Thường xuyên ăn thịt bò có lợi ích gì?
Trong 100g thịt bò có chứa khoảng 28g protein, 10g lipid, cung cấp 280 kcal năng lượng, nhiều gấp đôi so với cá và nhiều loại thịt động vật khác.
Trong y học cổ truyền, thịt bò vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ tỳ ích vị, bổ khí, dưỡng huyết, cường gân tráng cốt. Có thể dùng thịt bò để hỗ trợ điều trị các chứng tỳ vị hư nhược như gầy yếu sút cân, ăn uống không tiêu, bệnh đầy bụng, chán ăn, phù nề, đau lưng mỏi gối, bệnh đái tháo đường,…
Giúp bổ sung máu
Sắt là khoáng chất cần thiết cho máu, bổ sung lượng máu cho cơ thể và phòng tránh cơ thể bị thiếu máu. Phụ nữ, bệnh nhân thiếu máu,… đều có thể bổ sung thêm nhiều chất sắt tự nhiên từ việc ăn thịt bò.
Giúp tăng cường hệ miễn dịch
Thịt bò có chứa nhiều các vitamin và khoáng chất rất tốt cho cơ thể. Đặc biệt, hàm lượng vitamin B6, vitamin B12, protein và sắt trong thịt bò tương đối cao có tác dụng cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Có thể phòng chống ung thư
Thịt bò có chứa hàm lượng axit linoleic khá cao giúp chống oxy hóa hiệu quả, mau lành tổn thương mô (phát tác khi hoạt động mạnh). Bên cạnh đó, linoleic và palmitic còn là 2 axit có khả năng giúp con người chống lại bệnh ung thư và các loại virus gây bệnh.
Hỗ trợ tăng trưởng cơ bắp
Một lợi ích nữa của thịt bò là chống oxy hóa, sản xuất hormone, tăng trưởng cơ bắp,… Đó là nhờ trong thịt bò có chứa nhiều carnitine. Đây là thành phần được sử dụng chủ yếu để hỗ trợ quá trình trao đổi chất béo và tạo ra các axit amin phân nhánh, là một acid amin quan trọng đối với các vận động viên thể hình.
5 bộ phận “đại bộ” của con bò không nên bỏ qua
Thịt ba chỉ
Đây là phần thịt được lấy ở bụng bò, có thịt nạc và mỡ xen kẽ, ăn mềm, béo hay dùng để nướng, xào, nhúng lẩu đều ngon. Bên cạnh đó, nếu có thêm sụn thì dùng để làm món hầm cũng hợp lý.
Ức bò
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết trong ức bò có chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Cứ 100g ức bò thì có đến 21g protein và 155 calo, rất phù hợp để bạn có thể làm những món ăn bổ dưỡng cho gia đình của mình. Phần thịt ức bò có lẫn cả gân, khi nấu nhừ hay được gọi là nạm vừa ngậy vừa giòn sần sật vô cùng tươi ngon. Ức bò có thể dùng để nấu phở hoặc dùng làm món hầm, món xào rất hấp dẫn.
Bắp bò
Bắp bò hay còn gọi là thịt chân giò, được chia thành hai phần là thịt bắp chân trước và sau. Phần bắp nhỏ ở chân trước gọi là bắp hoa, phần nằm giữa bắp đùi ở chân sau được gọi là bắp rùa ăn mềm hơn bắp hoa.
Thăn bò
Đây là bộ phận nhiều mô nhất của bò, mỗi con bò chỉ có một lượng nhỏ. Thăn bò hầu như không có mỡ nên không gây béo, thích hợp với cả các chế độ ăn kiêng.
Nạc vai bò
Đây là phần thịt ở giữa xương vai, nách, phía thân trước. Nạc vai bò có thể chế biến thành món xào thịt mềm nên được nhiều người ưa chuộng.
Ăn bao nhiêu thịt bò là đủ?
Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thịt đỏ rất thông dụng trong bữa ăn của người Việt Nam. Không chỉ là do quan niệm về sự bổ dưỡng, sang trọng mà còn do sự tiện dụng trong tiếp cận, đa dạng trong chế biến và ngon miệng khi ăn.
Thịt bò nói riêng và thịt đỏ nói chung cung cấp nhiều calo và chất dinh dưỡng vượt trội. Nhưng nếu lạm dụng sẽ dẫn đến các nguy cơ cho sức khỏe như tăng cholesterol, dư đạm,…
Quỹ phòng chống ung thư quốc tế và Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến nghị như sau: Để bảo vệ sức khỏe bạn không nên ăn quá 3 lần thịt bò mỗi tuần. Cụ thể, tổng lượng thịt đỏ trong một tuần vào khoảng 350g – 500g sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700g thịt sống và không bao gồm trọng lượng của xương) Tính theo ngày thì lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70g/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.
Bên cạnh đó, khuyến cáo cũng đưa ra nên sử dụng thịt nạc, tăng cường sử dụng thịt gia cầm, cá, trứng, sữa là những thực phẩm để thay thế thịt đỏ trong bữa ăn hàng ngày nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu protein và vi khoáng chất.