“Người Việt nằm trên đống thuốc mà không biết” – câu nói này phần nào cho thấy sự lãng phí dược liệu quý có ngay trong đời sống hằng ngày.
Nhiều loại cây mọc hoang, tưởng chừng là cỏ dại, thực chất lại là “cây thuốc” mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo các chuyên gia y học cổ truyền, có những loại rau dân dã không chỉ dùng trong bữa ăn mà còn là vị thuốc quý nếu biết sử dụng đúng cách.
Dưới đây là 3 loại rau mọc ven đường được Lương y Bùi Đắc Sáng khuyên nên tận dụng trong bữa ăn hoặc bài thuốc dân gian.
1. Rau xuyến chi – Vị thuốc quý mọc dại ven đường
Vào mùa xuân, rau xuyến chi bắt đầu mọc rộ, xanh non mơn mởn dưới nắng. Thay vì nhổ bỏ, nhiều người hiện nay đã tận dụng phần non của cây để chế biến thành những món ăn dân dã mà bổ dưỡng, đồng thời khai thác giá trị dược liệu quý báu từ loài cây tưởng chừng vô dụng này.
Rau xuyến chi còn được biết đến với nhiều tên gọi như đơn kim thảo, cúc áo, quỷ châm thảo… Theo y học cổ truyền, cây có vị đắng, tính bình, mang đến công dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, hoạt huyết và giúp tan máu tụ. Gần như toàn bộ cây (trừ rễ) đều có thể được dùng làm thuốc.
Xuyến chi thường được ứng dụng trong các bài thuốc trị viêm họng, nhiễm trùng hô hấp, viêm gan, đau dạ dày, đau nhức xương khớp và cả sốt rét. Không chỉ được y học cổ truyền đánh giá cao, các nghiên cứu hiện đại cũng phát hiện cây chứa nhiều hoạt chất như flavonoid và polyynes có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa và tiềm năng hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường.
Tuy nhiên, khi sử dụng xuyến chi để chữa bệnh, người dùng nên tuân thủ đúng liều lượng, tốt nhất là tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi áp dụng lâu dài.
2. Cỏ thài lài – Rau xanh bình dị, vị thuốc quý ít người biết
Cỏ thài lài trắng (hay còn gọi là rau trai trắng) là loại cây mọc hoang ở nhiều nơi ẩm ướt, thường bị nhổ bỏ do không mang lại giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, ít ai biết rằng đây lại là một trong những loại rau đồng thời là vị thuốc có lợi cho sức khỏe.
Phần lá và ngọn non của cây có thể dùng để luộc hoặc nấu canh, mang lại vị ngọt dịu, thanh mát. Trong Đông y, thài lài được ghi nhận với tính hơi lạnh, vị ngọt nhạt, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, chống viêm và tiêu sưng. Loài cây này thường được dùng trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị cảm mạo, viêm họng, viêm amidan, nhiễm trùng đường tiết niệu...

Dân gian còn sử dụng thài lài để đắp trị viêm da mủ, sưng khớp, hay giải độc do côn trùng, bò cạp cắn. Liều dùng phổ biến là khoảng 30–40g cây khô hoặc tươi sắc lấy nước uống.
Theo nghiên cứu hiện đại, cây thài lài chứa nhiều hoạt chất có giá trị dược lý cao như α-glucosidase (hỗ trợ hạ đường huyết), acid p-hydroxycinnamic (kháng khuẩn), D-mannitol (giảm ho), cùng với protein, lipid, cellulose, và các sắc tố tự nhiên như delphin và flavocommelin.
Tuy nhiên, vì có tính hàn, thài lài không phù hợp với người tỳ vị yếu, dễ lạnh bụng – khi sử dụng cần lưu ý về liều lượng và thể trạng cá nhân.
3. Rau cúc tần – Vị thuốc quý trong vườn nhà
Cúc tần là loại cây quen thuộc ở nhiều vùng quê Việt Nam, thường được trồng làm hàng rào hoặc cây che nắng. Ít ai ngờ rằng, loài cây mộc mạc này lại vừa là món rau dân dã, vừa là vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Cúc tần còn được biết đến với nhiều tên gọi như rau đại bi, đại ngải, hoa mai não, băng phiến ngải...
Theo Đông y, cúc tần có vị đắng, tính mát, tác động chủ yếu lên kinh phế và thận. Loài cây này được dân gian sử dụng để chữa cảm mạo, hạ sốt, tăng cường tiêu hóa, cải thiện chứng tiểu tiện khó, hỗ trợ điều trị viêm khớp, đau nhức xương khớp và giảm căng thẳng, mệt mỏi.

Y học hiện đại cũng đã chứng minh nhiều công dụng tuyệt vời của cúc tần. Tinh dầu từ lá cây chứa các hợp chất như camphor, borneol, limonene, cineol... có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm mạnh, đặc biệt hiệu quả với các chủng như Candida albicans, E. coli hay tụ cầu vàng. Ngoài ra, rễ cây chứa hoạt chất giúp ức chế phản ứng sưng viêm ở khớp, đồng thời các chất như β-sitosterol và stigmasterol còn có khả năng hỗ trợ điều trị tiểu đường và trung hòa nọc độc rắn.
Mặc dù là vị thuốc quý, việc sử dụng cúc tần cần thận trọng. Người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh tác dụng phụ hoặc ảnh hưởng đến quá trình điều trị bằng thuốc khác.