Phi công bấm nhầm nút báo không tặc
Việc chuyến bay thuộc hãng Vietnam Airlines đi từ TP.HCM đến Vinh vào chiều 16/12 phải hạ cánh tại sân bay Nội Bài do phi công nhấn nhầm nút báo động không tặc là sự cố mới nhất đăng trên trang Daily Mail cùng ngày.
Một máy bay hãng Vietnam Airlines. |
Tờ báo Anh tóm tắt sự việc như sau: Sau khi máy bay rời TP.HCM vào chiều tối 16/12, cơ trưởng Pechanec Marek (người Cộng hòa Czech) phát hiện trục trặc kỹ thuật dẫn đến áp suất trong khoang giảm đột ngột. Do vậy, ông quyết định hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Nội Bài tại Hà Nội.
Nhầm lẫn xảy ra khi phi công bấm nhầm nút tín hiệu báo khủng bố (7500) thay vì phải là nút tín hiệu khẩn nguy (7700), vô tình đặt máy bay vào tình trạng khẩn cấp. Vì sơ suất này, nhân viên mặt đất đã lên kế hoạch đối phó với một vụ cướp máy bay. Daily Mail cho biết Vietnam Airlines đã phát thông báo cuối ngày 16/12 khẳng định việc máy bay hạ cánh khẩn cấp hoàn toàn không phải vì không tặc. Các quan chức Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam đã đến sân bay và yêu cầu điều tra sự việc.
Sự cố mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất
Sự cố mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất hôm 20/11 được báo nước ngoài quan tâm, sau khi một cựu quan chức sân bay cho rằng đây là trường hợp chưa từng xảy ra trên thế giới.
Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Việt Nam. |
Theo đó, trưa 20/11, nhiều chuyến bay quốc tế và trong nước đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM đều không thể hạ cánh vì hệ thống radar mất tín hiệu do sự cố mất điện tại đài kiểm soát không lưu. Ông Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất, đánh giá đây là sự cố “trên thế giới chưa từng xảy ra trường hợp nào như thế”.
Trong bài viết với tiêu đề “Mất điện ở sân bay Việt Nam, máy bay phải quay đầu”, hãng thông tấn AFP đưa thông tin vụ việc và trích dẫn các báo trong nước.
“Sự cố mất điện hôm 20/11 tại đài kiểm soát không lưu của sân bay lớn nhất Việt Nam khiến các radar không thu phát được tín hiệu trong hơn 1 giờ, buộc hàng loạt chuyến bay phải thay đổi hành trình”, bài báo viết.
“Dù hồ sơ an toàn bay của Việt Nam là tương đối tốt nhưng một chuỗi các sự cố xảy ra trong thời gian gần đây khiến du khách không khỏi lo lắng”, AFP bình luận.
Theo thống kê của AFP và Chanel News Asia, ít nhất 33 chuyến bay của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific bị ảnh hưởng do sự cố mất điện. AFP đánh giá khả năng hoạt động của Tân Sơn Nhất là 300 chuyến bay mỗi ngày, trong điều kiện bình thường.
Trong khi đó, Channel News Asia còn liệt kê lại một số sự cố mà hàng không Việt Nam gặp phải trong năm qua. Tháng trước, chiếc máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines chuẩn bị cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất thì bị một trực thăng quân sự bay cắt mặt khiến 2 phi cơ suýt xảy ra va chạm. Hồi tháng 6, máy bay của VietJet Air chở theo 200 hành khách, dự kiến đáp xuống sân bay ở Đà Lạt nhưng cuối cùng hạ cánh tại một sân bay khác, cách đó hơn 100km.
Hãng tin Xinhua của Trung Quốc dẫn nhận xét của ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng việc sân bay Tân Sơn Nhất bị mất điện là “sự cố kỹ thuật cực kỳ nghiêm trọng, chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử hàng không Việt Nam” trong bài viết được đăng tải mới đây.
Tân Hoa Xã nói các chuyến bay xuất phát từ Trung Quốc, Campuchia, Malaysia và Singapore buộc phải quay lại nơi xuất phát hoặc hạ cánh tại những sân bay gần đó.
Nhật báo Strait Times của Singapore hay trang báo điện tử Global Post của Mỹ cũng đưa thông tin vụ việc trong mục những câu chuyện nổi bật.
Hành khách Việt kiều muốn nhảy khỏi máy bay
Chuyến bay của hãng Vietnam Airlines từ TP.HCM đến Sydney số hiệu VN773 trở nên náo loạn sau khi một hành khách người Việt muốn nhảy khỏi máy bay qua cửa thoát hiểm, Daily Mail đưa tin hôm 5/11. Một nhóm hành khách buộc phải cưỡng chế người đàn ông và giữ chặt anh trên ghế.
Tấm ảnh do một hành khách người New Zealand trên chuyến bay chụp lại vị khách Việt kiều gây rối. Ảnh: Daily Mail |
Thông báo của hãng Vietnam Airlines sau đó cho biết hành khách gây rối tên Phan Đức M., mang quốc tịch Australia, đã có những biểu hiện bất thường trên chuyến bay. M. cố gắng mở cửa thoát hiểm của máy bay nhưng đã bị tiếp tiếp viên và hành khách xung quanh ngăn lại. Lúc này, M. hoàn toàn mất kiểm soát, la hét, chống đối lại các yêu cầu của tổ bay.
Cảnh sát liên bang Australia xác nhận họ tiếp nhận vụ thanh niên 27 tuổi muốn nhảy khỏi phi cơ trên chuyến bay từ TP.HCM đến Sydney. Sau khi máy bay hạ cánh, cảnh sát đã áp giải vị khách tới bệnh viện St George để kiểm tra tình hình sức khỏe. Anh sẽ phải ra hầu tòa trong tháng 12/2014 vì hành vi gây nguy hiểm đến an toàn của một chuyến bay.
Phần lớn ý kiến bình luận trong bản tin trên Daily Mail tỏ ra quan ngại về hành vi gây nguy hiểm của hành khách M., một độc giả cho rằng "tất cả các hãng hàng không cần cấm cửa những hành khách gây náo loạn như thế này".
Hai máy bay suýt va vào nhau ở sân bay Đà Nẵng
"Một máy bay suýt va chạm với một phi cơ dân sự khác, nguyên nhân là do sơ suất của một thực tập sinh ở bộ phận kiểm soát không lưu", Daily Mail mở đầu bản tin về sự cố ở sân bay Đà Nẵng hồi cuối tháng 6/2014.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Daily Mail. |
Dẫn lại thông tin của báo chí trong nước, Daily Mail cho biết nguyên nhân sự cố do nhân viên thực tập đã cấp lệnh cho máy bay cất cánh trên đường băng 17L, trong khi chuyến bay của Vietnam Airlines vừa đáp từ TP.HCM chưa rời khỏi đường băng này. Chỉ đến khi phi công của Vietnam Airlines báo cáo lại rằng phi cơ vẫn còn đang trong đường băng thì nhân viên điều hành mới nhận ra sơ suất. Sự cố khiến hai máy bay có lúc chỉ cách nhau 350 mét.
"Sai sót nghiêm trọng này đe dọa an toàn hàng không. Nếu không phát hiện kịp thời thì có lẽ nó đã dẫn tới tai nạn", Daily Mail trích thông báo của Cục Hàng không Việt Nam (CAAV). CAAV đã rút giấy phép của trưởng kíp trực vì để thực tập sinh điều hành hai máy bay, đồng thời lập nhóm điều tra và xử lý vụ việc.
Vụ máy bay Vietnam Airlines hạ cánh khẩn: Đình chỉ tổ bay Cục Hàng không vừa lập Tổ điều tra sự cố máy bay Vietnam Airlines chuyển hướng, hạ cánh khẩn tại Nội Bài tối 16/12. Tổ bay này cũng bị đình chỉ. |