5 món ăn bình dân trở thành đặc sản dịp Tết

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Gà Đông Tảo, cá kho làng Vũ Đại, rươi kho hay thịt trâu gác bếp... là những món ăn bình dân trở thành đặc sản vào dịp Tết.

Gà Đông Tảo

Gà Đông Tảo hay gà tiến vua, từ lâu đã trở thành món đặc sản được ưa chuộng vào ngày Tết.

Gà Đông Tảo có giá dao động từ 200.000-250.000Đ/1kg, 1.500.00Đ-15.000.000Đ theo cặp tùy chủng loại. Thịt gà Đông Tảo ngon, ngọt với khối thịt ức ngồn ngộn đỏ hồng, những bắp thịt đùi với những bó cơ cuồn cuộn vắt lên nhau trong thịt không có gân, không dai.

Gà Đông Tảo có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như như da gà bóp thính, gà hấp nấm. chân gà hầm thuốc bắc...

Rươi

Rươi trước kia là món ăn phổ biến của người dân làng quê, giá rất rẻ. Tuy nhiên, với hàm lượng dinh dưỡng cao cũng như đặc tính chỉ có theo mùa nên dần trở thành đặc sản quý, được nhiều người ưa chuộng vào dịp Tết. Chị Nhâm (Ngô Quyền, TP. Hải Phòng), chuyên bán rươi tại chợ Lương Văn Can cho biết, do số lương rươi có hạn nên ngày thường, chị chỉ bán theo hạn mức nhất định, còn lại để dự trữ bán Tết.

Mô tả ảnh.
Chả rươi.

Vào mùa rươi, nhiều người không tiếc tiền chi hàng triệu để mua rươi về dự trữ để chế biến món ăn dịp Tết. Chị Yến (Cầu Giấy, Hà Nội), một chủ hàng bán rươi cho biết, nếu rươi đúng mùa giá 200.000 - 300.000 đồng, loại cao cấp (đã làm sạch, chọn lọc) có thể lên 400.000 - 500.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào dịp cận Tết, số lượng rươi có hạn nên giá cao hơn là 600.000 đồng/kg. Hiện tại nhà chị còn phục vụ thêm món rươi kho nồi đất, giá hơn 1 triệu đồng/nồi”.

Cá kho làng Vũ Đại

Cũng như rươi, trước kia cá kho chỉ là món ăn bình dị, dân dã ở các gia đình ở nông thôn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, cá kho ngày càng được nhiều người ưa chuộng và giá đắt đỏ, đặc biệt cá trắm được kho ở làng Nhân Hậu, Hà Nam - mảnh đất được cho là nguyên mẫu của làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo. Cá kho làng Vũ Đại là món hàng “hot” mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Món cá kho làng Vũ Đại được chế biến rất công phu, cầu kỳ qua nhiều giai đoạn, từ chọn nguyên liệu đến chế biến. Cá kho phải là cá trắm đen, nặng từ 3kg trở lên. Niêu kho cá phải là niêu được đặt mua ở Thanh Hóa, Nghệ An. Củi dùng để đun cá phải là củi nhãn. Nồi cá được tẩm ướp đầy đủ gia vị như gừng, giềng, nước cốt chanh, nước cốt xương lợn..., cùng với 11 gia vị gia truyền...

Cá được kho liên tục từ 9 - 12 tiếng, tới khi trong nồi chỉ còn 1 thìa nước. Món cá kho xong có màu vàng sậm, thịt thơm ngon, rắn chắc, xương cá nhừ.  Niêu cá kho làng Vũ Đại đậm đà với mùi thơm thơm, cay cay của riềng, gừng sẽ góp phần không nhỏ làm phong phú thêm mâm cơm của các gia đình trong ngày Tết.

Hiện tại, một nồi cá tươi 2 kg nguyên liệu có giá đến 600.000 đồng, nồi cá to 4,5 kg giá lên tới 1,1 triệu đồng. Theo một cơ sở bán cá kho, chỉ trong 2 tuần Tết, cơ sở này cung cấp ra thị trường khoảng 250 - 300 nồi cá kho/ngày.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp hay còn được biết đến với tên gọi thịt trâu xông khói là đặc sản của người Thái đen, vùng núi cao Tây Bắc. Để chế biến thành công thịt trâu gác bếp, người ta cũng khá nhọc công. Những miếng thịt được chọn là thịt thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, bò hoặc lợn và được lóc thành từng miếng hình con chì. Sau đó, người ta thái dọc thớ, ướp muối, gừng, nước lá rừng, lá mắc khén và treo lên gác bếp hun khói cho óng và quắt lại và bảo quản. Sau 8 tháng đến 1 năm, thịt trâu sẽ được hạ xuống, nướng, hầm hoặc nấu thành nhiều món khác nhau.

Thịt trâu gác bếp có mùi đặc biệt, bên ngoài khô nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà, mang đậm phong vị núi rừng. Hiện nay, thịt trâu gác bếp thường được bán với giá từ 900.000 - 1.300.000Đ/1kg. Vào những ngày Tết, nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền triệu mua về để làm đồ nhắm uống bia, rượu.

Cầu gai Phú Quốc

Có hình thù kỳ dị, gai nhọn đâm vào rất đau, cầu gai (hay thường gọi là nhum biển) đã từng khiến người dân ở Phú Quốc sợ hãi, không dám ăn. Năm 2000, một người dân thấy đôi khỉ nuôi dùng đá đập vỏ để ăn phần ruột cầu gai, rồi có khách Nhật Bản, Pháp ngỏ ý muốn ăn cầu gai, anh mới học làm món cầu gai ăn sống chấm chanh ớt, mù tạt.

Sau dần, nó dần trở nên phổ biến và trở thành đặc sản của Phú Quốc. Giá một con cầu gai đã chế biến lên đến 40.000 đồng. Hiện cầu gai không những có thể ăn được mà còn trở thành đặc sản và vẫn được bán với giá đắt ở thị trường nước ngoài.

Những món quà Tết hình con dê mang tài lộc về nhà
Tết Ất Mùi 2015 sắp đến, những món quà hình con dê độc đáo đang được “giới có tiền” săn lùng để chơi Tết hoặc làm quà biếu.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn