Hiện nay, nhiều người lựa chọn gạo lứt thay cho gạo trắng trong chế độ ăn kiêng giảm cân, hay thậm chí có người còn dùng gạo lứt thay gạo trắng để trị bệnh. Tuy nhiên, việc ăn theo trào lưu mà không hiểu bản chất và nguyên tắc ăn uống lành mạnh thì sẽ không mang lại kết quả tốt.
Gạo lứt và gạo trắng - loại nào tốt hơn?
Bản chất của gạo lứt là gạo được tách lớp vỏ trấu, không đánh bóng. Trong quá trình xay xát, lớp vỏ lụa được giữ lại nên gạo lứt nhiều các vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, magiê, mangan, sắt và chất xơ. Trong đó, hàm lượng vitamin B1 và chất xơ trong gạo lứt cao hơn nhiều so với gạo trắng thông thường.
Có lẽ vì điều này nhiều người cho rằng gạo lứt tốt hơn gạo trắng. Tuy nhiên, đây là một quan điểm chưa đúng.
ThS.BS.TTƯT Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), cho biết hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng chữa bệnh của gạo lứt. Tất cả chỉ là những lời truyền miệng. Nhiều người đã sử dụng gạo lứt và thu về những lợi ích nhất định nhưng chúng chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ phòng bệnh.
Khi tách riêng các thành phần của gạo lứt thì có thể thấy chúng có nhiều tác dụng. Tuy nhiên, loại ngũ cốc này chỉ chứa lượng vitamin B1 và chất xơ cao, còn các chất dinh dưỡng khác không có sự khác biệt đáng kể so với gạo trắng.
Ngoài ra, vitamin B1 dễ hòa tan trong nước nên quá trình ngâm nước quá lâu hoặc vo gạo kỹ cũng làm chất này mất đi. Trong khi nấu, nếu mở vung, vitamin cũng sẽ bay hơi hết.
Cần phải hiểu rằng gạo lứt cũng như gạo bình thường, chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần dinh dưỡng cho cơ thể. Chúng ta vẫn cần bổ sung các nhóm thực phẩm khác mới đảm bảo sức khỏe.
Có nên ăn gạo lứt thay cho gạo trắng?
Gạo lứt sau khi nấu vẫn còn khá cứng, phải mất nhiều thời gian nhai hơn so với gạo trắng. Khi ăn gạo lứt, dạ dày cũng tốn nhiều thời gian co bóp để nghiền nát thực phẩm. Điều này sẽ không tốt với những người có bệnh lý về dạ dày, đặc biệt là người lớn tuổi.
Gạo lứt tốt nhưng không thể thay thế hoàn toàn gạo trắng. Mọi người nên sử dụng gạo lứt theo nhu cầu. Ví dụ, gạo lứt giàu vitamin nhóm B, sắt... có khả năng hỗ trợ tạo hồng cầu; gạo lứt nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức đề kháng nên người cần nâng cao sức khỏe có thể sử dụng 2-3 lần/tuần.
Trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có thể trạng yếu, gầy gò, phụ nữ mang thai, cần bồi bổ sức khỏe không nên ăn gạo lứt thường xuyên.
Việc ăn gạo lứt đẻ giảm cân nhưng không có chế độ tập luyện đều đặn hoặc ăn vô tội vạ thực phẩm này sẽ gây phản tác dụng, thậm chí gây tăng cân.
Gạo lứt có độ nở không giống gạo trắng. Nếu bình thường ăn 1 bát cơm gạo trắng thì khi dùng gạo lứt chỉ nên ăn khoảng nửa bát. Nếu không chú ý, lượng tinh bột và năng lượng đưa vào cơ thể cao sẽ khiến bạn tăng cân. Nếu chỉ dựa vào ăn gạo lứt để giảm cân thì rất khó, cần phải chú ý đến việc cắt giảm chất béo, chất đạm, tinh bột, bánh kẹo... kết hợp với vận động hợp lý mới có hiệu quả.