Người ta thường cho rằng "con hư tại mẹ". Thậm chí trong nhiều thập kỷ, rất nhiều nhà tâm lý học và các nhà nghiên cứu tin rằng mối liên kết giữa mẹ và con là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của một đứa trẻ. Bất kể sau này đứa trẻ trở thành người như thế nào cũng đều do người mẹ.
Tuy nhiên, theo công bố mới đây của nhà nghiên cứu Ronald Rohner thuộc Đại học Connecticut (Mỹ) thì cách nuôi dạy con cái của người cha cũng tác động đến con tương tự như người mẹ, thậm chí đôi lúc sự tác động ấy còn lớn lao hơn.
“Chúng tôi đang nghiên cứu về việc đôi lúc người cha còn ảnh hưởng đến sự phát triển của con nhiều hơn người mẹ”, Ronald Rohner cho hay
Cách trẻ cảm nhận tình yêu
Dựa trên những nghiên cứu về thái độ, hành vi và sự phát triển của trẻ trong hoàn cảnh cha mẹ chấp nhận và từ chối con cái, Rohner và các đồng nghiệp đã ghi nhận một thực tế là bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến con cái mình. Khi trẻ cảm thấy mình bị cha mẹ chối bỏ hoặc không được yêu thương, chúng sẽ trở nên thù địch, hung hăng và không ổn định cảm xúc. Sự chối bỏ của cha mẹ cũng có thể dẫn tới cảm giác thiếu tự tin, thiếu thốn và thế giới quan tiêu cực.
Mức độ ảnh hưởng của bố và mẹ đối với con cái lại khác nhau. Trong một số trường hợp, sự chối bỏ của người cha còn tác động lớn lao hơn của người mẹ.
Nghiên cứu ghi nhận các trường hợp trẻ gặp các vấn đề về hành vi, phạm pháp, trầm cảm, lạm dụng ma túy và phải điều chỉnh tâm lý liên quan chặt chẽ tới sự chối bỏ của người cha hơn là người mẹ. Tình yêu của người cha đôi khi ảnh hưởng mạnh mẽ tới con hơn là người mẹ.
“Biết trẻ nhận được tình yêu của cha sẽ giúp chúng ta dự đoán chính xác hơn về mức độ khỏe mạnh, hạnh phúc, thỏa mãn với cuộc sống ở tương lai sau này của trẻ”, Rohner cho biết.
Mức độ ảnh hưởng của tính cách
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Early Adolescence, các nhà khoa học thuộc Đại học Brigham Young (Mỹ) phát hiện rằng cách nuôi dạy của người cha có mối quan hệ chặt chẽ với việc con phát triển tính cách bền bỉ, kiên trì. Mà tính cách kiên trì lại liên quan tới việc giảm hành vi phạm pháp và tham gia học tập nhiều hơn.
Cách nuôi dạy mang đến đức tính kiên trì, bền bỉ cho người con là cách nuôi dạy “tỏ vẻ quyền lực”. Ở cách nuôi dạy này, người cha sẽ thể hiện cho con thấy sự ấm áp và tình thương, đồng thời đặt ra các quy tắc mà con cần tuân thủ (tuy nhiên có giải thích cho con hiểu lý do cần tuân theo các quy tắc đó) và cho con quyền tự chủ phù hợp với lứa tuổi.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người cha dạy con hiệu quả nhất là những người lắng nghe con cái, có mối quan hệ chặt chẽ với con, đặt ra những quy tắc phù hợp nhưng vẫn cho con quyền tự do”, nhà nghiên cứu Laura Padilla-Walker cho biết.
Đến giờ vẫn chưa rõ tại sao người cha lại đóng vai trò quan trọng hơn trong việc rèn cho con tính kiên trì, nhưng có thể chỉ đơn giản là do cha tập trung vào việc rèn giũa đức tính này hơn, trong khi mẹ thì tập trung dạy con lòng biết ơn và lòng tốt.
Theo Rohner thì ở những trường hợp này, “trẻ thường chú ý hơn tới hành động và lời nói của cha. Từ đó, cha sẽ có nhiều ảnh hưởng đến đứa con hơn”.
Làm người cha tốt
Nghiên cứu nội tiết tố đã cho thấy người cha tăng nồng độ oxytocin trong những tuần đầu có con. Hormone oxytocin còn được gọi là “hormone tình yêu”, có khả năng làm tăng cảm giác gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Biological Psychiatry, những người cha tăng nồng độ oxytocin đáng kể khi chơi với con mình.
Việc làm cha cũng làm giảm testosterone, hormone liên quan đến các hành vi hung hăng của đàn ông. Điều này làm tăng khả năng người cha chăm sóc con mình, đồng thời tăng các hành vi sống vì gia đình. Nói chung, điều quan trọng nhất là người cha cần nhận thức được tầm quan trọng của mình và dành thời gian ở bên con.