5 giâi pháp để Hà Nội đảm bảo an toàn khi dỡ bỏ giãn cách

( PHUNUTODAY ) - Theo PGS-TS Nguyễn Việt Hùng- Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, an toàn không có nghĩa là mọi người cứ ở yên một chỗ mãi, chờ đến khi đưa ca mắc về con số 0.

Tính từ đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 3.922 bệnh nhân Covid-19, gồm 1.597 ca phát hiện ngoài cộng đồng và 2.325 người tại khu cách ly, khu vực phong tỏa.

Sau một thời gian dài thực hiện giãn cách, khoảng 2/3 số quận/huyện tại Hà Nội đã được coi là "vùng xanh", chuyển sang trạng thái "bình thường mới". TP cho phép một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên những địa bàn này được hoạt động trở lại từ ngày 16/9.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trao đổi trên Vietnamnet, PGS-TS Nguyễn Việt Hùng- Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, Thủ đô đang làm tốt công tác phòng chống dịch. Nếu như giai đoạn trước, số ca nhiễm mỗi ngày lên tới khoảng 100 ca thì hiện nay chỉ còn vài chục trường hợp, thậm chí dưới 20 ca/ngày, hầu hết ở trong các khu cách ly tập trung hoặc ở khu vực đã phong tỏa.

Điểm rất đáng ghi nhận khác là Hà Nội vừa triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, hầu hết người dân trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.Ông Hùng lưu ý với những khu vực đã dỡ bỏ giãn cách cần cảnh giác với sự bùng phát trở lại dịch Covid-19 trong cộng đồng.

Khi được phóng viên đặt câu hỏi: "Làm thế nào để Hà Nội có thể chung sống an toàn với Covid-19 khi dỡ bỏ giãn cách?".

Ảnh Internet

Ảnh Internet

PGS Hùng cho biết: "An toàn ở đây không có nghĩa là mọi người cứ ở yên một chỗ mãi, chờ đến khi đưa ca mắc về con số 0. An toàn tức là không giãn cách xã hội nhưng không để dịch bùng phát mạnh, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho người dân và nền kinh tế Thủ đô".

Theo PGS, Hà Nội cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp để có thể làm tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay:

Thứ nhất, tiếp tục duy trì tiến độ tiêm vắc xin để tăng độ bao phủ, những người đã tiêm mũi 1 cần được tiêm mũi 2 đúng thời gian quy định. Lưu ý, đẩy mạnh truyền thông, động viên để những trường hợp nguy cơ cao diễn tiến nặng và tử vong khi mắc Covid-19 như người cao tuổi, người có bệnh lý nền được tiêm đủ liều vắc xin. Tăng cường truyền thông để tránh tình trạng lựa chọn vắc xin mà trì hoãn tiêm chủng.Thứ hai,tăng cường xét nghiệm nhưng tập trung nhất vào những khu vực có nguy cơ, nhóm người nguy cơ.

Thứ ba, phong tỏa chặt ổ dịch. Theo PGS Hùng, những khu vực nào còn F0 phải được phong toả thật chặt. Tuy nhiên, phong tỏa nên “thật gọn”, tùy mức độ nguy cơ mà thực hiện với từng tòa nhà, từng tầng, từng ngõ xóm chứ không cần thiết phải phong tỏa cả vùng rộng lớn.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò giám sát của tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, khu tập thể… để tránh tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Bởi người dân trong khu vực phong tỏa là những đối tượng nguy cơ cao nhiễm bệnh, nếu không kiểm soát tốt việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sẽ làm tăng số lượng F0, lan truyền dịch ra ngoài khu vực phong tỏa.

Thứ tư, triển khai cách ly F1, quản lý và điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà. PGS Hùng đề xuất Hà Nội nên triển khai sớm việc cách ly, theo dõi y tế tại nhà. Bên cạnh đó, không nên kéo dài thời hạn cách ly quá 2 tuần.

Thứ năm, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K, kể cả tại khu vực “vùng xanh”. Theo PGS Hùng, Hà Nội nên đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để người dân tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Cần tăng cường giám sát người dân, với trường hợp vi phạm phải xử phạt nghiêm.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link