Chia sẻ với Zing, Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng (Dr Chuột), giảng viên bộ môn Nhi khoa, Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 đưa ra hướng dẫn về một số loại thuốc dành cho F0 là trẻ nhỏ được điều trị tại nhà.
Xác định xem con có nằm trong nhóm nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19 hay không?
Trường hợp con không may mắc Covid-19, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là phải xem con có nằm trong nhóm nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19 hay không.
Khi con có một trong những yếu tố sau, cha mẹ nên liên hệ với các bệnh viện nhi để bé được theo dõi tại cơ sở y tế, không nên điều trị tại nhà:
- Trẻ ≤ 1 tuổi;
- Trẻ < 2 tuổi có tiền căn sinh non ≤ 37 tuần;
- Béo phì (BMI ≥ 95th);
- Có bệnh lý mạn tính (bệnh thần kinh như động kinh, bại não, bệnh phổi mạn như hen suyễn, bệnh tim bẩm sinh, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận mạn, ung thư, bệnh tự miễn, HIV, bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hoá bầm sinh, bệnh hồng cầu liềm).
Khi con không nằm trong trong nhóm nguy cơ trở nặng, cha mẹ có thể cho bé theo dõi, cách ly tại nhà. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nên báo cho nhân viên y tế phường để có danh sách. Đây là điều quan trọng để các bệnh viện tiếp nhận khi tình trạng của trẻ trở nặng.
Ngoài ra, cha mẹ cần ghi thông tin của bác sĩ đang hỗ trợ theo dõi tại nhà, số cấp cứu bệnh viện nhi gần nhất để sử dụng khi cần.
Các bậc phụ huynh cũng đừng lo lắng quá vì phần lớn các bé có thể tự vượt qua sau 1-2 tuần.
Những loại thuốc cần chuẩn bị
Bác sĩ Tưởng chia sẻ, với F0 điều trị tại nhà là trẻ nhỏ, cha mẹ không cần chuẩn bị những nhóm thuốc kháng virus, kháng viêm (corticoid), kháng đông. Hiện nay, chưa có bằng chứng cho thấy hiệu quả với nhóm nhẹ này và chúng ta có thể gây hại thêm nếu sử dụng không đúng cách.
Do đó, cha mẹ chỉ cần chuẩn bị 5 nhóm thuốc như sau:
Thuốc hạ sốt, giảm đau
Thuốc hạ sốt, giảm dâu an toàn cho bé là Acetaminophen.
Liều dùng theo cân nặng, liều từ liều từ 10-15 mg/kg/ lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Ví dụ, nếu con nặng 10kg thì sử dụng 100-150mg cho mỗi lần hạ sốt là an toàn.
Cha mẹ có thể mua các thuốc có thành phần Acetaminophen như Efferalgan, Hapacol, Tylenol, Paracetamol...
Thuốc giảm chảy mũi, hắt hơi
Có thể dùng nhóm thuốc kháng histamin an toàn cho trẻ như Desloratadine. Sử dụng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên với liều thay đổi theo lứa tuổi. Từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi dùng liều 1mg; 1-5 tuổi dùng liều 1,25mg; 6-11 tuổi với liều 2,5mg. Uống 1 lần/ngày.
Ngoài ra, để giảm chảy mũi, hắt hơi, cha mẹ nên chuẩn bị chai nước biển xịt mũi.
Thuốc giảm triệu chứng ho
Có thể sử dụng một số siro ho thảo dược cho con.
Thuốc giảm triệu chứng tiêu lỏng, ói
Chuẩn bị men vi sinh có thành phần Saccharomyces Boularrdii (Bioflora) hoặc Bacillus Clausii (Enterogermina) trong trường hợp tiêu chảy phân lỏng giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, phục hồi khả năng hấp thu của niêm mạc ruột.
Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm dung dịch điện giải Oresol giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Vitamin và khoáng chất bổ sung
Có thể sử dụng các loại multivitamin, chú ý vitamin D và kẽm. Vitamin có ghi nhận hỗ trợ điều trị bệnh, kẽm giúp tăng cảm giác thèm ăn ở một số bé giảm vị giác.
Nếu trẻ vẫn ăn uống đầy đủ thì cũng không cần bổ sung thuốc.
Bác sĩ cũng đưa ra lưu ý, chỉ sử dụng các loại thuộc trên trong thời gian ngắn, không lạm dụng kéo dài. Cha mẹ có thể hỏi ý kiến của bác sĩ đang hỗ trợ điều trị.
Ngoài ra, gia đình nên trang bị thêm máy đo SpO2 tại nhà để theo dõi những dấu hiệu trở nặng, cần đi khám gấp.
Những dấu hiệu trở nặng
Đối với trẻ dưới 5 tuổi có một trong những triệu chứng sau:
- Thở nhanh theo tuổi (trẻ < 2 tháng nhịp thở ≥ 60 lần/phút; trẻ 2 – 11 tháng nhịp thở ≥ 50 lần/phút; trẻ 1 -5 tuổi nhịp thở ≥ 40 lần/phút);
- Thở rên, thở rít, thở co lõm ngực; tím tái;
- SpO2 <94%;
- Chán ăn, bỏ bú;
- Nôn;
- Co giật, lơ mơ, hôn mê, sốt cao không hạ sau khi dùng thuốc hạ sốt.
Đối với trẻ trên 5 tuổi có một trong những triệu chứng:
- Thở nhanh ≥ 30 lần/phút;
- SpO2 <94%;
- Tím tái;
- Đau ngực, nặng ngực;
- Bắt đầu có rối loạn tri giác như ngủ li bì khó đánh thức, tương tác kém với người xung quanh;
- Sốt cao không hạ sau khi dùng thuốc hạ sốt.