1. Không biết tự chăm sóc cho bản thân
Làm người lương thiện là một điều tốt. Thế nhưng nếu quá tốt với người khác mà bạc đãi với chính mình là một tội lớn. Không phải ngẫu nhiên người xưa vẫn có câu: "Người không vì mình, trời chu đất diệt". Người lương thiện, đừng việc gì cũng lo, cũng nghĩ, hết mình vì người khác, từ công sở, bạn bè, đến gia đình, mà quên mất phải dành thời gian riêng để chăm sóc bản thân.
Con người nên nhớ trên đời này có 2 việc bất khả kháng. Việc thứ nhất, không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Việc thứ hai, không thể chu toàn, làm tốt tất cả mọi chuyện. Nếu quá cố, sẽ thành cố quá, việc của bản thân thì dở dang, việc của thiên hạ thì chẳng nên hồn, ai cũng cảm thấy phiền phức và sinh lòng ghét bỏ.
2. Thiếu tinh tế, ít quan tâm đến cảm xúc của người khác
Cuộc sống của con người vốn nhiều mối lo: sự nghiệp, chồng con, cơm áo, gạo tiền,... Vậy nên nhiều khi ta bị cuốn vào vòng xoáy đó, mà quên mất việc phải tinh tế, để ý đến cảm xúc của người khác. Có những việc ta làm cho họ, nhưng họ không cần, lại trở nên phiền phức. Có những điều ta quan tâm đến người khác, nhưng lại không tinh ý, vô tình "tròng dây" vào cổ họ, khiến họ ngột ngạt và muốn thoát ra. Rồi chuyện gì phải đến cũng sẽ đến, lòng tốt của bạn vô tình trở thành nỗi ám ảnh với mọi người xung quanh, khiến họ khiếp sợ và muốn chạy trốn.
3. Nói quá nhiều về một vấn đề
Làm việc tốt, đừng kể lể dông dài. Dù bị phản bội, cũng hãy nuốt uất hận vào trong để tất cả tiêu tan thành tro bụi. Bằng không, chính bạn đang tự hạ thấp tấm lòng lương thiện của chính mình, dễ bị nói xấu, gièm pha, trở thành thứ đồ đồ để mua vui trên bàn tiệc của những kẻ tiểu nhân.
Bên cạnh đó, đừng lặp đi lặp lại một vấn đề, hay cố sức khuyên bảo ai mà họ không chịu hiểu. Mỗi người đều có một lối sống, quan điểm riêng. Nếu việc đó không phạm pháp, không chà đạp lên lợi ích của ai, tại sao không để họ có không gian riêng, tự do tung hoành?