bới kiếm ăn, ruồi, nhặng bay vo ve. Và mùi hôi thối nồng nặc xộc lên mũi...
Gần đó, ngay con đường sát sông Nhuệ với dòng nước đen kịt là 4-5 hố sâu được dùng để chôn, ủ chanh, quất; trên miệng hố là những dải nylon cáu bẩn, hoen ố vừa được móc lên từ dưới hố.
Chanh, quất được ủ dưới hố không đảm bảo vệ sinh |
Chanh, quất vừa ủ được cào vớt từ dưới hố lên bằng cuốc, xẻng rồi đưa lên đổ đống lên những tấm bạt trải, xộc lên là một mùi chua lòm sặc sụa và thum thủm khiến những ai chứng kiến đều khó chịu.
Được biết, quy trình ủ chanh, quất cho “thối” theo phương thức rất đơn giản. Chủ cơ sở chỉ cần đào hố sâu khoảng 3-5m, rộng 2-3m, rồi dựng vài cái cột gỗ để lợp vài tấm fibroximăng che nắng, mưa. Sau đó, họ rắc một lớp vôi bột, rải nylon lên rồi đổ chanh, quất, sấu… cả những quả dập nát, ủng vàng đã chảy nước rồi rải một lớp muối lên, phủ một lớp nylon cho kín các miệng hố.
La liệt chanh, quất đổi màu thâm sì |
Cứ vậy, khoảng 10 ngày sau khi chanh, quất chuyển vỏ thâm sì, chảy nước, bốc mùi, thì vớt lên phơi khô quắt lại rồi đóng bao nylon bán cho các cơ sở làm mứt, ô mai. Sau khi vớt những đống quả dưới hố đem đi phơi, họ không hề có động tác vệ sinh hố đất hay lớp nylon trải đựng sấu, quất, chanh ủ mà chỉ phơi khô qua loa, để vài hôm lại cho ủ mẻ khác, nhìn những hố này đều đục vàng, bốc mùi chua mốc.
Về nguồn gốc số chanh, quất được sử dụng, chị H - một người làm trong cơ sở này - cho biết: chanh, quất được mua, gom tại các chủ vườn rồi đóng thành từng tải chuyển về, sau đó được đổ xuống hố. Mức giá thu mua chỉ vài trăm nghìn đến gần 1 triệu đồng/tấn nguyên liệu… Sau khi chế biến kỹ lưỡng, số quả này có giá cao hơn một chút (khoảng vài triệu đồng/tấn, tùy từng loại quả).
Mứt dừa ngâm chất tẩy
Hồi đầu năm, người tiêu dùng cũng phải "sởn gai ốc" khi biết đến quy trình làm mứt dừa kèm hóa chất của một cơ sở sản xuất tai TP Hồ Chí Minh.
Tại đây, dừa trái sau khi được thu nạp "thập cẩm" tại các chợ đầu mối, các nơi nhỏ lẻ về bóc tách vỏ và lấy cơm dừa sẽ được bỏ vào bên trong những thùng phi xanh được chứa một loại nước “đặc biệt” có khả năng tẩy trắng.
Đây là giai đoạn “tẩy” nên cơm dừa được ngâm lâu có khi cả ngày liền. Để đánh tan vết bẩn và làm mềm dừa, một thanh niên dùng cây tre dài đảo qua lại dừa trong thùng phi nhiều lần. Nước sau khi ngâm xong được thải trực tiếp lênh láng ngay ống cống trước nhà với màu trắng bệch, đặc quánh, kèm mùi khó chịu, khi ngửi cảm giác buồn nôn.
Quy trình sản xuất dừa ngâm hóa chất |
Có khoảng 7 lao động, tay cầm miếng dừa múc đổ vào máy bào, máy cắt. Lúc ngứa thì dùng tay gãi đầu, mồ hôi nhễ nhại thì dùng tay quệt trán. Điều đáng nói, máy móc sản xuất thì gỉ sét, thô sơ, người làm thì không găng tay, không bảo hộ lao động.
Sau đó, các loạn dừa được chuyển đến khâu sấy khô, keo đường, nhuộm phẩm màu, chất bảo quản... để ra sản phẩm bắt mắt, giữ lâu.
Đây chỉ là một số ít những ví dụ về các loại "mứt bẩn" hiện đang tràn lan bán trên khắp các chợ lớn nhỏ. Mỗi người hãy là những người tiêu dùng thông thái, lựa chọn loại sản phẩm uy tín, chất lượng đảm bảo để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân.
Chồng hút thuốc lá là hại vợ, giết con (Xã hội) - (Phunutoday) - Một người đàn ông nếu muốn trở thành một người chồng tốt, một ông bố tốt...hãy nói không với thuốc lá ngay từ bây giờ. |