Chúng tôi sống trong một ngôi nhà tương đối tiện nghi ở một quận ngoại thành, TP.HCM. Với nhiều gia đình khác, mức thu nhập này chẳng đủ để nuôi con. Tôi cũng công nhận rằng ở thời điểm bão giá như hiện nay thì cả gia đình 4-5 miệng ăn sẽ sống khá chật vật với 10 triệu đồng trong một tháng. Hơn nữa, khi xác định làm mẹ đơn thân thì tôi cũng chấp nhận việc không có trợ cấp từ bất cứ nguồn nào.
Nhưng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, tôi nghĩ vẫn có rất nhiều cách để bài toán chi tiêu của mình có một đáp số ổn thỏa. Bằng chứng là mẹ con tôi vẫn sống thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc thay vì vất vả, cơ cực như nhiều người vẫn nghĩ.
Có thể chia sẻ với mọi người về bài toán chi tiêu của mẹ con tôi như sau:
- Tiền chợ: 100k/ngày => 3 triệu/tháng
Với 100k, tôi có thể đi chợ mua được 1 món mặn (thịt heo/thịt bò/thịt gà/cá/ếch/lươn/tôm), 1 món canh và 1 món xào (rau củ các loại) cho 4 người ăn trong 1 ngày. Thậm chí còn dư được khoảng 20k để mua hoa quả như đu đủ, chuối, củ sắn, dưa hấu, ổi, vú sữa… Hôm nào dư tiền mà trong nhà còn hoa quả thì tôi mua gia vị lắt nhắt: ngày mua đường, ngày mua muối, ngày mua tiêu, ngày mua bột ngọt, ngày mua hành tỏi… Ngoài ra trong tủ lạnh lúc nào tôi cũng trữ những món có thể chế biến nhanh, dã chiến như trứng gà, thịt hộp, xúc xích, lạp xưởng, tôm khô, chà bông. Những món này sẽ là “cứu cánh” cho những ngày chi tiêu phát sinh bị “lẹm” vào tiền chợ.
Mẹ đơn thân nuôi 3 con với thu nhập 10 triệu đồng/tháng 1.(Ảnh minh họa) |
- Tiền sữa: 930.000 đồng/ tháng
Bé gái lớn và bé trai mỗi ngày sẽ uống 2 hộp sữa tươi: 4 x 30 =120 hộp/ tháng.
1 thùng sữa tươi 12 lốc (44 hộp) giá 310.000 x 3 thùng = 930.000 đồng.
Bé út đang bú mẹ, và tôi cũng dự định cho bé bú ít nhất là 6 tháng đầu hoàn toàn bằng sữa mẹ nên khoản này đến nay vẫn chưa phải chi tiền.
- Tiền bỉm: 320.000 đồng/ tháng
1 tuần bé út xài hết 1 túi bỉm to loại 48 miếng giá 80.000.
80.000 x 4 tuần = 320.000 đồng/tháng.
- Sinh hoạt phí: 1.900.000/ tháng
Sinh hoạt phí bao gồm tiền điện (400k/ tháng), tiền nước khoáng (200k/ tháng), tiền internet (250k/ tháng), tiền gas (450k/ tháng), tiền điện thoại (300k/ tháng), tiền bột giặt, dầu gội, sữa tắm linh tinh (300k/tháng). Nhà tôi xài nước giếng nên không tốn tiền nước máy.
- Tiền học của con: 3.180.000/ tháng
Bé gái lớn học trường công lập, học phí 980.000/ tháng
Bé trai học trường tư thục mầm non học phí 1.500.000/ tháng
Ngoài ra bé gái còn học thêm nhà cô môn Toán (400k/tháng), bé trai học thêm toán Singapore (300k/4 buổi/tháng).
- Tiền đi lại: 364.000 đồng
Để tiết kiệm tối đa tiền xăng, tôi đi làm bằng xe bus. Rất may mắn là từ nhà tôi đến công ty chỉ phải bắt một tuyến xe bus. Tuyến xe này đi ngang hẻm nhà tôi và đồng thời cũng đi ngang công ty. Vì vậy tôi chỉ mất công đi bộ một đoạn từ nhà ra đầu hẻm là đã có xe đến thẳng công ty. Một vé xe bus giá 6k, đi về là 12k. Một tháng tôi có mặt ở công ty 22 ngày (trừ đi các ngày thứ 7, CN).Tổng chi phí cho việc đi lại của tôi là 264.000 đồng.
Tôi chỉ sử dụng xe máy khi đi chợ, đưa đón con đi học. Tất cả đều gần nhà.Vì vậy tôi chỉ mất khoảng 100k tiền xăng/tháng để đi lại.
Tổng tất cả các chi phí cơ bản từ đầu đến giờ đã hết 9.694.000 đồng. 300k còn lại tôi để dành cho các chi phí phát sinh như tiệc tùng (hầu như rất ít) hoặc con ốm. Tháng nào không phải sử dụng khoản này thì 300k sẽ được bỏ ống heo để cộng dồn vào tháng sau.Vậy là vừa vặn mười triệu đồng.
Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi không liệt kê các khoản như: quần áo, đồ chơi, giải trí, du lịch vào danh mục này?
Thế này nhé, mỗi năm các bé có 2 tháng nghỉ hè. Vậy là tôi đã tiết kiệm được 3.180.000 (chi phí cho học hành) x 2= 6.360.000 đồng.
Cuối năm tôi được công ty thưởng lương tháng 13 thêm 10.000.000 đồng. Như vậy hàng năm tôi có 1 khoản dư là 16.360.000 đồng. Khoản dư này tôi dành cho việc du lịch, dẫn con đến các khu vui chơi, xem phim, mua quần áo, đồ chơi, và các phát sinh linh tinh khác. Tất nhiên là cũng với một tinh thần tiết kiệm triệt để. Cụ thể như:
- Du lịch: nhà ngoại tôi ở Vũng Tàu nên tôi thường kết hợp về thăm ngoại với việc cho các bé đi đổi gió. Thay vì ở khách sạn thì mẹ con tôi về nhà ngoại ngủ. Và vì nhà gần biển nên bọn trẻ có thể được tắm biển thỏa thích bất cứ lúc nào chúng muốn.
- Quần áo: Trẻ con mau lớn nên quần áo trẻ con rất mau chật dù chưa mặc được mấy khi, vì vậy tôi thường xin lại quần áo đã chật nhưng vẫn còn rất mới của bọn trẻ con trong gia đình nội ngoại, hoặc con của bạn bè. Riêng quần áo của mình, tôi thường canh các mùa giảm giá lớn trong năm (thường là giảm 70%) để sắm một lần mặc suốt một năm.
Quần áo được thừa hưởng từ các anh chị đi trước, thường là còn rất mới. |
- Xem phim: Vì làm ở công ty truyền thông nên tôi rất hay được tặng vé xem phim miễn phí.
- Đồ chơi: tôi thường khuyến khích các bé tự làm đồ chơi từ các vật liệu bỏ đi, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường, mà mấy mẹ con còn có những thời gian vui vẻ bên nhau. Đây là chiếc lồng đèn được hai bé tỉ mỉ làm bằng đất sét cho dịp Trung thu, và cây thông xanh được làm bằng giấy màu cho dịp Giáng sinh. Các bé luôn tận hưởng những dịp lễ, tết dành cho mình theo một cách rất đặc biệt và ít tốn kém.
Cây thông bằng giấy cho lễ Giáng Sinh. |
Lồng đèn đất sét đêm Trung thu. |
Trên đây là toàn bộ bài toán chi tiêu và vài mẹo tiết kiệm của tôi tính cho đến thời điểm hiện tại. Vài tháng nữa, khi bé út hết bú sữa mẹ, tôi sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho sữa bột, ăn dặm, chắc chắn bài toán này phải tính lại, trừ các khoản không cần thiết, và cộng thêm nhiều cách tiết kiệm khác mà vẫn không để con quá thiếu thốn. Nếu bạn có cách nào tốt hơn để tiết kiệm, đừng ngần ngại chia sẻ với tôi nhé!