Thời gian gần đây, những "người rừng" ở nước ta được phát hiện ngày càng nhiều hơn. Dư luận cảm thông, xót thương, cùng chung tay góp sức giúp họ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, có cuộc sống mới với tươi lai tương sáng hơn.
Thế nhưng, đằng sau số phận "người rừng" là những câu chuyện chua xót, những cảnh đời xô đẩy éo le mà không phải ai cũng tưởng tượng nổi.
Cậu bé người rừng Huế có mẹ bị tâm thần
Đó là tên mà dư luận dùng để gọi cậu bé không tên, không hộ khẩu ở tại thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Gọi là “người rừng” bởi cậu bé thường ăn cá sống, ăn lá cây, có sở thích trèo cây, hái lượm, có bước đi rất lạ, và ban đêm thường có những tiếng hú.
Cậu bé sống với mảnh vải rách rưới, không hề mặc quần, đầu trần, chân đất sống khổ cực, thiếu thốn mọi thứ. |
Suốt hơn 10 năm qua, cậu bé khoảng 15 tuổi này sống mẹ là Nguyễn Thị Thanh Minh và em trai tại căn nhà rách nát ẩn sâu trong cây cối bụi rậm và gần như tách biệt với phố xá bên ngoài.
Người mẹ tâm thần sống với 2 con trai như người rừng trong căn nhà rách nát. |
Theo xác minh của công an địa phương, bà Minh bị tâm thần. Do sống không điện, không ánh đèn nên những đứa con của bà lần lượt ra đời mà không biết tên cha. Từ đó, 3 mẹ con cứ sống tách biệt với người bên ngoài.
Thành người rừng vì vợ con đều chết
Ngày 7/8/2013, cơ quan chức năng của huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) đã giải cứu thành công hai cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (SN 1931) và Hồ Văn Lang (41 tuổi, dân tộc Cor, ngụ xã Trà Xinh, huyện Tây Trà) ra khỏi vùng rừng núi nằm ở thôn Trà Kem (xã Trà Xinh) sau 40 năm sống biệt lập hoàn toàn với thế giới con người.
“Người rừng” Hồ Văn Lang ngày trở về. |
Được biết, sau khi trận bom tàn phá xóm làng, khiến mẹ và con trai chết, ông Hồ Văn Thanh gần như mất hết trí nhớ và trở thành người “điên”. Nhưng từ khi ông Thanh cùng con trai bỏ vào rừng sinh sống, để tồn tại giữa rừng già hoang vắng, ngoài việc làm chòi lá trên cây cao tránh thú dữ, cha con ông Thanh còn biết ủ tro bếp giữ lửa hay đến những khi rẫy lân cận “tìm” giống lúa, bắp, mè, mía và thuốc lá mang về trồng. Vì thế, đoàn công tác rất bất ngờ khi đứng trước đám rẫy rộng gần một ha với đủ các loại lúa rẫy, bắp, mè, mía và cây thuốc lá… của cha con ông. Bên dưới căn chòi, những dây trầu mọc xanh tốt.
Nhà của cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang. |
Có thể nói với người rừng Hồ Văn Thanh (82 tuổi) thì bây giờ việc rời bỏ rừng hoang, về làng cũ là một sự trở lại. Còn Hồ Văn Lang thì ngược lại, 41 tuổi thì đã hơn 40 năm sống biệt lập với cộng đồng, nên về bản làng với anh là sự khởi đầu, sự ra đi, đến một thế giới văn minh, lạ lẫm của loài người.
Bị điên tình, hoa khôi ôm con lay lắt sống giữa đại ngàn
Chị Nguyễn Thị Sinh vốn là hoa khôi nổi tiếng khắp vùng đất Tam Nông (Phú Thọ), thế nhưng cuộc sống đẩy đưa khiến chị trở nên “thân tàn ma dại”, phải đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác sống lay lắt qua ngày.
Người dân xã Phương Thịnh thuộc huyện Tam Nông, Phú Thọ vẫn coi mẹ con chị Sinh là “người rừng” bởi hơn chục năm nay, hai mẹ con cứ ôm nhau đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác để sinh sống.
Từ một cán bộ tham gia công tác phụ nữ năng nổ, xinh đẹp tại xã, do ám ảnh bởi chuyện tình yêu chung thủy với người chồng vô sinh đã biến cô thành người vô ý thức và trở thành nỗi khiếp sợ hàng đêm của thôn xóm. Và trong thời gian bị chồng ruồng bỏ đó, bỗng nhiên cô có bầu, và con trai của cô được sinh ra trong sự cảm thông của dân làng.
Anh trai Sinh đã xin đổi với hàng xóm một mảnh đất để đưa cô vào ở khuất hẳn sâu bên trong làng. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và công sức của một số đoàn thể, anh đã cất cho em gái một căn nhà cấp 4, làm nơi che nắng che mưa cho cả hai mẹ con.
Bé trai muốn trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho mẹ. |
Hai mẹ con “người rừng” vẫn dìu nhau sống qua ngày, bé trai cho biết “Hàng ngày đi học, mẹ thường dắt cháu tới trường, ngồi chờ cháu học xong lại dắt cháu về. Đường xa lắm, ngày nào cũng đi bộ từ sáng sớm và về thì đã quá trưa. Mẹ lại bế cháu đi xin gạo, xin rau ở nhà các bác về để nấu cơm. Nhiều hôm không có gạo, mẹ nấu rau sắn, rau muống hay măng tre ăn. Cháu muốn được đi học để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ”.
Tuy ai cũng gọi cô là “bà điên” nhưng hình ảnh người phụ nữ quấn quýt với cậu con trai, lo toan chuyện sách vở, ăn uống và đưa con đi học như những bà mẹ bình thường khiến nhiều người xúc động.
Cha mẹ chết, bé 5 tuổi thành người rừng
Trong chuyến đi từ thiện đầu tháng 2 vừa qua tại huyện Khánh Lê (miền núi tỉnh Khánh Hòa), một sư thầy đã vô tình phát hiện ra cô bé “người rừng” Mấu Thị Ni (người dân tộc Rắc-lây) đang trong tình trạng báo động về thể chất và tinh thần, rất cần được giúp đỡ.
Được biết, từ ngày sinh ra cho đến tận lúc được sư thầy cùng các phật tử phát hiện giúp đỡ, Ni không biết nói, không thấy đường, cũng chẳng thể nghe và đi lại được, bị hẹp van tim và phổi...
Cô bé "người rừng" Mấu Thị Ni trong tình trạng báo động về thể chất và tinh thần khi được phát hiện. |
Tuy nhiên, bi kịch chưa dừng lại ở đó với Ni. Năm em lên 2 tuổi, mẹ em đột ngột qua đời để lại Ni cho người cha nghèo già yếu. 4 năm sau (tháng 11/2013), trải qua một quá trình bệnh nặng không có tiền chữa trị, người cha - người thân duy nhất còn lại của em - cũng qua đời vì ung thư gan. Đứa bé dị tật câm – điếc – mù và hàng tá chứng bệnh nặng khác chính thức bước vào con đường “người rừng” do không ai chăm sóc.
Đoàn từ thiện đưa Ni lên chùa để em được chăm sóc tốt hơn. |
Nhờ sự giúp đỡ của mọi người trong đoàn từ thiện, Ni được đem đi cắt tóc và tắm gội sạch sẽ trước lúc về chùa sinh sống. Đứa bé dị tật, mồ côi như được tái sinh với cuộc sống của một người bình thường mà đáng lẽ ra em phải được hưởng như tất cả những đứa trẻ khác trên thế giới này.