Bác sĩ da liễu cảnh báo: Bôi son 3 lần/ngày có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm

12:00, Thứ hai 28/10/2019

( PHUNUTODAY ) - Tô son nhiều lần trong ngày là thói quen của đa số phụ nữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia da liễu, việc làm này tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Có một vài thỏi son trong túi là việc không thể thiếu của phụ nữ hiện đại. Một chút son môi khiến chị em thêm tự tin trong cuộc sống thường ngày.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại son khác nhau như son dưỡng, son tint, son kem, son lì... Mỗi loại son lại chứa thành phần khác nhau, công dụng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Tuy nhiên, việc lựa chọn và sử dụng son môi như thế nào cho đúng thì nhiều người vẫn chưa biết.

danh-son-3-lan-ngay-co-nguy-co-mac-benh-nguy-hiem-01

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hùng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM chia sẻ: "Bờ môi, một vùng chuyển tiếp đặc biệt từ cấu trúc da đến màng niêm mạc, chỉ duy nhất được thấy ở loài người. Bờ môi không có lông, không có tuyến nước bọt. Thượng bì của bờ môi có cấu trúc đặc biệt, môi rất dễ tổn thương, dễ bị mất nước và khô. Môi khá nhạy cảm với môi trường, nếu tiếp xúc kéo dài với ánh nắng mặt trời, có thể bị bệnh viêm môi ánh sáng, hay thậm chí ung thư".

Do đó, khi sử dụng son môi, các chị em phải hết sức cẩn trọng.

Theo bác sĩ Hùng: "Có nhiều kim loại nặng trong son môi, do đó không nên thoa quá nhiều lần. Nếu thoa các loại son này với tần suất 3 lần/ngày thì lượng hấp thu các kim loại này vào cơ thể sẽ cao hơn ngưỡng cho phép. Sử dụng son môi nhiều hơn 3 lần mỗi ngày có thể gây nguy cơ mắc bệnh Lupus ban đỏ. Tại Việt Nam cũng đã có báo cáo về trường hợp ngộ độc chì do thoa son môi".

Lupus ban đỏ là bệnh thuộc nhóm bệnh tự miễn (auto-immune), nghĩa là hệ miễn dịch của chính bệnh nhân sản xuất ra một kháng thể chống lại các cơ quan của chính cơ thể mình.

Đây là căn bệnh không lây. Tùy mỗi bệnh nhân, ngẫu nhiên kháng thể tự sinh ấy sẽ tàn phá một hay nhiều cơ quan khác nhau. Do đó, đây là được gọi là  bệnh "hệ thống" (systemic). Nó có thể tấn công tất cả các cơ quan trọng cơ thể: nội tạng như ở tim (tràn dịch màng tim, viêm cơ tim), ở phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi), ở thận (viêm cầu thận), ở hệ thần kinh...

Các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Lupus ban đỏ hệ thống không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền