Giúp con rèn luyện sự điềm tĩnh
Ở Trung Quốc, người lớn sẽ tạo thử thách để trẻ học cách đối mặt với khó khăn từ nhỏ. Một trong những thử thách mà đứa trẻ nào cũng phải trải qua là làm bài kiểm tra, tích lũy kiến thức, chuyển đổi môi trường học tập hay khu vực sinh sống.
Các em còn phải gặp những tình huống khó khăn trong cuộc sống như: Bị ốm, bị bắt nạt, khó kết bạn và thỉnh thoảng phải chịu tổn thương trong các mối quan hệ. Điều sẽ giúp trẻ có thể kiểm soát được những thay đổi chính là sự điềm tĩnh.
Khi trẻ điềm tĩnh chúng sẽ có khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả. Khi trẻ đối mặt với những tình huống bất thường hoặc gian khó, nhờ sự điềm tĩnh sẽ giúp trẻ xử lý vấn đề nhanh chóng bằng một thái độ tự tin.
Cho phép con thỏa sức sáng tạo
Trẻ em có tư duy đơn giản nhưng vô cùng sáng tạo. Chẳng hạn nhìn thấy một bông hoa nhỏ ven đường chúng sẽ có suy nghĩ khác nhau. Việc cha mẹ áp đặt con theo kiểu giáo dục khuôn mẫu sẽ làm hạn chế khả năng sáng tạo của trẻ.
Những đứa trẻ được thỏa sức sáng tạo sẽ phát huy tối đa năng lực bản thân. Mặc dù kết quả của những ý tưởng táo bạo có vẻ kỳ lạ, thậm chí có phần thái quá nhưng quá trình này rất thú vị, ấn tượng hơn là những đáp án rập khuôn. Và điều này sẽ khiến cha mẹ bất ngờ, vui vẻ.
Ngoài ra, khi sáng tạo, trẻ sẽ suy nghĩ theo nhiều chiều hướng khác nhau, giúp nâng cao khả năng tư duy cũng như ứng xử tình huống khéo léo hơn.
Chính vì vậy, cha mẹ không nên hạn chế, áp đặt con trong suy nghĩ và hành động. Hãy cho con làm những điều bản thân mong muốn. Hãy động viên, khích lệ sự sáng tạo, ham học hỏi của con.
Dạy con về giá trị của đồng tiền
Tiền bạc là thứ sẽ tiếp xúc với trẻ ngay khi mới lên 3, 4 tuổi. Vì vậy không bao giờ là quá sớm để dạy con về chuyện tiền bạc. Thay vì để con cầm lì xì, cầm tiền của người lớn cho để đi mua bán lung tung, cha mẹ cần lên kế hoạch dạy con biết giá trị của đồng tiền. Hãy chỉ cho con tiền tiêu vặt khi trẻ biết lao động để kiếm ra.
Ngoài ra, trẻ cũng cần học cách tiết kiệm, cách chi tiêu hợp lý và phân biệt giữa cái mình cần và cái mình muốn. Muốn trẻ hiểu rõ về giá trị của đồng tiền, không gì thiết thực hơn việc người lớn phải là tấm gương sáng cho con.
Rèn cho con thói quen đọc sách
Dạy con đọc là một trong những hoạt động đầu tiên của trẻ ở nhà và đem lại nhiều lợi ích. Những đứa trẻ có thói quen đọc sách sẽ có tầm hiểu biết rộng mở, não bộ phát triển, có khả năng học tốt ở nhiều môn học.
Ngoài ra, việc đọc không chỉ mở mang kiến thức giúp trẻ hiểu hơn về thế giới mà còn có thể hiểu rõ hơn về những người xung quanh theo cách riêng biệt. Trẻ cũng sẽ hình thành được những tính cách tốt như: Chăm chỉ, điềm tĩnh, biết đối nhân xử thế.
Vậy nên, cha mẹ hãy tạo cho con mình một môi trường thuận lợi giúp trẻ phát triển niềm yêu thích đọc sách. Chẳng hạn cha mẹ có thể đưa con đến các thư viện hay hiệu sách. Cha mẹ cũng nên là tấm gương để con noi theo. Thật tuyệt vời nếu cha mẹ cũng đọc sách, tách biệt với việc xem ti vi, dùng mạng xã hội hay chơi điện tử.
Dạy con cách thể hiện sự biết ơn
Dạy trẻ biết thể hiện lòng biết ơn từ khi còn nhỏ sẽ xây dựng cho trẻ một điểm nhìn có tác động tích cực đến cuộc sống sau này. Cách tốt nhất để giáo dục trẻ là cha mẹ trở thành những người có lòng biết ơn trong cuộc sống.
Cha mẹ có thể làm điều này bằng các cách đơn giản như: Thường xuyên nói "cảm ơn" với bạn bè hay thậm chí là với người xa lạ khi nhận được sự giúp đỡ; trò chuyện với con về những điều cha mẹ biết ơn trong cuộc sống hàng ngày… Ngoài ra hãy dạy con biết trân trọng những điều nhỏ bé nhưng tuyệt vời ở xung quanh.