Hồng nhan bạc phận
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, lam lũ tại thôn Đông Bến (Quế Nham, Tân Yên, Bắc Giang) nhưng chị Nguyễn Thị Tuyết (45 tuổi) lại sở hữu nhan sắc mặn mà, hiếm có. Thời trẻ, chị từng có rất nhiều người theo đuổi, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình nheo nhóc, nên chị cứ lần lữa, ở nhà giúp mẹ cha chăm lo gia đình.
Chị Tuyết được mọi người trong thôn gọi là "người đàn bà mang gương mặt quỷ" vì mang khối u khổng lồ trước mặt. |
Năm tháng vùn vụt trôi qua, ngoảnh đi ngoảnh lại, chị Tuyết bỗng giật mình khi thấy bản thân đã chạm mốc 32 - cái tuổi được coi là "gái ế" ở quê. Không muốn lắng nghe điều tiếng dị nghị của người đời, lại vẫn muốn kiếm tiền giúp gia đình bớt khốn khó nên khi có người rủ đi làm ăn xa, chị đã không ngần ngại gật đầu. Ai ngờ, quyết định sai lầm này chính là sự bắt đầu những chuỗi ngày đắng cay tủi cực nơi xứ người.
Sang Trung Quôc, chị bị lừa bán làm vợ một người đàn ông tàn tật gần bằng tuổi bố mình. Không chịu được cuộc sống như nô lệ ở nhà “chồng”, chị mấy lần bỏ trốn nhưng bị nhà chồng phát hiện bắt lại. Sau đó là những trận đòi roi thừa sống thiếu chết và những chuỗi ngày lao động vất vả không khác gì nô lệ.
Cuối cùng vào năm 2005, nhân lúc nhà chồng sơ hở, thân mang thai 3 tháng chị dắt theo con gái hơn 2 tuổi, không một xu dính túi, vơ vội mấy bộ quần áo cũ trốn thoát về Việt Nam.
Trở về quê hương trong lời dị nghị của người đời và sự xót thương của gia đình, chị Tuyết một lần nữa lại bắt đầu gầy dựng lại từ bàn tay trắng. Anh chị em mỗi người 1 tay vay mượn khắp nơi dựng tạm cho 3 mẹ con một túp lều sát mép đầm để lặng lẽ sống qua ngày.
Căn nhà lụp xụp là nơi trú ngụ của hai mẹ con người đàn bà khốn khổ này. |
Thế nhưng, bất hạnh vẫn chưa buông tha chị. Những năm tháng lao động khổ sai vất vả khiến sức khỏe chị ngày một yếu đi. Sau khi sinh con thứ hai, hầu như ngày nào chị cũng bị ốm. Cuối cùng, chị đành dứt ruột đem con mình cho một gia đình hiếm muộn khi bé mới được vài tháng tuổi. Chị nói trong nước mắt: "Ai mà chả xót con xót cái. Nhưng cái số mình khổ, mình sao đành bắt con chịu khổ? Ở với người ta, ít ra con mình còn được ăn được học. Nhưng ở với mình hôm nay, không biết ngày mai thì khổ lắm".
Chỉ biết đếm từng ngày chờ chết
Căn bệnh quái ác đến với chị Tuyết một cách âm thầm, dai dẳng khiến chị không để ý nhiều. Ban đầu chị chỉ bị viêm xoang, do không được chữa trị, bệnh tình ngày càng nặng khiến chị ngày đêm đau nhức chẳng thể làm được việc gì. Con gái chị là bé Tâm lúc đó đang học lớp 3 phải nghỉ học 2 năm ở nhà chăm sóc mẹ.
Chị Tuyết nghẹn ngào trong nước mắt khi kể cho phóng viên về quãng đời cơ cực của mình. |
Đến năm 2012, thấy hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật quấn thân nên hội Chữ Thập Đỏ xã Tân Yên và UBND xã Quế Nham kêu gọi bà con làng trên xóm dưới quyên góp, chị mới được đến bệnh viện mổ chữa trị.
Thế nhưng sau đó, trong mũi chị lại mọc lên 1 khối u, rồi khối u lớn dần choáng hết khuôn mặt. Kết quả thăm khám tại bệnh viện K Trung ương và bệnh viện Việt Đức cho kết quả: Chị Tuyết bị u máu lan rộng, đây là ca nặng do khối u đã quá to xâm lấn hết toàn bộ khuôn mặt và phá hỏng toàn bộ cấu trúc xương mặt bao gồm xương hàm trên, xương hàm dưới, xương trán và 1 phần thùy não, mắt trái bị giảm thị lực, rụng răng xương hàm trên, chảy dịch máu.
Nhiều khi nghĩ quẩn, chị Tuyết chỉ muốn về nhà chờ chết vì sợ thành gánh nặng của gia đình. |
Theo các bác sĩ bệnh viện Việt Đức, để phẫu thuật được cho chị Tuyết đòi hỏi sự phối hợp của cả 2 chuyên khoa Hàm Mặt và chuyên khoa Phẫu Thuật thần kinh, đây là một ca phức tạp do khối u to tập trung rất nhiều tĩnh mạch máu, có nguy cơ tử vong cao bởi nguy cơ mất máu trong khi phẫu thuật. Bệnh viện Việt Đức cũng đã chụp ảnh và thông tin về tình trạng của chị Tuyết cho một bác sỹ ngoại khoa hàng đầu ở Mỹ xem, và trong tháng 9 tới, ông sẽ sang phối hợp với bệnh viện Việt Đức có thể phẫu thuật.
Thế nhưng, chi phí phẫu thuật lên tới hàng trăm triệu đồng, trong khi nhà quá nghèo, con còn nhỏ, anh em họ hàng đều khó khăn khiến chị Tuyết một lần nữa rơi vào tuyệt vọng. Vừa thở khò khè trong bệnh viện, chị Tuyết vừa nói trong nước mắt: "Mình không muốn chữa bệnh nữa. Nếu chữa bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình, thì mình thà về nhà chờ chết còn hơn!".
Chị Tuyết đang điều trị tại bệnh viện Việt Đức. |
Bà Nguyễn Thị Đoán (chị gái của chị Tuyết) cũng sụt sùi: "Từ hôm Tuyết lên trên này, anh em họ hàng dưới quê cũng xác định cái gì bán được thì bán hết để lo chạy chữa, thuốc thang. Rồi cắt cử người thay nhau lên trên này chăm sóc.
Đều là những người làm nông nghiệp, thu nhập dựa vào hai sào lúa nên từ lúc nằm viện đến giờ đã 2 tuần rồi mà chi phí ăn ở, đi lại tốn kém quá. Bây giờ tôi chả dám ra ngoài thuê trọ nữa, buổi tối toàn ra ghế đá bệnh viện ngủ thôi, ăn cũng chỉ dám ăn ổ bánh mì 2.000 đồng".