4 thay đổi liên quan đến khám chữa bệnh BHYT theo quy định mới nhất

( PHUNUTODAY ) - Sau đây là những thay đổi về khám chữa bệnh BHYT từ 17/11/2023.

1. Ban hành khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Nhà nước

Trước đó, Thông tư 37/2018/TT-BYT được sửa bởi Thông tư 14/2019/TT-BYT đều chỉ quy định về mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước mà không giới hạn mức tối thiểu.

Khắc phục điều này, Thông tư 21/2023/TT-BYT đã ban hành mới khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó quy định cả mức tối thiểu và mức tối đa của các dịch vụ khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Thông tư 21 cũng điều chỉnh tăng mức giá tối đa của các dịch vụ khám, chữa bệnh. Cụ thể như sau:

- Khung giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe: Mức giá tối đa tăng khoảng 18%.

- Khung giá dịch vụ ngày giường bệnh: Mức giá tối đa tăng khoảng 17%.

- Khung giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm: Mức giá tối đa tăng khoảng 15% đến 18%.

kham-bhyt

2. Tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc

Từ ngày 17/11/2023, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc được thực hiện theo quy định mới tại Thông tư 22/2023/TT-BYT.

Trước tác động của việc tăng lương cơ sở, tại Thông tư 22/2023/TT-BYT, Bộ Y tế đã tiến hành tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.

Cụ thể:

- Giá dịch vụ khám bệnh, hội chẩn: Tăng khoảng 9% so với mức giá tại Thông tư 13/2019/TT-BYT, riêng giá hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; Chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) giữ nguyên mức 200.000 đồng.

- Giá dịch vụ ngày giường bệnh: Tăng khoảng 10% đến 14% so với mức giá tại Thông tư 13/2019/TT-BYT.

- Giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm: Hầu hất cách dịch vụ tăng nhẹ khoảng 1% đến 4% so với mức giá tại Thông tư 13/2019/TT-BYT nhưng cũng có dịch vụ tăng giá đến 10% (như siêu âm).

3. Hướng dẫn về giá dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa nhi thực hiện cho người lớn

Đây là hướng dẫn hoàn toàn mới được ghi nhận tại khoản 10 Điều 7 của cả hai Thông tư mới là Thông tư 21/2023/TT-BYT và Thông tư 22/2023/TT-BYT.

Theo đó, các dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa nhi nhưng thực hiện cho người lớn hoặc các dịch vụ kỹ thuật thực hiện cho bệnh nhi nhưng trùng tên với người lớn nhưng chưa quy định cụ thể mức giá thì sẽ áp dụng mức giá dịch vụ kỹ thuật theo tương ứng tại Thông tư 21/2023/TT-BYT và Thông tư 22/2023/TT-BYT và các quyết định tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện.

Đối với các dịch vụ kỹ thuật chỉ có tên tại chuyên khoa nhi nhưng thực hiện cho người bệnh trên 16 tuổi thì sẽ áp dụng mức giá dịch vụ kỹ thuật như đối với mức giá của chuyên khoa nhi.

4. Mức giá ngày giường bệnh sau phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng Phaco

Thêm một thay đổi về khám chữa bệnh BHYT từ 17/11/2023 đó là việc hướng dẫn chi tiết mức giá ngày giường bệnh ngoại khoa đối với bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco.

Theo khoản 15 Điều 6 Thông tư 21/2023/TT-BYT và khoản 17 Điều 6 Thông tư 22/2023/TT-BYT, ngày giường bệnh ngoại khoa đối với bệnh nhân sau thực hiện “Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco” được áp dụng mức giá “Ngày giường bệnh ngoại khoa, bỏng” của loại 3 tương ứng theo hạng bệnh viện.

bao-hiem

Hướng dẫn thủ tục khám chữa bệnh BHYT theo quy định

Để được hưởng bảo hiểm y tế nhanh theo quy định người lao động khi đi khám chữa bệnh cần mang giấy tờ tùy thân (chứng minh thư/thẻ căn cước) và thẻ BHYT. Dưới đây là chi tiết các thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

1.1 Trình tự thực hiện thủ tục khám chữa bệnh BHYT

Trình tự thực hiện thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế:

- Đối với người đi khám chữa bệnh: Xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng, giấy tờ tùy thân có ảnh. Ngoài ra, tùy từng trường hợp có thể phải xuất trình thêm một số giấy tờ khác.

- Cơ sở khám chữa bệnh (hoặc giám định viên thường trực tại cơ sở khám chữa bệnh): kiểm tra tính hợp lệ của các giấy tờ trên khi người bệnh xuất trình, giải quyết chế độ BHYT cho người bệnh.

1.2 Các bước làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT

Sau khi hoàn tất thủ tục khám chữa bệnh BHYT, bệnh nhân được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh. Thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khám chữa bệnh

Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khám chữa bệnh BHYT gồm có các giấy tờ sau:

Thẻ BHYT còn giá trị sử dụng của bệnh nhân

Giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ (chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước công dân)

Tùy theo từng trường hợp khám chữa bệnh cụ thể của người lao động có thể phải chuẩn bị thêm một số giấy tờ sau:

Hồ sơ chuyển viện bao gồm: giấy giới thiệu chuyển viện; tóm tắt hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.

Giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB (hoặc được ghi trong sổ KCB) theo đúng quy chế bệnh viện do Bộ Y tế quy định.

Giấy đăng ký tạm trú theo quy định của Pháp luật.

Giấy công tác hoặc quyết định cử đi học của cơ quan, đơn vị quản lý người lao động.

Bước 2: Nộp hồ sơ khám chữa bệnh bệnh BHYT

Người lao động nộp hồ sơ khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở nơi mình khám chữa bệnh BHYT. Cơ sở khám chữa bệnh BHYT sau khi tiếp nhận hồ sơ của người lao động sẽ kết hợp với:

Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh

Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có):

Cơ quan phối hợp (nếu có): Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh

Bước 3: Thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh

Người lao động sau khi làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT sẽ được cơ sở khám chữa bệnh giải quyết ngay và không mất bất kỳ chi phí làm thủ tục nào. Tiền hưởng chế độ khám chữa bệnh BHYT được trừ trực tiếp vào chi phí khám chữa bệnh khi làm thủ tục thanh toán khi kết thúc điều trị.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link