7 người tử vong khi chạy thận: Một bệnh nhân nữa đang rất nguy kịch

10:00, Thứ bảy 03/06/2017

( PHUNUTODAY ) - Liên quan đến vụ biến chứng chạy thận, theo thông tin mới nhất từ Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Nguyễn Bích N., 45 tuổi đang rất nguy kịch.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Nguyễn Bích N., 45 tuổi - bệnh nhân nặng nhất trong vụ tai biến chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đang trong tình trạng hết sức nặng nề do suy cùng lúc 6 tạng quan trọng. Y văn thế giới chưa từng ghi nhận ca bệnh nào nhiễm độc nặng nề như vậy.

chay-than-3

 Bệnh nhân N. đang được điều trị tích cực ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 2/6, sau khi hội chẩn trực tiếp và tìm phương án đưa bệnh nhân N. về Hà Nội với các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai, giáo sư Bình cho biết bệnh nhân N. bị suy cùng lúc 6 tạng là tim, phổi, gan, ruột, thần kinh, tổn thương các cơ, rối loạn đông máu... Hiện bệnh nhân đang chuyển sang giai đoạn nhiễm độc, tình trạng suy gan nặng nề hơn, kèm theo xuất huyết tiêu hóa.

Do diễn biến bệnh tình phức tạp, nên đến thời điểm này, bệnh nhân N. không thể vận chuyển về Hà Nội. Bệnh viện Bạch Mai đã tập trung máy móc, con người và phương tiện để đưa lên hỗ trợ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Những ngày qua luôn có khoảng 5 nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai túc trực tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hội chẩn, theo dõi.

“Cho đến thời điểm này, sự sống của bệnh nhân đều hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc nên việc di chuyển bệnh nhân về Hà Nội để điều trị là chưa thể. Chúng tôi đang cân nhắc việc có thể sử dụng một loại xe chuyên dụng để có thể chở cả người bệnh và thiết bị máy móc vẫn đảm bảo vận hành cho bênh nhân. Với bệnh nhân này, toàn bộ máy móc, thiết bị hiện đại nhất đã được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân này. Bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ nỗ lực, cứu sống bệnh nhân. Ước tính chi phí điều trị cho bệnh nhân này lên tới 100 triệu/ngày.”- Giáo sư Bình nói.

Giáo sư Bình cho biết hiện bệnh nhân N. đang chuyển sang giai đoạn nhiễm độc, tình trạng suy gan nặng nề hơn. Những ngày qua bệnh nhân đã được tiến hành đặt máy ECMO (kỹ thuật hồi sức đặc biệt, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim người bệnh), đồng thời liên tục được lọc máu và lọc huyết tương hàng ngày. Hiện bệnh nhân này còn bị ngộ độc cấp mà chưa xác định được nguyên nhân ngộ độc là gì. Từ ngày 29/5 đến nay, bệnh nhân đã có 2 lần ngừng tim, ngừng tuần hoàn.

Cũng theo Giáo sư Bình, chưa từng có bệnh nhân nào ở Bệnh viện Bạch Mai phải dùng tới cùng lúc nhiều máy móc như bệnh nhân này.

Trước sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Hòa Bình vừa qua, ngày 2/6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành đề nghị chấn chỉnh việc chạy thận nhân tạo, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo.

Công văn nêu rõ, chạy thận nhân tạo chu kỳ (lọc máu chu kỳ) tại Việt Nam đã triển khai từ rất nhiều năm nay, có hàng ngàn lượt người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ mỗi ngày tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tại một số bệnh viện tuyến huyện an toàn, hiệu quả.

Tuy vậy, ngày 29/5/2017, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xảy ra sự cố y khoa, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Diễn biến liên quan vụ việc này các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin.

Hiện nay,Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai... đang tích cực giải quyết các vấn đề chuyên môn liên quan và cùng các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân dẫn đến sự cố nghiêm trọng này.

Để phòng tránh các sự việc tương tự, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị trực tiếp thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc có chạy thận nhân tạo tuân thủ đúng Hướng dẫn quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo được ban hành kèm theo Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014, Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận ban hành kèm theo Quyết định số 1338/2004/QĐ-BYT ngày 14/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Các đơn vị rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống phản vệ, quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung liên quan khác đến chạy thận nhân tạo.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện; báo cáo kết quả về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vân Tiên