Ngày 14/5, trên diễn đàn dành cho giới trẻ có chia sẻ bài văn ngắn Viết về bố dưới cách nhìn thật thà của con trẻ khiến dân mạng bật cười. Học sinh này mở đầu như sau: "Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy”.
Ông bố được miêu tả là anh Đỗ Mạnh Hà (sinh năm 1980) – làm việc tại trung tâm Công nghệ Thông tin - trường ĐH Thương mại Hà Nội. Bài viết được con trai cả của anh là bé Đỗ Hồng Anh (8 tuổi) làm từ 3 tháng trước. Sau khi được cô giáo chia sẻ, anh Hà đã đăng bài viết thú vị của con lên Facebook cá nhân để sinh viên đọc… cho vui. Nhanh chóng bài văn này được cộng đồng mạng lan tỏa.
Đỗ Hồng Anh - học sinh viết về bố rất ngộ nghĩnh.
Bé Đỗ Hồng Anh không chỉ viết về bố mà còn miêu tả mẹ bằng giọng văn rất ngộ nghĩnh. Em viết: “Mẹ em năm nay đã ngoài 30 tuổi. Mẹ làm nghề vàng bạc, khách của mẹ rất đông nên mẹ rất nhiều tiền. Lúc sáng mẹ đi tập về mẹ nấu bữa sáng cho cả gia đình em. Công việc của mẹ rất bận nhưng mẹ vẫn dành thời gian chăm lo cho gia đình. Hằng ngày mẹ đi làm rất bận, nếu em nấc mẹ cũng mắng em. Em biết tại sao rồi vì mẹ làm rất nhiều công việc nên mẹ rất cáu và gắt nhưng mẹ rất tuyệt. Em rất yêu mẹ”.
Bài viết tả về mẹ của bé Hồng Anh.
Phía sau những câu chữ thật thà, đáng yêu của con trẻ là quá trình nuôi dạy con rất riêng của người giảng viên trẻ tuổi. Anh Hà kể: “Khi bài văn viết về bố của Hồng Anh lan tỏa trên mạng, tôi không bất ngờ. Trong gia đình tôi, các thành viên luôn có quyền tự do ngôn luận. Cháu đã có những cảm nhận rất riêng và thật về bố”.
Anh Hà cho biết thêm, trong gia đình, Hồng Anh là cậu bé 8 tuổi rất hài hước. Trước bài văn “bá đạo” này, em đã viết một bài văn khác, miêu tả một ông bố gương mẫu với nội dung: Bố em là giảng viên, làm kinh doanh và lãnh đạo công ty. Mỗi sáng em được bố đưa đi học và khi trở về nhà bố tắm cho em. Không hài lòng về bài làm của con, anh Mạnh Hà đã nói với con: “Bố không phải là người thường xuyên tắm cho con. Con nhìn thấy thế nào thì hãy viết như vậy, không là… điêu đấy”. Sau đó, Hồng Anh viết lại bài văn tả bố bằng những cậu chữ ngộ nghĩnh, thật thà chỉ trẻ thơ mới có được. Trong cách giáo dục con, anh Hà chia sẻ: “Tôi luôn muốn để con phát triển tự nhiên, không bắt học nhiều, hãy để con coi học là niềm vui. Năm lớp 1, cháu chỉ là học sinh trung bình, tôi cũng không thấy buồn lòng. Cháu còn nhỏ, không nên gây áp lực. Miễn sao cháu ngoan ngoãn, nhà cửa sạch sẽ và biết chăm lo cho em gái 3 tuổi”.
Trước đó, một em học sinh chuyên toán trường cấp hai Trần Phú thuộc tỉnh Hải Phòng đã làm xôn xao cộng đồng mạng với bài văn thú vị và hài hước với đề tài: “Tưởng tượng 20 năm sau, một ngày về thăm trường cũ, hãy viết thư cho một người bạn cùng học thời ấy kể lại về buổi thăm trường”.
Mở đầu bài làm là hình ảnh của lễ buổi khai giảng năm 2034, chàng trai này tưởng tượng khi đó mình đã trở thành hiệu trưởng của chính nơi đang theo học. Bài văn tưởng tượng 20 năm sau của Lương Trọng Nghĩa. Đây còn là thời điểm khánh thành ngôi trường mới chuẩn quốc tế hoành tráng với phòng hội nghị công nghệ 3D sức chứa 15.000 người, học sinh giáo viên được trang bị iPad 16, hệ thống nhà hàng 8 sao, nóc tòa nhà còn có sân đỗ trực thăng... Đặc biệt, nhân dịp này, vị hiệu trưởng mới đã đọc lại bức thư của chính mình viết cách đây 20 năm nêu lý do vì sao từ một nam sinh lười học lại có thể đạt được thành công như ngày hôm nay. Với ngôn ngữ hài hước, trí tưởng tưởng phong phú, bài văn khiến người đọc không khỏi bật cười. Từng thử sức với những đề bài tương tự khi còn học cấp 2, nhưng Lương Trọng Nghĩa thú nhận chưa bao giờ “chém gió ngoài sức tưởng tượng” như vậy. Tuy nhiên, bài văn còn có nhiều chi tiết là sự thật mà Nghĩa đã từng trải qua và trong đó còn gửi gắm ước mơ, mong muốn của nam sinh này.