6 thiết bị ngốn điện nhất trong nhà

( PHUNUTODAY ) - Những thiết bị này "ngốn" một lượng điện lớn. Chúng có thể âm thầm làm tăng lượng điện tiêu thụ trong gia đình ngay cả khi không sử dụng.

Tủ lạnh

Tủ lạnh là thiết bị tiêu tốn khá nhiều điện trong gia đình do thiết bị này hoạt động 24/24. Một chiếc tủ lạnh cỡ 150 lít, công suất 100-150W có thể tiêu thụ 4-5 kWh. Tủ lạnh càng lớn, lượng điện tiêu thụ càng cao. Ngoài ra, vào mùa hè, tủ sẽ phải hoạt động nhiều hơn để làm mát và việc mở tủ nhiều lần trong ngày cũng khiến lượng điện tiêu thụ tăng lên.

Để tiết kiệm điện khi sử dụng tủ lạnh, bạn nên tiến hành vệ sinh tủ thường xuyên, sắp xếp thực phẩm trong tủ một cách hợp lý (không để quá nhiều hay quá ít đồ); điều chỉnh nhiệt độ tủ tùy theo thời tiết và lượng thực phẩm cần bảo quản...

thiet-bi-ngon-dien-01

Điều hòa nhiệt độ

Điều hòa nhiệt độ là thiết bị có công suất lớn, tiêu thụ nhiều điện. Vào mùa hè, nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ cao hơn sẽ khiến lượng điện tiêu thụ tăng lên. Ngoài ra, nhiều gia đình sẽ sử dụng điều hòa quanh năm. Vào mùa đông, họ sẽ chuyển sang sử dụng chế độ làm ấm của điều hòa.

Để tiết kiệm điện, bạn cần bảo dưỡng điều hòa định kỳ, đảm bảo cách nhiệt trong phòng tốt, để mức nhiệt độ hợp lý... khi sử dụng điều hòa.

Bình nóng lạnh

Bình nóng lạnh có công suất rất lớn, có thể lên tới 3000W. Nếu bật bình nóng lạnh cả ngày thì lượng điện tiêu thụ có thể tăng lên rất nhiều.

Vào mùa hè, khi nhu cầu sử dụng nước nóng xuống thấp, bạn cần tắt công tắc của bình nóng lạnh khi không sử dụng. Ngay cả khi bước vào mùa đông, bạn cũng không nên bật bình nóng lạnh cả ngày vì vừa tốn điện, vừa làm giảm tuổi thọ của thiết bị. Khi cần dùng, có thể bật bình nóng lạnh trước 30 phút. Khi đèn báo nhiệt độ phù hợp thì ngắt điện của bình nóng lạnh rồi mới sử dụng để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện.

thiet-bi-ngon-dien-02

Nồi cơm điện

Nồi cơm điện vốn không phải thiết bị tiêu thụ nhiều điện. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách sẽ khiến lượng điện mà nồi cơm điện tiêu thụ tăng lên.

Nhiều người có thói quen cắm cơm sớm và để như vậy mấy tiếng đồng hồ. Khi ăn xong cũng vẫn cắm nồi cơm để giữ ấm. Việc này gây ra lãng phí điện. Một nồi cơm điện dung tích 1,2 lít có công suất 350-400W có thể tiêu thụ 0,75 kWh điện trong vòng 2 giờ hoạt động. Bạn nên căn giờ ăn cơm để sử dụng nồi cơm điện cho phù hợp. Khi cơm chín thì cần rút phích cắm. Cơm thừa sau bữa ăn cần vét ra khỏi nồi, cho vào hộp bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thay vì để trong nồi và cắm điện liên tục để giữ ấm.

Tivi

Nhiều người cho rằng tivi không tiêu tốn nhiều điện. Tuy nhiên, một chiếc tivi nhỏ cỡ 32 inches có công suất 40W được bật cả ngày thì lượng điện tiêu thụ cũng sẽ khá lớn. Ngay cả khi tivi không hoạt động (được tắt bằng điều khiển), nó chỉ được đưa về trạng thái chờ và vẫn tiêu thụ một lượng điện nhất định. Do đó, nếu không sử dụng trong một thờ gian dài, nhất là khi đi vắng khỏi nhà, bạn nên rút phích cắm điện của tivi.

Máy tính

Máy tính (cả máy tính để bàn lẫn máy tính xách tay) đều có thể hoạt động ngầm ngay cả khi bạn đã tắt nó. Thiết bị chỉ được đưa về chế độ chờ để có thể khởi động trở lại một cách nhanh chóng khi người dùng cần sử dụng. Đặc biệt, nếu để máy ở chế độ Sleep thì lượng điện tiêu hao khi không sử dụng sẽ càng nhiều hơn.

Để tiết kiệm, bạn nên tắt nguồn của máy tính và rút phích cắm khi không sử dụng thiết bị.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link