Dịch bệnh trong nước diễn biến ngày càng phức tạp, những ngày gần đây, con số mắc mới trong cộng đồng đã vượt mốc 2000 ca và còn đang có xu hướng tăng thêm, mở rộng trên nhiều tỉnh thành.
Hôm qua 13/7: Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết bệnh nhân Covid-19 tên L.T.L. (41 tuổi) đã tử vong tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Tiền Giang vào 0 giờ 30 phút sáng nay (13.7). Thi thể của bệnh nhân đã được chôn cất vài giờ sau đó vì hầu hết người thân trong gia đình bệnh nhân vẫn đang được cách ly, điều trị Covid-19.
Ông L.T.L. là thầy giáo, có hộ khẩu thường trú tại P.10, TP.Mỹ Tho. Đây là bệnh nhân lây nhiễm từ ổ dịch khởi phát từ một số nhân viên ngân hàng - ổ dịch đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.Mỹ Tho khởi tố vụ án “làm lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng”. Hiện ổ dịch này đã có 21 ca nhiễm Covid-19 và có 1 trường hợp tử vong là bệnh nhân L.
Trước đó, vào sáng 27.6, ông L. được test nhanh Covid -19 tại Trung tâm Y tế TP.Mỹ Tho với kết quả dương tính với Covid-19. Sau đó cơ quan chuyên môn của TP.Mỹ Tho tiến hành lấy mẫu xét nghiệm PT-PCR của ông L. cùng vợ và 2 người con.
Kết quả cả gia đình 4 người đều dương tính với Covid-19 và đã được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh Tiền Giang.
Đến 0h ngày 7/7, bệnh nhân tiếp tục suy hô hấp nặng, và được chỉ định đặt nội khí quản, thở máy, hồi sức tích cực với sự hỗ trợ ý kiến của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đến 0h30 ngày 13/7, tình hình bệnh của ông diễn biến nặng, suy hô hấp không hồi phục, qua đời dù đã được hồi sức tích cực.
Nguyên nhân chẩn đoán sau đó là: Viêm phổi do nCov biến chứng suy hô hấp tiến triển nặng, thở máy ngày thứ 7, và gout mạn.
Cùng ngày 13/7 ông đã được thực hiện các thủ tục cần thiết và đưa thi thể đi hỏa táng.
Trước giờ, nhiều người vẫn nghĩ mình khỏe mạnh thì không may mắc nCoV cũng khỏi thôi nên không sợ. Thực tế không phải vậy
Trong 1 bài viết của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, lý giải nguy cơ với người nhiễm nCov thì có nói rằng: Thường mọi người hay nói người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền có nguy cơ tử vong khi nhiễm nCov sẽ cao và cao hơn người trẻ tuổi.
Theo thống kê trên 64.781 bệnh nhân mắc nCov nặng tại 592 bệnh viện ở Mỹ năm 2020 cho thấy: Tỉ lệ tử vong chung ở các bệnh nhân mắc nCov nặng khoảng 20,3%. So với nhóm 18-34 tuổi thì nguy cơ tử vong của nhóm bệnh nhân trên 80 tuổi tuổi có tỉ suất chênh OR = 16,2.
So với người khỏe mạnh thì nhóm bệnh nhân có bệnh tiểu đường có nguy cơ ra đi cao hơn với tỉ suất chênh OR = 1,9. Odd Ratio – OR là khái niệm tỉ suất chênh, để đo lường sự tác động của các yếu tố đến các nguy cơ mắc bệnh hay tử vong khi các nhà thông kê so sánh giữa nguy cơ tử vong của các nhóm bệnh nhân khác nhau.
Tức là: Nếu mỗi 100 bệnh nhân nặng trẻ khỏe có khoảng 20 người tử vong, thì nhóm 100 bệnh nhân trên 80 tuổi sẽ tử vong khoảng 66 người. Cùng lứa tuổi, nhóm bình thường tử vong 20 người thì nhóm có bệnh tiểu đường sẽ tử vong cỡ độ 32 người.
Như thế tức là khi đã nhiễm nCov thì bất kỳ ai, hay lứa tuổi nào cũng đều có khả năng diễn biến nặng và có thể tử vong. Ví dụ như ngay từ đầu vụ dịch, tại Vũ Hán bác sĩ Lý Văn Lượng mới 34 tuổi vẫn ra đi mãi mãi.
Sau đó một loạt những người nổi tiếng khỏe mạnh như nữ cầu thủ Elham Sheikhi của Iran cũng ra đi ở tuổi 23, lực sĩ Victor Luna ở Brazil qua đời vì nCov ở tuổi 37, lực sĩ đa tài Dmitriy Stuzhuk ở Ukraina, một người không chịu tin rằng có bệnh nCov đã qua đời vì chính bệnh này ở tuổi 33.
Nguy cơ qua đời của bệnh nhân mắc nCov phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Trước hết là cơ địa, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật. Sau nữa phụ thuộc vào diễn biến và độc lực của từng chủng virus.
Nó cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng chẩn đoán, điều trị của bác sĩ, về giường bệnh, nhân lực, oxy, thuốc men và trang bị hồi sức cấp cứu của cả hệ thống y tế nữa.
Nói về làn sóng dịch thứ 4 – làn sóng hiện tại chúng ta đang đối mặt
Làn sóng mới chủ yếu do chủng virus Ấn Độ gây ra. Vụ dịch này có quy mô và tính phức tạp cao hơn các vụ dịch trước, vì bùng phát cả ở trong những bệnh viện, nơi có nhiều người bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền, cả ở trong cộng đồng nhiều địa phương, cả ở trong các khu công nghiệp lớn.
Đặc điểm diễn biến bệnh do chủng virus mới này còn đang phải nghiên cứu tiếp. Nhưng để hạn chế tỉ lệ tử vong, chúng ta không chỉ lưu tâm đến nhóm bệnh nhân có tuổi, có bệnh nền mà còn phải đảm bảo trong việc điều trị tốt cho cả nhóm người trẻ khỏe.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thì: “Để làm được việc này cần phải nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ở tất cả các tuyến, ưu tiên nguồn lực, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất và trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị. Và hơn hết, mỗi người đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuân thủ các chỉ định cách ly giãn cách khi được yêu cầu để hạn chế số người mắc không vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị”.