Không lấy được chồng vì… nghèo và bệnh tật
Sinh ra trong một gia đình nghèo có bốn chị em, Vũ Thị Thủy (SN 1978), quê ở Hưng Yên là con thứ hai. Bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chỉ với 6 sào ruộng, nên cái nghèo chưa bao giờ thôi đeo bám gia đình Thủy. Thoạt nhìn, không ai nghĩ cô gái này đã ở độ tuổi ngoài ba mươi vì trông cô khá trẻ, trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật. Có lẽ bởi vóc dáng gầy gò, nhỏ bé nên nên ban đầu tôi đã trộm nghĩ, cô mới chỉ ngoài hai mươi.
Vũ Thị Thủy (áo đỏ) cùng một gái bán dâm khác bị bắt |
35 tuổi nhưng Thủy vẫn được gọi là “thiếu nữ”, bởi duyên mỏng, phận hèn mà cô chưa một lần được một chàng trai để ý, chưa một lần có người ngỏ lời yêu. Thuở còn học sinh, Thủy cũng thầm thích một vài bạn trai trong lớp, nhưng rồi càng lớn cô càng nhận thức rõ được về bản thân và gia đình mình, thế nên cô phó mặc cho số phận.
Chị gái Thủy hơn cô hai tuổi, đến nay cũng gần 40 tuổi nhưng cũng chưa có chồng. Thủy nói: “Duyên phận nó thế biết làm sao được hả chị? Chị gái tôi cũng chả có người nào hỏi...”
Trong sâu thẳm ánh mắt ấy có một cái gì đó như là tủi hờn, như là đau đớn, như là than trách. Nghèo đâu phải là tội, nhưng có ai lý giải được vì sao!
Năm 1998, Vũ Thị Thủy lúc ấy tròn 20 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của thời con gái. Đáng lẽ ở cái tuổi ấy, cô sẽ ngày đẹp hơn, mặn mà hơn, nhưng nước da lại cứ xanh xao rồi sút cân liên tục. Những cơn đau bụng kéo dài buộc Thủy phải nhập viện.
“Bác sĩ bảo tôi bị dạ dày. Trước đó, tôi cũng không ăn gì được nhiều. Cứ ăn vào lại đau và nôn ra hết nên người cứ ngày một héo hon...”. Ngừng một lát, Thủy nói tiếp giọng đầy chua chát: “Chị nhìn tôi gầy mòn thế này, nhà lại nghèo thế thì ai dám yêu? Ai dám cưới? Cưới về để hầu hạ một con bệnh thì ai chấp nhận nổi?”.
Trong đầu Thủy luôn có ý định muốn lên Hà Nội tìm việc để đổi đời |
Là phụ nữ, ai chả muốn có một tấm chồng tốt, những đứa con ngoan và một gia đình hạnh phúc. Và với Thủy, số phận đã không mỉm cười khi cô sinh ra trong một gia đình nghèo, lại mang bệnh trong người, nên dần dần cuộc đời cô cứ trôi đi trong cô đơn, lâu dần thành quen và khiến con người ta dù không muốn vẫn phải chấp nhận.
Rời quê hương để tìm cuộc sống mới
Từ khi bị bệnh, Thủy gầy đi nhanh chóng, giờ chắc chưa được 40kg. Bố mẹ xót ruột nên dù công việc đồng áng nhiều và vất vả nhưng chưa bao giờ để cô phải động tay động chân vào việc gì nặng nhọc, có chăng chỉ là những việc lặt vặt như quét dọn, nấu cơm…
“Bố mẹ tôi đi làm đồng thì thường là buổi trưa không về nhà nên trưa nào tôi cũng mang cơm ra đồng cho bố mẹ. Nhìn bố mẹ tôi cũng xót ruột lắm nhưng chả biết phải làm sao” – Thủy ngậm ngùi.
Đầu năm 2011, Thủy theo chân mấy chị em ở quê ra Hà Nội làm thuê. Thủy nói: “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, cứ thử đi xem ra ngoài này có khá hơn ở quê không, với lại, thấy mấy người bảo đi bán hàng cũng nhẹ nhàng”.
Thủy sa vào đường dây của tú bà Trương Thị Lan, hy vọng kiếm được nhiều tiền |
Ban đầu, Thủy xin vào làm thuê ở quán phở, công việc đơn giản chỉ là rửa bát, dọn bàn, thu nhập 500.000 đồng/tháng được nuôi ăn, ở. Tuy nhiên, do thu nhập quá thấp nên sau hai tháng Thủy xin nghỉ việc. Cũng trong thời gian này, Thủy biết mình bị ung thư vú. Nỗi đau đớn thể xác và tinh thần khiến cô ngày thêm tiều tụy, mệt mỏi và đôi lúc cô “chán chả muốn sống nữa”.
Trong thời gian làm việc tại quán phở, những lúc vắng khách, Thủy thường ra ngoài ngồi xem ti vi và tình cờ nghe được những câu chuyện từ mấy cô gái ăn mặc hở hang, má hồng, môi đỏ. Nó ám ảnh trong đầu cô thường xuyên và gần như thôi thúc: “Không hiểu sao lúc ấy tôi lại muốn đi làm công việc giống họ. Tôi rất muốn đổi đời”.
Chưa đổi đời đã phải kiếm tiền chữa bệnh
Thủy kể tiếp: “Thời gian nghỉ bán phở, tối nào tôi cũng lang thang ở phố Lĩnh Nam, mua ít đồ lặt vặt của phụ nữ và quần áo hàng thùng rẻ tiền. Trên đường này đầy rẫy những quán Massage – Tẩm quất treo biển tuyển nhân viên... Khi biết bị ung thư, gia đình tôi đã rất sốc. Bố mẹ bảo tôi cố gắng đi làm kiếm tiền mà chữa bệnh chứ giờ bố mẹ cũng chả có gì. Tôi có hai đứa em, một trai một gái cũng bỏ học vào trong Nam làm thuê kiếm tiền, nhưng chúng nó phải lo phận chúng nó chứ làm sao lo nổi cho mình...”.
Theo tâm sự của Thủy, bệnh ung thư của cô cần phải được mổ càng sớm càng tốt, nhưng nếu không mổ được ngay thì phải uống thuốc để ngăn không cho tế bào ung thư phát triển. Loại thuốc này có giá 215.000 đồng/lọ. Mỗi lọ có thể uống được trong vòng 1 tuần.
Chân dung tú bà Trương Thị Lan |
Sau khi đắn đo, suy nghĩ, Thủy cũng xin vào làm nhân viên tại quán Massage – Tẩm quất Tuyết Mai, tại thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, phục vụ từ 7h tối đến 12h đêm. Phục vụ một khách, Thủy được chủ quán trả cho 60.000 đồng. Lúc mới làm, Thủy cũng chịu khó ra quán cả ban ngày, nhưng chả có khách, mà có thì họ cũng chê cô gầy gò, ốm yếu: “Dù là massage, thư giãn thì người ta cũng phải giao tiếp, nói chuyện, phải thấy mình ưng mắt thì họ mới chịu. Buổi tối anh đèn mờ thì ai biết mình như nào đâu nhưng ban ngày thì...”, Thủy nén tiếng thở dài.
Trong thời gian làm việc tại quán Tuyết Mai, Thủy phải ở nhờ nhà bạn bè quen mỗi người một vài ngày. Khách của Thủy hầu hết đều là dân tỉnh lẻ qua đường, tốt lắm thì họ “bo” thêm 20.000 đồng. Trừ mọi chi phí ăn ở, đi lại và mua thuốc, mỗi tháng cô cũng chỉ để ra được khoảng gần 400.000 đồng, phòng khi phải đi viện chụp chiếu.
Làm tại quán Tuyết Mai một thời gian thì quán này đóng cửa vì vắng khách, Thủy phải xin sang làm tại quán “Tình cờ” do Trương Thị Lan làm chủ, ở ngay kế bên quán Tuyết Mai.
Làm cùng với Thủy còn có hai nhân viên nữ nữa. Thi thoảng, cô thấy họ “đi khách” theo lời “dỗ dành” của tú bà Trương Thị Lan và kiếm được “kha khá” nên cũng muốn thử, nhưng lại sợ khách chê nên không đi.
Ngày 15/9, thuốc uống đã hết nên Thủy rất lo vì chẳng còn tiền. Thấy vậy, tú bà Trương Thị Lan đã gợi ý cô qua đêm với khách. Suy nghĩ một hồi rồi cô gật đầu đồng ý.
Đêm đó, trong khi đang “vui vẻ” với khách, Thủy và một “đồng nghiệp” đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang tại nhà nghỉ Hải Anh ở Quán Gánh, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ngay sau đó, Trương Thị Lan cũng đã bị bắt giữ, đưa về cơ quan cảnh sát điều tra xác minh, làm rõ.
Nhớ lại giây phúc bị bắt, Thủy cúi gằm mặt, vừa xấu hổ vừa sợ hãi. Giờ đây, cô chỉ mong có thể tìm được một công việc đủ để cô nuôi sống bản thân mình và mua thuốc uống. Nếu may mắn, gia đình cô bán được mảnh đất sẽ có tiền đưa cô đi viện phẫu thuật. Nhưng liệu số phận có thể mỉm cười với cô gái đang ngày một héo hon và luôn phải đối diện với những cơn đau của bệnh tật?
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi