Bánh mì
Món ăn bình dân này từng được các trang báo nước ngoài như The Guardian, National Geographic, BBC hay Tripadvisor ca ngợi. Trang du lịch Fodor’s Travel của Mỹ năm 2016 đưa ra 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, trong đó bánh mì của Việt Nam đứng đầu trong danh sách. Món ăn có nhiều cách chế biến tùy theo khẩu vị từng người, nhưng phổ biến nhất là món bánh mì kèm thịt lợn nướng, dưa chuột, rau sống, dưa góp, pate và nước xốt. TP HCM là nơi được cho là có bánh mì kẹp ngon nhất.
Bánh mì Việt Nam có nguồn gốc từ bánh baguette do người Pháp đưa vào miền Nam Việt Nam từ những thế kỷ trước đây. Một số người cho rằng món này có thể đã có mặt tại Việt Nam từ 150 năm trước. Sau này, phạm vi ảnh hưởng của bánh mì đã lan ra khắp miền Trung và miền Nam, đặc biệt rất thịnh hành ở Sài Gòn.
Trong quá trình cải tiến, người Sài Gòn đã cải biên chiếc bánh baguette thành ổ bánh mì nhỏ và ngắn hơn, chỉ còn khoảng 30 – 40 cm, còn ruột thì rỗng hơn để có thể đưa phần nhân vào giữa hai lớp vỏ bánh, tương tự như món sandwich. Tùy thuộc vào thành phần nhân được kẹp bên trong mà bánh mì có thể có những tên gọi khác nhau. Ngoài ra, người ta cũng có thể ăn kèm chúng với nhiều loại đồ ăn đa dạng, chẳng hạn như bò kho, cá mòi hay xíu mại.
Phở
Phở là món ăn đã có từ rất lâu đời, có thể cũng không ai biết chính xác được món ăn này chính xác có mặt từ bao giờ. Song, chỉ biết ngày nay, Phở đã có mặt ở khắp mọi nơi, từ những quán ăn nhỏ ven đường đến những nhà hàng, khách sạn lớn, sang trọng. Phở nhiều lần được CNN, BBC, Business Insider... bình chọn là top những món ăn ngon nhất châu Á. Năm 2016, Liên minh Kỷ lục Thế giới - Wordkings, phở là một trong 3 món ăn Việt Nam vào top 100 ngon nhất thế giới. Để thưởng thức chuẩn vị phở, du khách được khuyên nên đến Hà Nội, với các thương hiệu nổi tiếng như phở Bát Đàn, phở Thìn, phở Lý Quốc Sư...
Dẫu vậy, muốn thưởng thức Phở đậm chất Việt nhất phải kể đến vùng Nam Định và đặc biệt là Hà Nội, nơi những con phố cổ, ở những hàng Phở mà bí quyết nấu đã được truyền lại, lưu giữ và phát huy qua rất nhiều thế hệ. Nhắc đến phở hẳn phải nói đến phở Hà Nội bởi nước dùng thanh nhã và vị ngon tuyệt vời, thưởng thức phở Hà Nội vào mùa đông thì chẳng còn gì tuyệt vời hơn nữa. Phở Sài Gòn thì cho nhiều rau tươi hơn và có đặc trưng vùng miền.
Bún chả
Top 10 món ngon mùa hè của CNN, top 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới của National Geographic... là những danh hiệu đạt được của bún chả Việt Nam. Tuy nhiên nó được nhắc đến nhiều lần sau khi Cựu Tổng thống Obama thưởng thức cùng đầu bếp Anthony Bourdain tại Lê Văn Hưu, Hà Nội. Bún chả được các du khách đánh giá là tổng hòa của nhiều hương vị như cay, chua, mặn, ngọt, kết hợp hài hòa giữa nóng của chả và thanh mát của bún, rau sống.
Từng sợi bún trắng nhỏ, nằm gọn trong bát nước chấm màu hổ phách, chả nướng thơm lừng… khiến cho hương vị Hà thành lưu luyến mãi. Với những nguyên liệu đơn giản nhưng để làm nên một tô bún chả hấp dẫn, giữ nét riêng tròn vị của mảnh đất kinh kỳ đòi hỏi sự tinh tế trong từng thao tác.
Cơm tấm
Cơm tấm là món ăn truyền thống của người Việt Nam. Taste Atlas mô tả đây là món ăn bình dân bởi nguyên liệu chính là tấm, một loại gạo vỡ trong quá trình sản xuất gạo.
Đây là món ăn thực khách có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu tại các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Cơm tấm không chỉ được ăn vào buổi sáng mà trưa hay chiều đều được.
Ngày trước, cơm tấm chỉ phổ biến với những người nhà nông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng thời nay, đây là món ăn phổ biến và được coi là một phần của “văn hóa Sài Gòn”.
Cơm tấm được ăn kèm với nhiều món ăn như trứng chiên, bì, sườn heo nướng hoặc chả cá chiên. Và cuối cùng sẽ là lớp mỡ hành để tăng hương vị cho món ăn.
Thực khách sẽ được phục vụ món ăn kèm bao gồm cà chua và dưa leo xắt, đồ chua và không thể thiếu là nước mắm, linh hồn của món cơm tấm Việt.
Trước đó, trong một bài báo CNN đã nhận xét cơm tấm là món ăn đường phố bình dân hấp dẫn.
Vào năm 2012, cơm tấm cũng nằm trong danh sách "thức ăn mang giá trị ẩm thực của khu vực" do Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận.
Bún bò Huế
Trong một tập của chương trình "Anthony Bourdain: Parts Unknown" phát trên kênh CNN, đầu bếp Mỹ nổi tiếng nhận định: "Bún bò Huế là món súp ngon nhất thế giới". Tổ chức Kỷ lục châu Á cũng đã đưa bún bò Huế vào top 100 món ngon châu Á năm 2016. Đây là món ăn bình dân nổi tiếng xứ Huế. Nguyên liệu gồm thịt chân giò heo (lợn), một miếng tiết heo luộc, một viên chả cua hoặc chả bò, đặc biệt là cay đặc trưng.
Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả cua được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được cắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối cắt nhỏ.
Bánh xèo
Bánh xèo là một trong những món ăn Việt Nam tham gia Đại hội ẩm thực đường phố 2016 (WSFC) tổ chức tại Manila, Philippines, năm 2016. Theo đánh giá của CNN, đây thuộc top món ăn đường phố được yêu thích nhất trong năm 2016, và tiếp tục là món ăn hấp dẫn của năm 2017. Bánh xèo là món đặc sản của người miền Tây nhưng pha lẫn một vài nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Nam Bộ. Ngoài nhân hải sản, thịt, rau thơm, phần vỏ phải được rán trong khuôn đất sét trên bếp củi hồng mới ngon.
Bánh xèo là món ăn quen thuộc của người Việt Nam. Hầu như miền nào cũng có bánh xèo, tuy nhiên mỗi miền có cách chế biến đặc trưng khác nhau. Trong số đó, bánh xèo miền Tây được xem là món ăn đặc sắc mang đậm cái hồn của quê hương. Từ nguyên liệu đến cách chế biến đều toát lên mùi sông nước thân thương, bình dị. Nếu như bánh xèo miền Trung có kích thước bé bé xinh xinh vừa ăn thì bánh xèo miền Tây lại thuộc hàng… ngoại cỡ. Không đổ trong khuôn nhỏ như ở miền Trung, người miền Tây đổ bánh trong chảo lớn. Khi ra thành phẩm, cái bánh to gần bằng chiếc mâm, vì vậy mà người ta hay gấp đôi lại khi đem ra khỏi chảo. Chỉ cần ăn một hai cái là đã cảm thấy no nê rồi.
Hủ tiếu
Hủ tiếu là món do người Việt chế biến thêm tôm, cá được bán đầu tiên ở Nam Vang (là tên phiên âm của Phnôm Pênh), nguyên liệu chính là hủ tiếu dai, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ mì với nước dùng và cho các nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm cùng lòng heo.
Đây được xem là món ăn ngon, sau này được phổ biến thay vì hủ tiếu chỉ với xương thịt truyền thống. Tùy theo khẩu vị của từng người, có thể thay thế lòng heo bằng tôm, cua, mực... nhưng nhất thiết phải có thịt bằm.
Hủ tiếu có lẽ là cái tên lạ với người dân miền bắc vì hủ tiếu là đặc sản miền Nam, với vị cay nồng thơm ngon khiến ta vừa ăn vừa xuýt xoa. Hủ tiếu có nhiều loại như hủ tiếu viên bò, hủ tiếu thập cẩm... Nhiều thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng như hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho...
Gỏi cuốn
Gỏi cuốn là một trong hai món Việt góp mặt trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới của CNN năm 2011, còn được biết đến với tên gọi nem cuốn. Sau này, nhiều trang tư vấn du lịch như Roughguides cũng giới thiệu đến du khách. Được xem là món nổi tiếng nhất Việt Nam, gỏi cuốn có hình dáng như chả giò, gồm các loại rau xanh, thịt lợn băm, tôm hoặc cua. Một số nơi còn phục vụ kèm bát rau diếp hoặc rau húng.
Các món ăn lấy bánh tráng để cuốn nhìn chung là một dạng chế biến món ăn thịnh hành khắp ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam. Hầu như không có một công thức cố định cho các món dùng bánh tráng cuốn, bởi tùy địa phương, vùng miền, nguyên liệu dùng để cuốn có nhiều khác biệt. Gỏi cuốn vừa dùng làm thức ăn nhẹ, mà ăn no cũng không sợ ngấy. Các cuốn gỏi được cuốn khéo léo phô bày được những nguyên liệu màu sắc bên trong như màu đỏ của tôm, màu hồng nhạt của thịt, màu xanh của rau, màu trắng của bún.
Mì Quảng
Mì Quảng là một trong 12 món ăn Việt Nam được công nhận giá trị ẩm thực châu Á. Roughguides khi gợi ý 10 món ăn phải thử ở Việt Nam đã giới thiệu đây là món ăn không thể bỏ qua ở miền Trung. Thành phần làm nên tô mì Quảng gồm có sợi mì gạo, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, trứng và nhiều rau sống.
Mì Quảng thường được làm từ bột gạo xay mịn với nước từ hạt dành dành và trứng cho có màu vàng và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 5 -10mm. Dưới lớp mì là các loại rau sống, Mì Quảng phải ăn kèm với rau sống 9 vị thì mới tạo nên được hương vị nồng nàn: húng quế, xà lách tươi, cải non mới nụ, giá trắng có thể được trụng chín hoặc để sống, ngò rí , rau răm với hành hoa thái nhỏ và thêm hoa chuối cắt mỏng.
Trên mì là thịt heo, tôm, thịt gà, thịt ếch, thịt cá lóc (đôi khi có trứng luộc) cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm lạc rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... Thông thường nước dùng được gọi là nước nhưng đây cũng là một loại nước lèo nhưng rất cô đặc và ít nước.
Cao Lầu
Cái tên cao lầu luôn là một dấu hỏi cho những khách du lịch xa gần mỗi khi trải nghiệm không gian cổ kính ở phố Hội. Người ta vẫn tranh luận về nguồn gốc, xuất xứ món ăn này nhưng điều không thể phủ nhận là sự sáng tạo, tài hoa của người Hội An đã khiến món cao lầu vang danh thiên hạ và cao lầu ngon nhất, “đúng điệu” nhất chỉ có thể là cao lầu ăn ở Hội An. Cũng chính bởi sự tinh tế, độc đáo ấy, năm 2014, Tạp chí của Mỹ, Huffington Post đã từng ca tụng cao lầu Hội An là một trong những món thuộc “kho tàng ẩm thực của Việt Nam”.
Cao lầu Hội An được tờ Traveller (Australia) bình chọn là món ăn đường phố ngon nhất châu Á. Món này cũng nhiều lần được CNN nhắc đến là một trong những món ăn ngon nhất Việt Nam. Món được bán trong các quán vỉa hè, trong hẻm nhỏ. Cao lầu là món ăn gồm sợi mì vàng ươm ăn kèm với tôm, thịt heo và các loại rau sống. Món Cao lầu này giống mì Quảng được ăn với rất ít nước dùng.