8 trường hợp con cái không được hưởng thừa kế từ cha mẹ dù là con ruột

20:13, Thứ sáu 10/03/2023

( PHUNUTODAY ) -   Dưới đây là 8 trường hợp con không được hưởng thừa kế từ cha mẹ:

Theo quy định của pháp luật về dân sự hiện hành thì mỗi cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự đều có quyền lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho ai sau khi mình qua đời.

Trong trường hợp một người qua đời mà không để lại di chúc hoặc di chúc của họ không hợp pháp (về nội dung và/hoặc hình thức) thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật.

Dưới đây là 8 trường hợp con không được hưởng thừa kế từ cha mẹ:

1. Con bị truất quyền thừa kế

Theo quy định, cha mẹ là người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế cũng như truất quyền hưởng thừa kế của một người, trong đó có thể là con cái của mình.

2. Con đã thành niên, có khả năng lao động và không có tên trong di chúc thừa kế

Cha mẹ được quyền lập di chúc để lại thừa kế cho con hoặc cho những người khác tùy theo ý chí của mình. Tuy nhiên, nếu không để lại thừa kế cho con cũng không sao, nếu như đó là con đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) và có khả năng lao động.

Luật pháp hiện hành quy định rất rõ, những đối tượng sau đây được hưởng ít nhất bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, dù di chúc có để lại thừa kế cho họ hay không hoặc để lại thừa kế cho họ nhưng hưởng ít hơn 2/3 suất thừa kế:

Cha ruột.

Mẹ ruột.

Vợ hoặc chồng.

Con chưa thành niên (dưới 18 tuổi).

Con đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) nhưng không có khả năng lao động.

Vì vậy, con đã thành niên và có khả năng lao động, nếu không có tên trong di chúc thì sẽ không được hưởng thừa kế tài sản từ cha mẹ.

3. Con không còn sống vào thời điểm chia thừa kế

Luật có quy định rằng người hưởng thừa kế phải là cá nhân còn sống vào thời điểm chia thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản qua đời.

Tuy nhiên, có trường hợp chia thừa kế theo luật, bà con nên biết là nếu con của người để lại thừa kế mất trước hoặc cùng lúc thì cháu của họ sẽ được hưởng nếu chúng còn sống. Trường hợp cháu cũng mất trước hoặc cùng thời điểm với người để lại thừa kế thì chắt của họ sẽ được phần mà đáng lẽ cha mẹ của chắt được hưởng.

4. Con bị kết án về một trong các hành vi liên quan đến xâm phạm sức khỏe, tính mạng hoặc làm tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, thể xác của cha mẹ - là người để lại di sản hoặc thậm chí là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cha mẹ.

5. Con vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ - là người để lại tài sản thừa kế.

6. Con bị kết án về hành vi cố ý làm hại đến sức khỏe, tính mạng của những người thừa kế khác để hưởng thêm nhiều hơn hoặc thậm chí muốn hưởng trọn số tài sản thừa kế cha mẹ để lại.

7. Con có hành vi gian dối, cưỡng ép, ngăn cản, hoặc hành vi khác nhằm can thiệp vào nội dung di chúc trái với ý chí của cha mẹ khi lập; làm thay đổi bản chất của nội dung di chúc với ý định để mình hưởng nhiều hơn hoặc hưởng trọn tài sản thừa kế trái với ý chí của họ.

Trong trường hợp này, nếu các thành viên hưởng thừa kế khác có tài liệu để chứng minh rõ ràng về hành vi này thì sẽ chia thừa kế theo di chúc, nguyện vọng mà cha mẹ để lại.

Ngoại trừ 7 trường hợp trên, dưới đây là trường hợp xuất phát từ ý chí chủ quan của người con.

8. Con từ chối nhận tài sản thừa kế

Việc để lại tài sản thừa kế và nhận phải được thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận, nếu con từ chối nhận thì việc hưởng tài sản thừa kế từ cha mẹ cũng sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, có một số điểm lưu ý là việc từ chối này phải được lập thành văn bản trước thời điểm phân chia tài sản, gửi đến những người thừa kế khác cùng biết. Chỉ trong trường hợp từ chối nhận vì muốn trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của mình với người khác thì việc từ chối này sẽ không được chấp nhận.

Thừa kế là gì ? Quy định pháp luật về thừa kế

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được chia thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.

Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi còn sống. Thừa kế theo di chúc được quy định tại chương XXII của Bộ luật dân sự năm 2015.

Thừa kế theo pháp luật là việ dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết cho người sống theo quy định của pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. Thừa kế theo pháp luật được quy định tại chương XXIII của Bộ luật dân sự năm 2015.

chia sẻ bài viết
Theo:  xevathethao.vn copy link
Tác giả: Vũ Ngọc