4 mẹo gửi tiết kiệm ngân hàng dù ít vẫn sinh lời cao, hạn chế rủi ro nhất

( PHUNUTODAY ) - Tuy phổ biến và an toàn nhưng không phải ai cũng biết cách gửi tiết kiệm ngân hàng sao cho có lợi nhất.

Chứng khoán, vàng, ngoại tệ hay tiền ảo là những kênh đầu tư mang lại khả năng sinh lời cao nhưng tiết kiệm vẫn là sự lựa chọn của nhiều người. Nguyên nhân là vì mức độ rủi ro được đánh giá thấp nhất trong các kênh nhưng vẫn giúp nhà đầu tư sinh lời theo định kỳ.

Tuy phổ biến và an toàn nhưng không phải ai cũng biết cách gửi tiết kiệm ngân hàng sao cho có lợi nhất.

guitietkiem

Dưới đây là mẹo gửi tiết kiệm dù ít vẫn sinh lời cao, hạn chế rủi ro nhất:

Tìm ngân hàng phù hợp với nhu cầu

Khi gửi tiết kiệm việc bạn cần lưu ý đầu tiên là lựa chọn ngân hàng. Theo đó, ngân hàng bạn lựa chọn phải thỏa mãn tiêu chí: uy tín, lãi suất hấp dẫn, giao dịch an toàn, nhanh chóng và thuận tiện, sản phẩm tiết kiệm đa dạng, phục vụ chuyên nghiệp, nhiều chính sách ưu đãi dành cho khách hàng...

Ở Việt Nam hiện nay có 2 nhóm ngân hàng chủ yếu là nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Nếu nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có ưu thế về truyền thống lâu đời và số lượng điểm giao dịch rộng khắp thì các ngân hàng thương mại cổ phần lại cạnh trạnh về lãi suất và chất lượng dịch vụ đang ngày càng thu hút khách hàng.

Quan tâm tới lãi suất tiết kiệm

Lãi suất tiết kiệm là điều người dân luôn quan tâm. Mỗi ngân hàng sẽ có một mức lãi suất riêng, đặc biệt nhóm ngân hàng thương mại cổ phần luôn thu hút người gửi tiết kiệm bằng khoản lãi suất cao hơn nhóm ngân hàng nhà nước.

Thông thường, cách tính lãi suất tiết kiệm = số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi x 365.

Khi gửi tiền trong ngân hàng để lấy lãi, mỗi loại tiết kiệm đều có ngày đáo hạn cố định được quy định rõ ràng. Theo đó, khi đến ngày này, người dân có thể thực hiện tất toán và có thể nhận lại toàn bộ cả tiền gốc và lãi suất.

Chia sổ tiết kiệm theo mục tiêu ngắn hạn, dài hạn

Một trong những cách gửi tiết kiệm ngân hàng có lợi nhất là bạn nên mở ít nhất hai sổ tiết kiệm thay vì một sổ. Trong đó, một sổ có thời hạn ngắn, thuận tiện rút khi có nhu cầu đột xuất, sổ còn lại có thời hạn dài để được hưởng khoản lãi trọn vẹn và tối đa.

Chẳng hạn, bạn có thể chia một khoản gửi kỳ hạn dài 18 tháng, một khoản gửi 12 tháng hay gửi 1-6 tháng. Thường thì gửi với kỳ hạn dài sẽ có lãi suất cao hơn. Trong trường hợp cần dùng đến tiền, bạn rút sổ có kỳ hạn ngắn một tháng thì sẽ mất ít lãi suất hơn. Tốt nhất, hãy cố gắng không tất toán trước hạn để hưởng trọn khoản lãi.

Lưu ý quan trọng khi gửi tiết kiệm bạn nên biết

Những thông tin cần kiểm tra trên sổ tiết kiệm

Mở sổ tiết kiệm, người dân nên kiểm tra thông tin đầy đủ, chính xác, tránh tình trạng sai sót dẫn tới thiệt về sau. Bởi sổ tiết kiệm hay thẻ tiết kiệm là giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu của một người/nhiều người với số tiền được gửi tại ngân hàng.

Những thông tin người dân nên kiểm tra gồm:

- Tên ngân hàng, con dấu, họ tên, chữ ký của giao dịch viên, người đại diện hợp pháp của ngân hàng.

- Họ tên, số, ngày cấp giấy tờ tuỳ thân người gửi hoặc người đại diện (nếu gửi tiết kiệm thông qua người đại diện).

- Số thẻ tiết kiệm, số tiền, đồng tiền, ngày gửi tiền, ngày đến hạn, thời gian gửi tiền, lãi suất, cách trả lãi.

- Cách để tra cứu khoản tiền gửi.

- Cách xử lý khi sổ tiết kiệm bị nhàu, nát, rách, mất.

Có nên gửi tiết kiệm tiền online

Ngày nay, nhiều ngân hàng khuyến khích gửi tiết kiệm online có kỳ hạn, hoặc gửi góp online. Tuy nhiên, gửi tiền bằng hình thức này có thực sự an toàn?

Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng, để gửi tiết kiệm online an toàn, người dân nên chọn ngân hàng uy tín; có hệ thống bảo mật an toàn, liên kết xác minh qua điện thoại, email, xác thực... để gửi tiền an toàn nhất.

Đặc biệt, không click vào các đường link lạ để tránh kẻ xấu lợi dụng.

Có được gửi tiết kiệm bằng vàng không?

Khoản 1 Điều 10 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định, khi gửi tiết kiệm, khách hàng dùng tiền gửi bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ.

Còn tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 12/2012/TT-NHNN nêu rõ: "Tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng dưới mọi hình thức thành đồng Việt Nam hoặc các hình thức bằng tiền khác; không được sử dụng vàng huy động để cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay tại tổ chức tín dụng khác".

Như vậy, khi gửi tiết kiệm thì người dân chỉ gửi bằng tiền Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ. Khi giao dịch vàng tại các ngân hàng, người dân chỉ có thể sử dụng hình thức ký gửi vàng tại các ngân hàng.

Nếu người có sổ tiết kiệm chết, làm sao để rút tiền?

Nếu trường hợp người có sổ tiết kiệm chết, ngân hàng sẽ hướng dẫn thủ tục chi trả tiền tiết kiệm theo thừa kế hoặc theo uỷ quyền của người gửi tiền theo quy định tại Điều 18 Thông tư 48 năm 2018.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link