1. Giữ bình tĩnh, tìm cách dập lửa, báo cháy
Khi có hoả hoạn xảy ra, hãy giữ bình tĩnh và hành động ngay lập tức. Hoảng loạn sẽ khiến bạn không biết phải bắt đầu làm gì và đưa ra quyết định như thế nào trong thời khắc “nước sôi lửa bỏng" này.
Luôn nhớ rằng hãy giữ cho cơ thể bạn không phải hít quá nhiều khói. Ngoài ra, bạn nên tự rèn luyện cách sử dụng bình chữa cháy vì nó sẽ giúp ích rất nhiều.
Nếu có người đang ở trong nhà cùng bạn, hãy hét thật to để báo động hoặc đánh thức họ nếu họ đang ngủ hoặc đang ở phòng khác.
Cần bình tĩnh tìm ngọn lửa và khói. Nếu đám cháy nhỏ cần tìm cách chữa cháy bằng nước, bình chữa cháy, cát, chăn ướt. Nếu cháy quá lớn không thể dập lửa phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm, hô hoán cho mọi người biết cùng thoát hiểm và gọi điện thoại lập tức đến số điện thoại 114.
2. Che mũi và miệng bằng khăn ướt
Khói sẽ bắt đầu lan ra tràn ngập toàn bộ ngôi nhà, nhanh hơn nhiều so với bạn tưởng tượng. Hãy che mũi và miệng lại vì bạn có thể ngất xỉu khi hít quá nhiều khói.
Bạn có thể làm ướt một miếng vải hoặc một chiếc khăn để che mũi và miệng. Nếu bạn ở tầng trên và ngọn lửa bên ngoài đã lớn, bạn có thể đặt những miếng vải ướt dưới chân cánh cửa đóng kín để ngăn khói lan rộng.
Sau đó, hãy tìm những lối thoát khác, ví dụ như cửa sổ, để thoát ra khỏi phòng.
Trong trường hợp không có mái nhà liền kề hoặc lối thoát hiểm, hãy trèo ra ngoài bằng tay và thả người xuống đất để rút ngắn độ cao rơi.
Nếu bạn cần phải phá cửa sổ, hãy sử dụng ghế hoặc ngăn kéo tủ. Bạn cũng có thể dùng chăn để bảo vệ mình khỏi những mảnh kính vỡ.
3. Nằm sát mặt đất
Nếu không có bất kỳ lối thoát nào khác, mà tình thế bắt buộc phải rời khỏi phòng, tốt nhất bạn nên cúi thấp người xuống khi di chuyển. Theo KidsHealth, trong tình huống này, mỗi giây đều có giá trị và bạn sẽ hít ít khói hơn khi cúi thấp xuống mặt đất.
Khói có đặc tính là bay lên. Bạn sẽ có thêm thời gian bằng cách giữ mình sát mặt đất khi tìm đường thoát hiểm. Hãy bò bằng tay và đầu gối để di chuyển nhanh hơn!
4. Kiểm tra và đóng tất cả cửa lại
Khi bạn đi ra khỏi phòng, hãy chú ý đến từng cánh cửa bạn đi qua. Hãy đóng mọi cánh cửa phía sau để ngăn lửa lan nhanh.
Lửa cần oxy để tồn tại, vì thế khi đóng cửa, bạn đang cắt đứt dòng oxy đang lưu thông tự do giữa các phòng.
Tương tự, hãy cẩn thận trước khi mở cửa. Không mở cửa khi ngọn lửa đang cháy ở phía trong. Để xác định bên trong có đang cháy không, bạn nên sờ vào cửa trước khi mở. Hãy sờ vào tay nắm hoặc quan sát làn khói đang bay qua các khe hở.
Nếu phòng bên cạnh an toàn, hãy vào trong, đóng cửa lại và luôn cảnh giác.
5. Xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn
Trước hết phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm…
Không cố mang theo những đồ có giá trị hay tìm vật nuôi trong nhà, không cố tìm hiểu nguyên nhân đám cháy.
Ngắt cầu dao điện nơi xảy ra đám cháy bởi điện gây cháy nổ sẽ dẫn đến đám cháy bùng phát nhanh hơn.
Khi lửa và khói đã chặn mất lối thoát nạn chính: Nếu ở tầng thấp thì có thể thoát ra ngoài qua đường cửa sổ hoặc ban công. Nếu không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng, ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo ướt hoặc băng dính. Kêu cứu từ cửa sổ.
Khi ra ngoài, chỉ mở cửa bạn cần; đóng tất cả các cánh cửa đang mở để ngăn đám cháy lan nhanh. Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra hoả hoạn.
Đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm thì không mở, không dùng lòng bàn tay để tránh bị bỏng. Nếu tay nắm cửa mát và không thấy khói quanh cửa, bạn có thể mở cửa chậm và cẩn thận tránh người, mặt sang một bên đề phòng lửa tạt. Khi mở cửa, nếu thấy lửa bùng lên hay có khói xông vào phòng thì đóng cửa thật nhanh, chặt.
Tuyệt đối không nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ vì sẽ rất khó khăn để lính cứu hoả tìm ra bạn.
6. Nằm và lăn
Trong trường hợp quần áo của bạn bắt lửa, đừng hoảng sợ. Hãy dừng việc đang làm lại, nằm xuống đất và lăn qua lăn lại để dập lửa. Bạn nên che miệng và mặt khi thực hiện việc này. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng đầu và tóc của bạn không bắt lửa. Sau đó, hãy tiếp tục tìm cách thoát hiểm.
7. Hạn chế tối đa tiếp xúc với lửa hoặc khí độc
Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc bằng cách lấy khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng.
Khi di chuyển tránh chạm vào các đồ đạc có thể dẫn nhiệt gây bỏng.
Tuyệt đối không xông qua đám cháy. Luôn giữ cơ thể ở vị trí thấp để tìm đường thoát hiểm, phòng bị nhiễm khói.
Nếu quần áo của bạn bị cháy, đừng chạy, hãy dừng lại và lăn người vòng quanh để dập lửa.
Tuyệt đối không quay lại khi đã thoát ra ngoài được; không quay vào khu vực bị cháy vì có thể bị nguy hiểm.
Nếu bên trong còn có người mắc kẹt, hãy mô tả thật chi tiết để lính cứu hoả tiếp cận và cứu người mắc kẹt một cách nhanh nhất.