3 cách khám bệnh không cần mang thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi cao

12:38, Thứ tư 06/09/2023

( PHUNUTODAY ) - Hiện nay, có 3 cách thay thế thẻ BHYT giấy trong khám, chữa bệnh mà người dân vẫn được hưởng quyền lợi.

Bảo hiểm y tế giúp người dân giảm được phần nào chi phí trong quá trình khám chữa bệnh. Trường hợp một người dân đã từng tham gia nhưng ngắt quãng một thời gian, hiện tại đóng BHYT vào đầu tháng 7/2023 nhưng không xin được cấp mới thẻ BHYT. Khi đó, những người này khi đi khám bệnh nên xuất trình giấy tờ gì thay thế thẻ BHYT?

Ba cách đi khám bệnh không cần mang theo thẻ BHYT

kham-benh-khong-can-dung-the-2

Hiện nay, có 3 cách thay thế thẻ BHYT giấy trong khám, chữa bệnh, gồm: Dùng Căn cước công dân gắn chíp; sử dụng tài khoản VNeID mức 2 và dùng ứng dụng VssID.

+ Dùng Căn cước công dân gắn chíp

Người dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chip tại cơ sở khám, chữa bệnh, khi quét mã QR đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành.

+ Sử dụng tài khoản VNeID mức 2

Người dân có thể sử dụng thẻ BHYT đã được xác thực trên ứng dụng VNeID (ứng dụng định danh điện tử mức 2) bằng cách mở cài đặt VNeID trên điện thoại di động sau đó đăng nhập tài khoản VneID.

Tiếp đó chọn mục "Ví giấy tờ" sau đó chọn "Thẻ BHYT"; nhập mã để xác minh người dùng và xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID cho nhân viên y tế.

+ Dùng ứng dụng VssID

Người dân cũng có thể sử dụng ứng dụng VssID trên điện thoại để thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh. Theo đó, sau khi đăng nhập thành công, trên giao diện chính của ứng dụng VssID, người dân cần chọn mục "Quản lý cá nhân", tiếp đó chọn mục " Thẻ BHYT" và sau đó chọn " Sử dụng thẻ" hoặc "Hình ảnh thẻ".

Cách tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân

kham-benh-khong-can-dung-the-1

Có một số cách để tích hợp thẻ BHYT vào thẻ CCCD gắn chip. Đối với trường hợp người dân đã có thẻ CCCD nhưng chưa tích hợp với thẻ BHYT có thể thực hiện theo các cách sau:

+ Đến cơ quan Bảo hiểm xã hội

Đây là cách tích hợp thông tin BHYT vào CCCD phổ biến nhất. Bạn chỉ cần mang theo CCCD và thẻ BHYT còn hiệu lực đến cơ quan BHXH gần nhất để yêu cầu tích hợp. Sau khi tích hợp xong, bạn sẽ được nhận lại CCCD có tích hợp thông tin BHYT.

+ Tích hợp thông tin BHYT trực tuyến

Người dân có thể thực hiện tích hợp thông tin BHYT vào CCCD gắn chip trực tuyến trên webiste Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam bằng chức năng thay đổi số căn cước công dân trên VssID.

Cách này được áp dụng trong trường hợp người dân đã đăng ký sử dụng ứng dụng VssID trước khi có thẻ CCCD gắn chip 12 số. Sau khi người dân cập nhật thành công thông tin thẻ CCCD gắn chip lên hệ thống thì dữ liệu thẻ BHYT sẽ được tự động tích hợp vào CCCD gắn chip. Khi này người dân có thể đi khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip.

+ Tích hợp thông tin BHYT qua ứng dụng VssID

VssID là ứng dụng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát triển. Người dân có thể sử dụng ứng dụng VssID để tích hợp thẻ BHYT vào CCCD gắn chip trong trường hợp người dân đã có thẻ CCCD gắn chip 12 số và chưa đăng ký sử dụng VssID.

Theo đó khi đăng ký tài khoản sử dụng VssID bằng thẻ CCCD gắn chip thì thẻ bảo hiểm y tế của cá nhân sẽ được tự động tích hợp vào CCCD của cá nhân đó. Các bước thực hiện như sau:

- Bạn tải về ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh.

- Sau đó, bạn cần nhập các thông tin cần thiết gồm: số căn cước công dân gắn chip (12 số), mã số BHXH, họ tên, ngày sinh, giới tính, số điện thoại, email và chụp ảnh mặt trước và mặt sau của căn cước công dân.

- Sau khi gửi thông tin lên ứng dụng, bạn sẽ nhận được thông báo xác nhận từ cán bộ bảo hiểm xã hội trong vòng 24 giờ.

Khi đã được phê duyệt và đăng ký tài khoản VssID thành công thì thẻ BHYT của bạn đã được tích hợp vào CCCD. Bạn có thể sử dụng CCCD để thay thế cho thẻ BHYT khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có hỗ trợ tính năng này.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Vũ Thêm