Những vụ thoát chết thần kỳ từ tai nạn hầm mỏ

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) -Những vụ thoát chết thần kỳ từ tai nạn hầm mỏ dưới đây giống như phép màu thần kỳ, khiến triệu người bật khóc.

Sống sót kỳ diệu sau hơn 80 giờ bị chôn vùi

7 giờ sáng ngày 16/12/2014, hầm thủy điện ở Công trình thủy điện Đạ Dâng- Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) bất ngờ bị sập khiến 12 người (trong đó có 1 phụ nữ) bị mắc kẹt bên trong. Ngay sau tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt ở hiện trường để thực hiện công tác cứu hộ nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Mô tả ảnh.
Hàng trăm người tham gia cứu nạn.

Sau nhiều nỗ lực giải cứu, đội cứu hộ mới bơm được ô xy, sữa, cháo loãng, thuốc men qua đường ống thông hơi nhỏ để tiếp tế 12 người mắc kẹt trong hầm sâu.

Mô tả ảnh.
Đội cứu hộ phải bơm sữa qua ống thông gió "cứu đói" 12 công nhân bị mắc kẹt.

Đến chiều 19/12, toàn bộ công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đã được đưa ra ngoài sau gần 4 ngày đêm sống trong bóng tối, sợ hãi.

Mô tả ảnh.
Giây phút 12 công nhân được giải cứu, mọi người vỡ òa vì xúc động.

Hàng triệu con tim cả nước hướng về 12 nạn nhân bị kẹt trong vụ sập hầm bỗng dưng vỡ òa vì vui sướng. Tại hiện trường cứu nạn, rất nhiều người vừa cười vừa khóc vì quá hạnh phúc. Chia sẻ với báo chí, những công nhân bị kẹt cho hay, khi bị kẹt trong hầm tối, họ đã vô cùng tuyệt vọng. Bất ngờ được giải cứu, khiến họ vui mừng như "được sống lại lần nữa".

Mô tả ảnh.
Thân nhân 12 công nhân bật khóc báo tin bình an về gia đình.

Hiện 12 công nhân đang được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Lâm Đồng. Cuộc trở về từ cõi chết của họ khiến rất nhiều người xúc động.

Trung Quốc giải cứu thành công 29 thợ mỏ

11h ngày 21/11, một trận lũ lớn khiến nước bất ngờ tràn vào làm ngập mỏ than Bát Điền tại huyện Uy Viễn, gần thành phố Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong lúc có 35 công nhân đang làm việc. 13 thợ mỏ đã kịp thoát được ra ngoài nhưng 22 người vẫn còn bị mắc kẹt.

Sau khi mỏ than bị ngập, một nhóm gồm 7 người, trong đó có cả phó giám đốc mỏ than Zhang Hongliang, đã vào mỏ nhằm cứu 22 công nhân ra nhưng, sứ mệnh cứu hộ đã thất bại và bản thân họ cũng bị mắc kẹt.

Mô tả ảnh.
Một thợ mỏ Trung Quốc được giải cứu  sau vụ sập hầm.

Các nhà chức trách và cơ quan chức năng đã huy động tới 500 nhân viên cứu hộ và chạy đua với thơi gian khi quyết định thay đổi chiến dịch cứu hộ. Họ quyết định hút hết nước ra khỏi hầm mỏ và đưa tiếp một nhóm cứu hộ thứ 2 vào giải cứu 29 người bị mắc kẹt trước đó. Chiến dịch giải cứu thành công tốt đẹp khi đưa được toàn bộ 29 ngượi bị mắc kẹt lên nơi an toàn mà không bị thương.

Truyền thông Trung Quốc ca ngợi chiến công này là một điểm sáng hiếm hoi giữa thực trạng liên tiếp có các vụ sập hầm mỏ khiến hàng trăm người chết tại quốc gia này suốt những năm vừa qua.

Sập hầm ở Quecreek, Mỹ

Ngày 24/7/2002, 18 thợ mỏ đang làm việc trong hầm mỏ Quecreek ở hạt Somerset bang Pennsylvania thì bất ngờ hầm bị ngập. Một số đã thoát ra được nhưng 9 thợ mỏ vẫn bị kẹt lại bên trong trong khi mực nước liên tục dâng cao.

Mô tả ảnh.
Người thợ mỏ đầu tiên được giải cứu trong tai nạn hầm mỏ ở Quecreek.

Lực lượng cứu hộ ngay lập tức được điều đến và các nhà chức trách quyết định  mở một chiến dịch vừa cố gắng bơm nước trong hầm ra để bảo đảm tính mạng cho những người bị kẹt vừa khoan vào hầm và đưa một khoang cứu hộ bằng thép với đồ tiếp tế xuống tới chỗ các thợ mỏ.

12h30 ngày 28/7/2002, sau hơn 77 giờ bị kẹt dưới lòng đất, các thợ mỏ bắt đầu được đưa lên qua khoang cứu hộ. 9 thợ mỏ đã thoát chết một cách ngoạn mục và tất cả đều không bị thương hay chịu thương tích gì nghiêm trọng.

Giải cứu hàng trăm công nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 13/5/2014, một thảm họa nổ hầm mỏ kinh hoàng đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến gần 800 người mắc kẹt trong mỏ than. Lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt đêm để tìm kiếm những người còn đang mắc kẹt dưới lòng đất. Sau nhiều giờ giải cứu, lực lượng cứu hộ đã giải thoát được 363 người nhưng hàng trăm người vẫn mặc kẹt dưới lòng đất.

Mô tả ảnh.
Niềm vui của người thân sau khi một thợ mỏ trong vụ sập hầm ở Thổ Nhĩ Kỳ được cứu thoát.

Lực lượng cứu hỏa cố gắng bơm không khí sạch vào bên trong hầm mỏ để những người mắc kẹt bên trong có thể thở bởi nhiều người bị mắc kẹt vẫn đang ở độ sâu cách mặt đất 2km và cách lối vào mỏ 4km. Nhiều nhân viên cứu hộ thậm chí phải đeo bình dưỡng khí để di chuyển vào sâu bên trong nhằm tìm kiếm cơ hội cứu thoát những công nhân xấu số. Tuy nhiên, kết thúc chiến dịch tìm kiếm, con số thợ mỏ thiệt mạng cuối cùng lên tới 301 người.

Vụ tai nạn tại Soma là vụ có số nạn nhân cao nhất trong lịch sử ngành khai thác mỏ tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có tới 48.000 thợ mỏ làm việc tại 740 mỏ.

Giải cứu các công nhân bị kẹt trong mỏ vàng ở Nam Phi

Ngày 16/2/2014, giới chức Nam Phi đã giải cứu thành công 11 công nhân bị kẹt trong mỏ khai thác vàng ở phía Đông thủ đô Johannesburg ở Nam Phi. Vụ sập hầm xảy ra sau khi có một khối lượng đất đá bất ngờ đổ sụp xuống bịt kín lối thoát hiểm. May mắn là, sau đó có người tình cờ đi ngang qua nghe thấy tiếng kêu cứu và kịp thời báo với cảnh sát.

Mô tả ảnh.
Các nhân viên cứu hộ trong vụ giải cứu công nhân bị kẹt trong mỏ vàng ở Nam Phi.

Lực lượng cứu hộ sau đó đã đến kịp thời và triển khai công tác giải cứu được 11 công nhân và đưa được họ lên mặt đất.

Phép màu thần kỳ ở Chile

Ngày 5/8/2010, khu mỏ vàng và đồng San Jose, miền Bắc Chile bất ngờ bị sập, khiến 33 thợ mỏ khi đó đang làm việc dưới độ sâu 700 mét  mắc kẹt lại dưới lòng đất. Tưởng chừng như mọi hy vọng đã tắt sau nhiều ngày tìm kiếm trong vô vọng, thân nhân gia đình những người thợ mỏ và đất nước Chile đã tính đến tình huống xấu nhất là không thể cứu được bất kỳ ai.

Mô tả ảnh.
Người thợ mỏ Chile đầu tiên được đưa lên mặt đất từ độ sâu 700 mét  trong niềm vui vỡ òa của lực lượng giải cứu.

Ngày 22/8, sau 17 ngày tìm kiếm, một máy khoan đã đưa ống dò xuống độ sâu 688 mét, nơi các thợ mỏ đang trú ẩn. Họ đã viết một mảnh giấy gửi lên mặt đất thông báo rằng: "Chúng tôi, 33 người vẫn còn sống và đang ở trong khu vực trú ẩn".

Ngay sau khi nhận được thông điệp của những thợ mỏ gặp nạn, cả đất nước Chile bắt đầu bước vào một giải cứu quy mô lớn và chạy đua với thời gian. Người dân trên khắp thế giới đổ dồn sự chú ý vào cuộc giải cứu chưa từng có trong lịch sử. Cùng lúc đó, hàng tiếp tế, bao gồm thực phẩm đặc biệt, các loại thuốc men chống mất nước và cả những chiếc máy quay video được đưa qua một đường ống có tên là Pigeon (Chim bồ câu) xuống cho các thợ mỏ đang kiệt sức vì thiếu đồ ăn thức uống hơn 2 tuần qua.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Chile Sebastian Pinera ôm một người thợ mỏ sau khi được giải cứu.

Ngày 25/9, cùng với sự trợ giúp từ Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA), các chuyên gia Chile đã thiết kế ra một chiếc lồng đặc biệt đặt tên là Phoenix (Phượng hoàng) nặng 420 kg, thả xuống đường hầm cứu hộ, đưa từng người thợ mỏ đang bị mắc kẹt lên mặt đất.

Đêm ngày 12/10, cả thế giới nín thở và xúc động khi chứng kiến khoảng khắc người thợ mỏ đầu tiên được kéo lên mặt đất an toàn. Câu chuyện về chiến dịch giải cứu 33 thợ mỏ từ cõi chết trở về cũng như cuộc đấu tranh giành giật sự sống khi họ bị mắc kẹt dưới lòng đất đã trở thành một trong những câu chuyện ấn tượng nhất thế giới năm 2010.

Sập hầm: Lời kể xúc động của những người trở về từ cõi chết
"Lần nào hỏi bao giờ ra được cũng đều nhận được câu trả lời ngày mai nên mọi người thất vọng lắm. Một số người nói thà chết ngay đi chứ ngồi chờ chết thế này kinh khủng quá".
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn