Viêm nhiễm là tình trạng mà bất cứ ai trong chúng ta cũng từng gặp phải, ví dụ như viêm họng, nhiễm trùng vết mổ, viêm đường tiêu hóa...
Thường thì khi bị viêm, chúng ta thường được bác sĩ kê kháng sinh, tình trạng sẽ cải thiện ngay nếu cơ thể đáp ứng thuốc. Cũng bởi vậy nên nhiều người có xu hướng coi thường tình trạng viêm.
Tuy nhiên, bạn cần biết, nếu cơ thể ở trong tình trạng “viêm nhiễm” một thời gian dài, rất có thể sẽ mang đến những căn bệnh nguy hiểm như ung thư.
Một thống kê y tế đã chỉ ra, 1/6 số ca ung thư trên thế giới đều xuất phát từ nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút. Trong đó, nhiễm trùng chính là thứ mà nhiều người gọi là "viêm". Đồng thời, tình trạng viêm nhiễm mãn tính là một trong những điều kiện giúp tế bào ung thư di căn.
Bởi thế, cần đề cao cảnh giác với tình trạng viêm nhiễm này, nếu có 5 vị trí sau đây bị viêm, nên điều trị càng sớm càng tốt.
Viêm gan: Ung thư gan
Theo tờ Cancer của Mỹ, yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư gan là nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) hoặc vi rút viêm gan C (HCV) mãn tính. Những bệnh nhiễm trùng này dẫn đến xơ gan và là nguyên nhân làm cho ung thư gan trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất ở nhiều nơi trên thế giới.
Một cuộc điều tra kéo dài nhiều năm đã chỉ ra, hơn 90% bệnh nhân ung thư gan được chẩn đoán có tiền sử mắc bệnh viêm gan B, ngoài ra, 5% -8% bị viêm gan C, và số còn lại liên quan đến việc uống nhiều rượu bia lâu ngày, gan nhiễm mỡ và bệnh gan tự miễn gây ra xơ gan.
Cần lưu ý, bệnh viêm gan cấp tính được phát hiện và không được khắc phục kịp thời, lâu dần có thể phát triển thành viêm gan mãn tính, sau đó là xơ gan, ung thư gan.
Vì vậy, người có tiền sử viêm gan B, nghiện rượu, gan nhiễm mỡ và các bệnh gan khác nên thường xuyên siêu âm gan và kiểm tra alpha-fetoprotein huyết thanh để tránh ung thư hình thành.
Viêm dạ dày: Ung thư dạ dày
Viêm dạ dày là tình trạng nhiều người gặp phải, hay còn gọi là viêm niêm mạc dạ dày. Căn bệnh này có nguyên nhân là do một loại vi khuẩn gây ra hầu hết các vết loét dạ dày. Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc giảm đau và uống quá nhiều rượu cũng có thể góp phần gây ra viêm dạ dày.
Nếu không điều tị dứt điểm, viêm dạ dày sẽ dẫn tới loét dạ dày và xuất huyết dạ dày. Nguy hiểm hơn, một số dạng viêm dạ dày mãn tính có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt nếu bạn bị mỏng niêm mạc dạ dày và thay đổi tế bào niêm mạc.
Bởi vậy, nếu bạn nhận thấy mình có vấn đề về dạ dày, hãy đảm bảo đi nội soi dạ dày 1 năm 1 lần cho yên tâm nhé.
Viêm loét đại tràng: Ung thư ruột
Những người bị viêm loét đại tràng nên lưu ý, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau 10 năm mắc bệnh thì nguy cơ ung thư sẽ tăng lên gấp bội, 15 năm sau khi phát bệnh thì nguy cơ ung thư là 5% và 25 năm nữa là 10%. Nếu thanh thiếu niên mắc bệnh này, họ có nhiều khả năng bị ung thư ở tuổi trung niên.
Bởi thế, hãy để ý tới tình trạng của cơ thể. Những người nguy cơ cao mắc bệnh đường ruột và tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đường ruột được khuyến cáo nên nội soi đại tràng thường xuyên. Nếu đã bị viêm loét đại tràng, bạn cần thường xuyên đi kiểm tra, tăng cường chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học.
Viêm cổ tử cung: Ung thư cổ tử cung
Viêm cổ tử cung mãn tính bao gồm phì đại cổ tử cung, polyp cổ tử cung, u nang lộ tuyến cổ tử cung và viêm lộ tuyến cổ tử cung... Theo tờ QQ, nếu bạn bị nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV), đặc biệt là chủng HPV16 và HPV18 thì tình trạng viêm cổ tử cung mãn tính có thể dễ dàng trở thành ung thư cổ tử cung.
Vì vậy, phụ nữ bị viêm cổ tử cung mãn tính nên đến bệnh viện để xét nghiệm HPV và xét nghiệm TCT (tế bào học dạng lỏng), bên cạnh đó cần tiến hành tiêm vắc xin ngừa HPV và đi khám phụ khoa đều đặn 6 tháng/lần.
Viêm tụy: Ung thư tuyến tụy
Viêm tụy cấp nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ trở thành mãn tính và tăng khả năng mắc ung thư. Khuyến cáo rằng những người trên 45 tuổi, đặc biệt là những người có tiền sử viêm tụy mãn tính, nên thường xuyên siêu âm hoặc kiểm tra CT .
Có thể thấy mối quan hệ giữa viêm nhiễm và ung thư là rất mật thiết. Do đó, dù ở độ tuổi nào bạn cũng không nên coi thường tình trạng viêm nhiễm, ngay khi phát hiện ra bệnh cần được điều trị tích cực.
Một số biện pháp chống viêm, ngừa ung thư
Chế độ ăn uống lành mạnh
Hãy ăn ít nhất 320-400g rau mỗi ngày, cùng với ngũ cốc nguyên hạt, mì ống, đậu; Bạn cũng có thể bổ sung dầu hạt cải hữu cơ, các loại hạt và chất béo lành mạnh khác; Cá và hải sản cũng không thể thiếu và giới hạn ở mức 226-678 gram mỗi tuần; Đồng thời, cố gắng tránh thuốc lá, rượu và thức ăn nhanh.
Uống nhiều nước
Hãy tích cực uống nước, tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày. Uống nhiều nước hơn có thể thúc đẩy tốc độ lưu thông máu, phòng ngừa các yếu tố gây viêm và giảm viêm. Đồng thời duy trì sự ổn định của hệ thống miễn dịch.
Tập thể dục thường xuyên
Việc tập thể dục mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của bạn. Những bài tập aerobic như chạy bộ, bơi lội... giúp bạn ngày càng khỏe mạnh.
Học cách điều chỉnh cảm xúc
Cảm xúc của bạn có tác động mạnh tới sức khỏe. Bởi vậy hãy học cách tiết chế những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, cáu gắt, trầm cảm, buồn bã. Hãy nghĩ về những điều tích cực và sống lạc quan nhé.
Duy trì giấc ngủ đầy đủ
Cytokine được sản xuất và giải phóng trong khi ngủ, nếu thiếu ngủ sẽ dẫn đến thiếu hụt cytokine, dễ gây viêm nhiễm. Do đó, thường cố gắng tránh thức khuya và xây dựng thói quen làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Cắt đứt đường lây nhiễm
Ví dụ, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một trong những yếu tố gây viêm dạ dày, để phòng tránh nhiễm trùng này, bạn nên tránh dùng chung đũa với những người khác, không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, ít ăn các quán ven đường.
Hay viêm bàng quang, viêm niệu đạo, loại này cần chú ý vệ sinh vùng kín, tắm rửa thường xuyên, thay quần lót thường xuyên, uống nhiều nước, không nhịn tiểu.