6 phút: Trí nhớ bắt đầu tăng cường
Một nghiên cứu của Đức cho thấy chỉ cần ngủ 6 phút có thể cải thiện trí nhớ. Sáu phút là đủ để não chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn, từ đó giải phóng thêm “không gian” để lưu giữ những kiến thức mới.
20 - 30 phút: Thời gian ngủ trưa tốt nhất
Các nhà khoa học của NASA phát hiện ra rằng ngủ trưa 24 phút có thể cải thiện hiệu suất làm việc lên 34% và tăng độ nhạy cảm tổng thể lên 54%. Khoảng thời gian này cũng giúp làm chậm nhịp tim và bảo vệ tim.
Leng Yue, trợ lý giáo sư tại Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi tại Đại học California, San Francisco, Mỹ cho biết: “Tốt nhất bạn nên giới hạn thời gian ngủ trưa xuống 15 - 20 phút trước 15 giờ chiều để có được những lợi ích sức khỏe nhất của giấc ngủ ngắn. Điều này cũng giúp giấc ngủ ban đêm không bị ảnh hưởng quá nhiều”.
40 phút: Nạp lại năng lượng cho bộ não của bạn
Nếu đêm hôm trước bạn không ngủ ngon và làm việc trong ngày đòi hỏi sự tập trung đặc biệt thì một giấc ngủ ngắn 40 phút có thể đưa bạn vào trạng thái ngủ nhẹ, giúp bạn nạp lại năng lượng cho não.
Nếu muốn ngủ từ 40 - 45 phút, tốt nhất bạn nên đặt đồng hồ báo thức. Nếu ngủ trưa quá 45 phút, bạn sẽ rơi vào giấc ngủ sâu, dễ dẫn đến mệt mỏi, lú lẫn sau khi thức dậy do “quán tính giấc ngủ”.
Ngủ quá 60 phút: Nhiều tác hại khôn kể
Trên Tạp chí của Hiệp hội Alzheimer Mỹ, một nghiên cứu được công bố đã chỉ ra rằng, ngủ trưa lâu không phải là điều tốt, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt những người có thói quen ngủ trưa quá 1 tiếng đã tăng 40% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer so với những người không ngủ trưa.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sự gia tăng đáng kể về thời gian và tần suất ngủ trưa là một tín hiệu đặc biệt quan trọng của bệnh Alzheimer. Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng có mối liên hệ 2 chiều giữa giấc ngủ ngắn và bệnh Alzheimer. Ngủ trưa quá nhiều và quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer trong tương lai và bệnh Alzheimer cũng sẽ dẫn đến việc ngủ trưa quá lâu.
Đồng thời, Chủ tịch của Hiệp hội giấc ngủ ở Anh – Nick Littlehales – cũng cho biết: “Khi thức dậy sau một giấc ngủ ngắn, bạn thường cảm thấy sảng khoái. Tuy nhiên, khi thức dậy sau một giấc ngủ sâu, bạn rất dễ mệt mỏi”.
Ngoài ra, theo nghiên cứu, người ngủ trưa trung bình hơn 1 tiếng có nguy cơ đột quỵ cao hơn 1,88 lần so với những người không ngủ.