Báo chí lại được dịp “tiếc thương”
Với bản chất muốn nghe những câu chuyện giật gân và buôn chuyện về nó như một sở thích tao nhã của nhân dân ta, báo chí khó có thể bỏ qua câu chuyện này.
Một báo đã đưa tin hiện trường rồi thì báo khác phải khai thác gia đình, thân nhân người bị sát hại, có khi vô tình đưa lên những hình ảnh lấy từ facebook, rồi liên tiếp đưa ra những lời kêu gọi, phỏng đoán, kết luận. Đến mức tôi phải tự hỏi, họ đang đưa tin để cảnh báo, răn đe, phòng tránh hay đang kể chuyện quảng bá. Và không thiếu những bài báo rất “vô tình” và đáng lên án khi quá đi sâu vào miêu tả cùng những hình ảnh ghê rợn.
Những “nhà đạo đức” lại xuất hiện
Ngay khi tin tức được mang lên facebook, không khó để nhìn thấy những bình luận mang tính “quy nạp” từ cá thể sang tổng thể kiểu như: “xã hội bây giờ thật khủng khiếp, đạo đức con người bị suy thoái rồi” hay như là “đất nước Việt Nam giờ mất an toàn đến vậy sao?”, hoặc “đây là hệ lụy của lối sống thiếu văn hóa, bị ảnh hưởng bởi phim ảnh bạo lực hoặc ảnh hưởng bởi lòng tham mù quáng, dân tình đói kém”. Tựu trung, những “nhà đạo đức” chỉ cần nhìn một vụ thảm sát là kết luận cả xã hội nhanh như chớp, cứ như thể Việt Nam là những gì xấu xa nhất, chỉ chờ cơ hội là họ lại thốt ra: “Ôi, Việt Nam!”.
Một cách tưởng niệm nạn nhân trong vụ xả súng tại một trường học ở Mỹ. Người ta không vì những vụ xả súng mà đưa ra những kết luận chủ quan về nước Mỹ - Ảnh: AFP |
Nhưng các bạn ạ, không ai nhìn những vụ xả súng ở trường học Mỹ để kết luận về xã hội Mỹ, một đất nước có hệ thống luật pháp rất chặt chẽ để điều chỉnh hành vi con người. Cũng chẳng ai lên án về Na Uy, một quốc gia rất phát triển ở Bắc Âu, khi Breivik bắn súng như Rambo ở một trại hè trên đảo Utoya. Hoặc không thể nhìn Josef Fritzl rồi kết luận xã hội Áo thật đồi trụy biến thái. Cũng như không thể vì một vài người Việt Nam ăn cắp mà kết luận cả dân tộc ăn cắp.
Có cần phải ầm ĩ lên quá không?
Mỗi năm nước ta có hàng chục ngàn người chết vì ung thư do hậu quả của thực phẩm độc hại, hằng ngày có hàng chục người chết vì tai nạn giao thông. Và trong khi chúng ta ca bài ca hòa bình tự do bác ái thì đâu đó trên thế giới vẫn bom rơi đạn nổ, vẫn người chết triền miên. Một vụ thảm sát đúng là đáng quan tâm nhưng tôi không cho rằng có gì đó quá nghiêm trọng về mặt đạo đức hoặc hệ lụy xã hội khi một gia đình bị cướp giết hoặc trả thù. Ở đâu đâu cũng có thể có tội ác như thế xảy ra. Hãy tiếc thương cho các nạn nhân và ghê sợ kẻ phạm tội nhưng đừng nghiêm trọng hóa vấn đề.
Các bạn đang bàng hoàng và căm phẫn, các bạn đang đòi phải “tử hình”, nhưng đó là việc của luật pháp và quan tòa. Cũng xin đừng kết luận vội vàng về một xã hội mà bạn cũng là một phần trong đó. Điều quan trọng là bình tĩnh để rút ra bài học từ sự việc, rút kinh nghiệm và phòng tránh, điều đó nên làm và cần thiết hơn kêu gào phải “xét xử” và tự mình đưa ra những phán quyết về tội trạng.
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kỹ sư sống và làm việc ở TP.HCM.
Thảm sát ở Bình Phước: Nhóm công nhân 'bị đuổi việc' nói gì? Nhiều nghi vấn về nhóm công nhân này có liên quan tới vụ án mạng đã được dư luận đặt ra. |