Ung thư vòm họng là căn bệnh ung thư hàng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ ở nước ta. Căn bệnh này rất nguy hiểm vì nó không có triệu chứng điển hình, dễ bị nhầm lẫn nên nhiều người chủ quan không đi khám.
Ung thư vòm họng thường phổ biến ở Trung Quốc, Châu Phi và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thông thường, tỷ lệ đàn ông mắc bệnh chiếm nhiều hơn phụ nữ. Cứ 2-3 người bị ung thư vòm họng là đàn ông thì mới có 1 người bị ung thư vòm họng là phụ nữ.
Độ tuổi thường thấy của căn bệnh này là từ 20 tới 65 tuổi, sau 65 tuổi tỷ lệ bệnh giảm dần.
Vì triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý tai mũi họng thông thường nên bạn cần chú ý tự theo dõi sức khỏe của mình. Nếu thấy các dấu hiệu sau thì không nên chủ quan.
Đau rát họng
Đau rát họng thường xuyên, kể cả khi nuốt nước bọt, thậm chí khó nuốt thức ăn có thể là do khối u ung thư vòm họng phát triển, chèn ép hạch bạch huyết.
Nghẹt mũi
Ung thư vòm họng cũng gây ảnh hưởng bằng các cơn nghẹt mũi xảy ra thường xuyên, kèm theo các đợt tiết nhầy và chảy máu.
Xuất hiện hạch ở cổ
Có khoảng 60 - 90% các trường hợp mắc bệnh ung thư vòm họng bị nổi sưng hạch bạch huyết vùng cổ hoặc dưới hàm, phát triển ngày càng to hơn, khiến người bệnh đau nhức.
Ho có đờm
Đi kèm với triệu chứng đau họng, bệnh nhân ung thư vòm họng cũng thường bị ho dai dẳng, ho khạc ra đờm có máu, khàn tiếng, mất giọng.
Ù tai
Bị ù một bên tai, tiếng trầm như ve keo hoặc tiếng xay thóc, thậm chí gây suy giảm thính lực, tổn thương màng nhĩ cũng có thể là dấu hiệu của ung thư vòm họng.
Đau đầu
Khối u vòm họng một khi đã phát triển lớn nó sẽ gây chèn ép dây thần kinh. Điều này khiến người bệnh thường bị đau nửa đầu, đau sâu trong hốc mắt, tần suất và mức độ đau tăng dần lên.
Giọng nói biến đổi
Khối u ung thư lớn lên sẽ chèn ép, làm biến đổi các dây thanh âm cổ họng, khiến giọng nói của bệnh nhân thường khàn đi, kéo dài hơn 3 tuần.
7 điểm cần lưu ý giúp phòng ngừa ung thư vòm họng
- Luôn duy trì chế độ ăn uống thích hợp.
- Không sử dụng đồ uống khi còn quá nóng.
- Không sử dụng đồ nướng thường xuyên.
- Không sử dụng các chất kích thích.
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Phát hiện và điều trị sớm bệnh tai mũi họng.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.