1. "Không tham nhũng lấy đâu tiền chạy chức"
Sáng 18/9, tại cuộc họp thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: 'Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy chức vụ này chức vụ kia…'.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh Tuổi trẻ |
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần nói rõ lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiêu cực, bỏ sót, bao che không? Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không?”.
"Bên cạnh thanh tra, các ngành kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án thì sao, đã làm hết trách nhiệm chưa?" Chủ tịch Quốc hội đặt hàng loạt câu hỏi.
2. "Không thể để mèo già hóa cáo trong giáo dục"
Ngày 11/9, trong hội thảo tổng kết 3 năm thực hiện chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2010-2012, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, sau khi 10 trường đại học thuộc khối nghệ thuật tự chủ tuyển sinh thành công, các trường còn lại cũng xin tuyển sinh riêng. Một số trường trung cấp, cao đẳng có tuổi đời lớn cũng xin được nâng cấp lên cao đẳng, đại học.
Phản hồi ý kiến đề xuất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc các trường cao đẳng khó tuyển sinh đã Bộ Giáo dục tiếp nhận. Tuy nhiên, việc nâng cấp cao đẳng lên đại học cần phải suy nghĩ bởi vấn đề quan trọng nhất là phân luồng học sinh, đào tạo nhân lực đáp ứng cho xã hội. Mà nhu cầu thì cần cả lao động ở các cấp độ khác nhau, không nên vì các trường cao đẳng khó khăn trong tuyển sinh mà kiến nghị thay đổi, nâng cấp.
"Tôi đang yêu cầu các Vụ, Cục tổng kết việc nâng cấp. Bộ cũng sẽ không nhận các hồ sơ xin nâng cấp nữa. Trung cấp, cao đẳng có sứ mệnh, vị trí, vai trò, vinh quang riêng. Ở nước ngoài trường cao đẳng có tuổi đời 100 năm là chuyện thường và họ tự hào vì điều đó. Không thể lấy lí do đào tạo cao đẳng vài chục năm để xin lên đại học. Không thể tiếp tục để xảy ra tình trạng mèo già hóa cáo", Bộ trưởng Luận nói và cho hay, việc các trường đại học bắt đầu từ trường trung cấp hay trường nghề rất nguy hiểm. Việc nâng cấp nếu có phải do nhu cầu bức thiết của xã hội và do các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận |
3. "Ăn của dân không từ một cái gì"
Sáng 11/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng nói về hàng loạt tiêu cực xảy ra trong xã hội khiến bà rất đau lòng: “Sáng nay tôi xem truyền hình biết tin một số cán bộ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại một số xã ở Hà Tĩnh biển thủ tiền của người nghèo, đau lòng quá..."
Bà Doan tiếp lời: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vắc-xin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.
Cũng trong cuộc họp, khi nhắc đến vụ việc ăn bớt vắc xin tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội khi chỉ tiêm 2/3 lọ cho trẻ sơ sinh, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã ví đó như tội ác và bình luận rằng: “Làm việc như vậy thì phải mang ra bắn chứ đừng có đùa".
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. |
4. “Bao nhiêu thỏ thành gấu?”
Bắt đầu phiên chất vấn Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII liên quan vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) gây chấn động dư luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) đặt vấn đề:
Hàng năm vẫn còn hàng chục ngàn đơn xin tái thẩm, giám đốc thẩm cho thấy niềm tin của nhân dân chưa cao, đặc biệt là vụ án Nguyễn Thanh Chấn gây bất bình dư luận trong thời gian qua. Vậy Chánh án cho biết trách nhiệm của tòa án trong vụ việc này, trách nhiệm minh oan, xin lỗi thế nào. Liệu rằng, còn bao nhiêu con thỏ tuyên là con gấu?
Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, trường hợp để xảy ra oan sai, nhất là với những người chịu mức án cao nhất là không thể chấp nhận được, nhưng việc xác định có oan hay không phải dựa trên những quy định chặt chẽ. Dư luận chỉ là dư luận.
“Vụ án có oan hay không phải được xem xét kịp thời thấu đáo nhưng phải theo quy định pháp luật. Nếu đúng là để xảy ra oan sai, người liên quan trực tiếp, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm. Việc ép cung nhục hình nếu có là điều không chấp nhận được nhưng nếu có phải được chứng minh”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền. |
5. "Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin"
Tháng 7 vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong (ngày 20/7) sau khi tiêm vắc xin viêm gan B.
Ngày 24/7, trả lời báo chí, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích là do lịch công tác ở Quảng Trị đã được… bố trí kín nên bà không thể đến thăm các gia đình có cháu bé bị tử vong và khẳng định: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”.
Sau phát ngôn thẳng thật của Bộ trưởng Tiến, dư luận đã không khỏi thắc mắc nếu là lỗi của vắc xin thì làm thế nào để “xử” được vắc xin?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
6. “Bộ Xây dựng chả làm gì”
Ngày 11/9/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến bàn việc thực hiện Nghị quyết số 16 về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP.Hà Nội và TP.HCM. Các câu “hỏi xoáy” của đại diện Bộ Xây dựng về “trình độ quản lý giao thông” hiện nay và thực trạng các cơ quan công quyền không chịu di dời khỏi trung tâm thành phố đã làm nóng phiên họp.
Tham gia cuộc họp, đại diện Bộ Xây dựng - Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn - cho biết, ông “rất ngỡ ngàng” bởi đây là lần đầu tiên “được mời tham gia” phiên họp về giao thông. Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đánh giá báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông “kỹ, tổng hợp” nhưng không cụ thể. “Ví dụ tai nạn giao thông thường xảy ra ở đâu, lý do tại sao để nghiên cứu và xử lý tại chỗ, chứ cứ nói chung thế này chả biết lần từ đâu”.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng bình luận việc “đại diện Bộ Xây dựng ngỡ ngàng khi đi họp”, cho thấy hóa ra lâu nay... “Bộ Xây dựng chả làm gì” trong lúc, vai trò của Bộ Xây dựng cực kỳ quan trọng trong việc phê duyệt quy hoạch và thỏa thuận quy hoạch.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận trách nhiệm Bộ GTVT rất lớn, nhưng cũng ở mức độ theo chức năng nhiệm vụ được giao, chứ không phải “cứ ùn tắc giao thông là lại gọi “Bộ Giao thông”! Theo ông, đó trước hết phải là trách nhiệm của thành phố và của cả các bộ, ngành liên quan.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng |
7. “Phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng”
Sáng 7/11, phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Như Tiến lo ngại trước tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” đại biểu Quốc hội trước mỗi kỳ họp: “Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng”.
“Khi có tham nhũng xảy ra, chính người đứng đầu lại chỉ đạo, biến báo, nhào nặn số liệu, làm phép thuật để tham nhũng chỉ còn là khuyết điểm hoặc sơ suất, chỉ xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở, hoặc chuyển công tác lên cấp cao hơn. Vì thế, nhiều người nói: Xung quanh chúng ta toàn đồng chí tốt, “bộ phận không nhỏ” là ở cơ quan khác, ngành khác, địa phương khác.
Có vị đại biểu tâm sự, mỗi lần ra họp Quốc hội, lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng, muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng, vì nếu phát biểu, khi còn cơ chế xin - cho, mình xin... ai cho... Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội”, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nói.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến. |
8. "Ra ngõ là gặp kẻ cướp"
Ngày 29/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng phát biểu tại buổi thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
“Tôi băn khoăn khi đọc báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm và thực tế, chưa bao giờ lòng dân bất an như lúc này. Cử tri nói ra ngõ là gặp kẻ cướp. Thậm chí chúng còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, uy hiếp lột tài sản... Tôi giật mình khi nghe anh ấy nói hiện tượng của Dương Chí Dũng không phải là cá biệt”, ông Bùi Đặng Dũng phát biểu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng. |
9. “Phóng viên thiểu năng”
Chiều 11/3, tại Hội nghị bàn về các nội dung của Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tổ chức tại Bộ GTVT, ông Đinh Mạnh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (bộ Công an) nói: “Gần đây tôi lên mạng xem báo chí vẫn hướng dư luận vào cái khác, nêu lên thế nào là mũ giả, mũ dỏm. Có lẽ chúng ta nói luôn mấy phóng viên đó là thế nào đó, thiểu năng gì đó, kém gì đó không hiểu thế nào là mũ giả, mũ dỏm mà cứ phải đưa ra bằng lời lẽ, bằng giải thích từ ngữ”.
Sau đó ông Đinh Mạnh Toàn đã có những phát biểu đính chính và xin lỗi giới báo chí công khai trước phát ngôn "phóng viên thiểu năng" của mình.
Phó cục trưởng Đinh Mạnh Toàn phát biểu tại hội thảo chiều ngày 11/3. |
10. "Hà Nội không vội được đâu, thôi thì cũng biết thế"
Ngày 11/9, làm việc với TAND Tối cao, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, đặt vấn đề phải làm rõ những vướng mắc của các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, biện pháp khắc phục.
Đoàn công tác do ông Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu là một trong bảy đoàn công tác được thành lập theo kế hoạch kiểm tra giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, đề ra từ hồi đầu tháng 8.
Ông Trương Hòa Bình (trái, Chánh án TAND Tối cao) và ông Nguyễn Bá Thanh (phải, đứng phát biểu) tại buổi làm việc - Ảnh: TNO |
Đề cập đến nội dung làm việc của đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị lãnh đạo TAND Tối cao đưa ra những vướng mắc cụ thể trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng. Theo ông Thanh, một trong những vướng mắc lớn trong việc truy tố xét xử án tham nhũng là còn thiếu các chế tài cơ sở pháp lý về giám định.
“Hiện nay khâu giám định tư pháp đang tắc vô cùng, các ngành đã gắng rồi nhưng nó vẫn dở dở ương ương, đến bây giờ đôn đốc các cơ quan rất là khó khăn. Nhiều vụ án giám định không biết bao giờ kết thúc, thích thì làm mấy tháng, không thích thì làm năm nọ qua năm kia cũng không ai làm gì được, đây là những sơ hở phải khắc phục”, ông Thanh nói.
Vấn đề trên, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng Tổng bí thư đã kết luận nhưng cuối cùng vẫn chưa chuyển biến và bản thân ông cũng thấy rất sốt ruột.
“Mấy bữa trước thấy kiểu này là tôi oải luôn, kiểu này chắc bay tiêu cả năm 2013. Anh em nói vui Hà Nội không vội được đâu, thôi thì cũng biết thế. Năm 2013 còn mấy tháng nữa làm sao mà làm cho kịp”, ông Thanh nói tiếp.