Trong mùa hè, chúng ta thường cho rằng điều hòa là thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng nhất. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã đúng. Có nhiều thiết bị điện khác trong nhà cũng đang tiêu thụ một lượng điện lớn mà bạn không hề chú ý.
Tủ lạnh
Tủ lạnh là vật dụng không thể thiếu trong căn nhà hiện đại. Vật dụng này quen thuộc với đa số chúng ta nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng tủ lạnh sao cho đúng, tiết kiệm điện nhất.
Một trong những sai lầm mà nhiều người thường gặp phải là để đồ ăn còn nóng vào tủ lạnh.
Để những món đồ nóng vào tủ lạnh sẽ khiến nhiệt độ trong tủ tăng lên. Khi đó, hệt thống làm lạnh sẽ phải hoạt động mạnh hơn để giảm nhiệt độ bên trong tủ. Như vậy, lượng điện tiêu thụ chắc chắn sẽ cao hơn.
Sau khi ăn, bạn nên để đồ ăn nguội hẳn rồi mới cho vào tủ lạnh. Điều này không chỉ tiết kiệm điện mà còn giúp kéo dài tuổi thọ của tủ.
Ngoài ra, việc bỏ quá nhiều hay quá ít thực phẩm vào tủ lạnh cũng làm hại tủ, gây tốn điện.
Nếu để quá nhiều đồ, tủ lạnh sẽ cần nhiều năng lượng hơn để làm mát toàn bộ thức ăn bên trong. Khi đó, lượng điện tiêu thụ sẽ cao hơn. Ngược lại, tủ lạnh quá trống, lượng đồ ăn ít cũng gây lãng phí điện năng vì tủ lạnh gần như chạy không.
Nhiều nhà sản xuất khuyên người dùng nên để thực phẩm chiếm khoảng 75% dung tích tủ lạnh để đạt hiệu quả tối ưu, tiết kiệm điện năng.
Tivi
Khi không sử dụng tivi, chúng ta thường chỉ tắt nó đi bằng điều khiển từ xa. Việc này sẽ đưa tivi vào chế độ chờ và vẫn tiêu thụ từ 0,3-0,5W.
Con số này tuy rất nhỏ nhưng rõ ràng là bạn đang làm lãng phí điện năng không cần thiết. Theo thống kê mức tiêu thụ điện năng của một chiếc TV có thể tăng lên khoảng 20-25 USD (hơn 460.000 - 576.000 VNĐ) trong khoảng một năm.
Vì vậy, khi không sử dụng tivi trong thời gian dài như lúc đi ngủ, đi làm, bạn nên rút phích cắm hoặc tắt công tắc ở ổ điện của thiết bị để tránh lãng phí điện cũng như tránh được các sự cố không mong muốn về điện xảy ra khi bạn vắng nhà.
Nồi cơm điện
Nồi cơm điện là thứ chúng ta sử dụng hàng ngày và cũng là một trong những vật dụng làm tiêu hao nhiều điện năng. Một chiếc nồi cơm điện có dung tích 1,2 lít thường có công suất lên tới 350-400W. Một chiếc nồi cơm điện như vậy nếu hoạt động trong khoảng 2 giờ thì có thể tiêu thụ 0,75 kWh. Nồi càng lớn thì mức tiêu thụ điện năng càng cao.
Ngoài ra, nồi cơm điện sử dụng lâu sẽ bị bẩn. Những vết bẩn tưởng vô hại lại có thể làm nồi hoạt động kém hơn, kéo dài thời gian nấu gây tốn điện.
Bạn nên vệ sinh nồi cơm điện định kỳ để loại bỏ các vết bẩn này, giúp cho nồi sử dụng được thời gian dài hơn và cũng tiết kiệm điện hơn.
Ngoài ra, bạn nên căn thời gian nấu cơm cho vừa với bữa ăn. Khi cơm chín thì có thể rút ra dùng luôn. Tránh cắm nồi cơm quá lâu vì nó có thể khiến cơm chín quá kỹ, vừa không ngon vừa tốn điện.
Máy tính đề bàn và laptop
Những chiếc máy tính vẫn có thể hoạt động ngầm khi bạn tắt bằng lệnh Shut down/Turn off. Việc tắt này chỉ đưa máy vào chế độ chờ giúp việc khởi động diễn ra nhanh hơn. Trung bình, một thiết bị này có thể sử dụng khoảng 96W mỗi ngày.
Con số này có thể tăng cao gấp nhiều lần nếu bạn có thói quen để máy ở chế độ Sleep.
Tốt nhất là sau khi tắt máy bằng lệnh Shut down, bạn hãy ngắt nguồn điện của thiết bị.
Quạt điều hòa
Các loại quạt thông thường có công suất từ 40-45W. Trong khi đó, loại quạt điều hòa cỡ nhỏ, dung tích bình chứa khoảng 5 lít sẽ có công suất ở mức 60W. Những chiếc quạt lớn hơn, bình chứa 45 lít thì công suất có thể lên tới 180W. Như vậy, với công suất hoạt động nói trên, quạt điều hòa có thể tiêu tốn điện gấp 2-3 lần so với quạt điện thông thường.