Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên cho biết, đợt mưa lũ trong 2 ngày vừa qua đã có 24 người thiệt mạng và mất tích. Riêng tại tỉnh Bình Định đã có 13 người, Quảng Ngãi 8 người, Quảng Nam 2 người và Phú Yên 1 người thiệt mạng do mưa lũ.
Đến chiều nay, tại khu vực miền Trung mưa đã ngớt, lũ trên các sông đạt đỉnh và đang xuống chậm, tuy nhiên mức nước vẫn còn rất cao, tiếp tục gây ngập lụt trên diện rộng, đường lên một số huyện miền núi vẫn còn ách tắc gây cô lập. Các địa phương đang khẩn trương tập trung cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Nước lũ nhấn chìm nhà dân ở Bình Định.
Tỉnh Bình Định là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ trong 2 ngày qua. Toàn tỉnh đã có 13 người chết và mất tích. Nước lũ đã làm sập 11 nhà và nhấn chìm 95.000 nhà dân ở các huyện thành phố trong lũ.
Quốc lộ 19 và Quốc lộ 1 A bị ngập sâu nhiều đoạn. Tuyến tỉnh lộ 637, 629 lên huyện bị chia cắt do bị sập 2 cầu. Xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn bị chia cắt, cô lập do sạt lở đường tránh hồ Định Bình. Tại huyện An Lão đã xảy ra lũ quét tại các xã vùng cao.
Hiện nay, ở các vùng trũng hạ lưu các sông nước vẫn còn mênh mông trắng xóa, do triều cường dâng cao, nước rút rất chậm; trong khi đó, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tỉnh Bình Định tiếp tục dùng thuyền, ca nô của lực lượng vũ trang ứng cứu người dân vùng nước lũ bao vây. Thị xã An Nhơn là địa phương bị ngập nặng nhất, tất cả xã phường bị ngập lũ, toàn thị xã đã có 5 người chết. Hàng trăm hộ dân đã được sơ tán khẩn cấp đi tránh lũ trong suốt đêm qua và ngày hôm nay.
Ông Lê Trọng Tùng, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết thị xã đang tập trung cung cấp lương thực, nước uống cho đồng bào vùng lũ.
“Quân khu và tỉnh chi viện rất nhiều bo bo để đưa trực tiếp vào những khu bị chia cắt. Hiện giờ nói chung cũng đã di dời dân an toàn. Lương thực thực phẩm hiện nay đang tập trung mì tôm, nước uống, sử dụng ca nô để đưa vào những vùng bị chia cắt”, ông Tùng cho biết.
Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lũ làm 2 người thiệt mạng. Đến chiều nay, các thủy điện trên địa bàn đã giảm lưu lượng xả lũ. Nước trên các sông đang xuống. Tuy nhiên, hàng nghìn nhà dân vùng hạ du lưu vực sông Vu gia, Thu Bồn vẫn còn ngập sâu.
Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân tại Quảng Nam.
Tuyến tỉnh lộ 616 qua địa phận xã Trà Dương huyện Bắc Trà My xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn, gây tắc nghẽn giao thông. Nhiều người đi xe gắn máy thuê người khiêng phương tiện cắt đường rừng để đi. Trong khi chờ cơ quan chủ quản tiến hành khắc phục, thông tuyến, lực lượng dân quân và công an tại chỗ đã tổ chức chốt chặn, hướng dẫn, giúp người qua đường để tránh nguy hiểm.
Ônh Lê Chí Tâm, Trưởng thôn Dương Thạnh xã Trà Dương huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam đang chốt chặn tại đây cho biết: “Sau khi người dân báo có sạt lở, anh em dân quân, công an tổ chức túc trực, chốt chặn tại đây, không cho người và phương tiện qua lại cũng như hướng dẫn bà con đi đường tránh để bảo vệ an toàn”.
Đến chiều nay, tuyến đường sắt Bắc Nam, đoạn huyện Mộ Đức và Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã thông tuyến trở lại. Tuyến quôc lộ 1A, đoạn qua huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông tuyến trở lại. Riêng đoạn qua huyện Đức Phổ, Mộ Đức và Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn ngập sâu hơn nửa mét, tiếp tục gây ách tắc giao thông.
Hàng chục nghìn phương tiện bị kẹt trên tuyến quốc lộ 1A tại các tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi từ suốt đêm qua đến chiều nay vẫn chưa lưu thông. Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi huy động lực lượng chốt chặn 2 đầu các khu vực ngậu sâu tuyến Quốc lộ 1A, không cho phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.
Thượng tá Trần Như Khâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Xe lớn thì có thể đi được nhưng do đoạn ngập qua khu vực dân cư nên chúng tôi chưa thể cho phương tiện qua. Với lại tại cầu ghềnh bị sập mố cầu và đơn vị đang khắc phục, do đó phải giữ xe lại”.
Nước lũ cũng làm bật mố cầu.
Để giúp các địa phương đối phó với mưa lũ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điều động 5000 cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ địa phương và hàng trăm phương tiện tàu thuyền, ca nô, xe lội nước tăng cường cho các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định sơ tán dân tránh lũ.
Thiếu tướng Nguyễn Qui Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã tham gia sơ tán hơn 17.000 hộ dân với hơn 61.000 nhân khẩu vùng nguy hiểm đi tránh lũ.
Đến chiều nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 11.000 nhà bị ngập, tập trung ở các huyện huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, thành phố Huế...
Hiện mực nước lũ đang rút chậm nên tình hình ngập lũ vẫn kéo dài. Nhiều tuyến tỉnh lộ vẫn còn ngập lụt cục bộ gây ách tắc giao thông. Mưa lũ gây sạt lở bờ sông Bù Lu, đoạn qua thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc với chiều dài 150m, sâu vào 15m, đe doạ nghiêm trọng đến 17 hộ dân.
Sáng 16/11, Đồn Biên phòng Chân Mây tổ chức triển khai di dời các hộ dân này đến nơi an toàn. Trong lúc đó, đê Nho Lâm -Nghĩa Lộ khoảng 15km đi qua các, xã Quảng Phú, Quảng Vinh và Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, có nguy cơ bị vỡ, ảnh hưởng đến 2.000 hộ dân sống ở dưới đê.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xuất hơn 2.500 bao tải, 60 rọ thép và huy động lực lượng triển khai xử lý chống sạt lở.
Ông Trần Văn An, trưởng thôn Nho Lâm, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền cho biết: “Chúng tôi huy động lực lượng trong thôn, các lực lượng của các cơ quan công an, bộ đội và dân quân tự vệ để khắc phục ngăn chặn không cho dòng nước phá vỡ các đoạn đê đã bị ảnh hưởng trước đây”.
Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ, hạ du có thể bị lũ quét.
Sáng 16/11, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ với tổng lưu lượng 3.700m³/giây, tăng 1.700m³/s so với 14h chiều ngày 15/11. Hiện mực nước sông Ba tại AyunPa (Gia Lai) đang trên mức báo động 3. Dự báo trong 24 giờ tới, lưu lượng nước đổ về các hồ thủy điện sẽ đạt khoảng 7.000m³/s.
Ông Đặng Văn Tuần - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ - cho biết: “Nếu đạt đỉnh lũ, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ sẽ nâng lưu lượng xả lũ lên 5.000m³/s, dẫn đến nước trên sông Ba sẽ tiếp tục dâng, vùng hạ du cần khẩn trương đề phòng lũ quét”.