Mặc dù F0 cách ly tại nhà phải đáp ứng đủ những yêu cầu do Bộ Y tế đặt ra, tuy nhiên không tránh khỏi trường hợp F0 trở nặng khi ở nhà.
Vậy khi nào là thời điểm quan trọng để cứu F0 diễn biến nặng tại nhà? Là khi các triệu chứng trở nặng rõ ràng hay là lúc mới bắt đầu?
Đâu là thời điểm quyết định?
Các chuyên gia nhận định, phương pháp quan trọng để chăm sóc tốt F0 là chú ý tới các dấu hiệu bất thường. Từ đó mà có biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo Ths. BS Phạm Văn Phúc (Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới TU) cho hay: biến chủng Delta khiến thời gian bệnh nhân chuyển biến xấu và trở nặng nhanh hơn hẳn so với các biến chủng trước đó.
‘Thông thường, dấu hiệu diễn biến nặng sẽ xuất hiện từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 kể từ khi F0 có triệu chứng đầu tiên. Ở người cao tuổi, mắc bệnh nền, thậm chí chúng còn có thể đến sớm hơn’, BS. Phúc nói.
Vì thế, người chăm sóc F0 tại nhà cần đặc biệt chú ý. Nếu thấy F0 có triệu chứng tức ngực, khó thở, sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, li bì, tím tái thì phải thông báo ngay.
‘Thời điểm phát hiện các triệu chứng này, người chăm sóc cần thông báo ngay cho nhân viên y tế. Nếu gia đình có sẵn thiết bị đo SpO2 thì nên đo cho F0 với tần suất 3 lần/ngày’, BS. Phúc thông tin. Nếu thấy SpO2 dưới 95%, người nhà phải lập tức thông báo ngay cho nhân viên y tế để F0 được nhập viện.
Với F0 và người nhà khi phát hiện diễn biến nặng cần bình tĩnh nghỉ ngơi và liên hệ với nhân viên y tế, tránh hoảng loạn. Việc hoảng loạn chỉ khiến F0 thêm khó thở và mệt mỏi thêm. Nếu nhân viên y tế chưa thể có mặt kịp thời, bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc điều trị tạm thời.
Chú ý tới triệu chứng lâm sàng thay vì để ý tới mốc thời gian
Theo TS. BS Thân Mạnh Hùng (Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết: Yếu tố quan trọng nhất trong việc theo dõi bệnh nhân nCoV là phát hiện được triệu chứng lâm sàng sớm nhất, thay vì chỉ chú trọng vào mốc thời gian.
‘Thực tế khi điều trị bệnh nhân cho thấy: Sau khoảng ngày thứ 7 kể từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ mới có thể xác định được nguy cơ diễn biến nặng, nguy kịch của F0. Thế nhưng, việc xác định mốc thời gian là rất khó và mang tính chất tương đối’, ông nói.
Lý do là vì trước thời điểm ‘cô vít’ khởi phát và gây ra triệu chứng lâm sàng khoảng 5 ngày, người bệnh có thể đã nhiễm bệnh. Lúc này, F0 đang trong thời gian ủ bệnh và hoàn toàn có thể cho kết quả dương tính với virus dù không có dấu hiệu bất thường nào.
Hơn nữa, 80% bệnh nhân ở Việt Nam hiện nay không có triệu chứng lâm sàng. Vì thế, rất khó để có thể xác định mốc thời gian khi mắc bệnh mà đánh giá nguy cơ diễn biến nặng.
‘Chính vì vậy, yếu tố quan trọng nhất là chúng ta cung cấp cho bệnh nhân những dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Việc này nhằm giúp F0 tự theo dõi sát sao và chính xác. Sau đó, thông báo cho nhân viên y tế sớm nhất nếu có triệu chứng’, BS. Hùng nói.
Còn theo BS. Phúc, với kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân nCoV diễn biến nặng trong suốt gần 2 năm qua, yếu tố tiên quyết để F0 trở nặng được cứu chính là phân loại, phát hiện sớm triệu chứng và hỗ trợ thuốc, can thiệp kịp thời.
‘Thuốc điều trị sẽ rất hiệu quả nếu được sử dụng đúng giai đoạn phù hợp. Nếu dùng thuốc này sớm hơn hoặc muộn hơn đều có thể khiến bệnh nhân gặp nguy cơ trở nặng. Việc này cần những nhân viên y tế có kinh nghiệm hướng dẫn chứ người dân không nên tự ý sử dụng’, BS. Phúc khuyến cáo.
Đây là những chia sẻ của các bác sĩ, chuyên gia đã và đang tham gia vào việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm ‘cô vít’ nặng được đăng tải trên báo chí. Với những điều này, hy vọng người nhà và các F0 chú ý để có cách xử lý kịp thời, tránh xảy ra tình huống xấu nhất.