Cuộc trao đổi với báo chí chiều 7/1 tại Hà Nội có đại diện của Ban Tuyên giáo, Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương (gọi tắt là Ban Sức khỏe), sau nhiều tin đồn về bệnh trạng ông Nguyễn Bá Thanh lan rộng trong dư luận.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Dụng, Phó ban Sức khỏe, cho biết thời gian ông Thanh về Việt Nam chưa được ấn định do thời tiết xấu, máy bay không thể cất cánh.
Bệnh của ông Thanh được phát hiện vào tháng 5/2014 trong đợt khám sức khỏe thường kỳ của cán bộ trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy hồng cầu và tiểu cầu trong máu giảm bất thường. Vào viện 108, hội đồng giáo sư của Ban Sức khỏe chẩn đoán ông Thanh mắc chứng rối loạn sinh tủy. Ông được đưa sang Singapore điều trị vào tháng 6-7/2014 rồi về nước.
Ban Sức khỏe trung ương trả lời báo chí về tình trạng bệnh của ông Nguyễn Bá Thanh. |
Trung tuần tháng 8/2014, theo gợi ý của các chuyên gia y tế, ông Thanh sang Mỹ và được hóa trị 3 đợt để diệt mầm bệnh, tiến tới ghép tủy. Tuy nhiên, điều kiện ghép tủy chưa đạt nên phải dừng lại, dự định điều trị nâng cao thể trạng tại Việt Nam.
Với khả năng ghép tủy, Trưởng ban Sức khỏe Nguyễn Quốc Triệu cho biết đã có người hiến tủy, nhưng trước mắt ông Thanh vẫn điều trị hóa chất, nâng cao thể trạng theo phác đồ của bác sĩ Mỹ.
Về tin đồn "ông Thanh nhiễm bệnh do bị đầu độc" lan truyền trên một số trang mạng, tiến sĩ Trần Huy Dụng bác bỏ hoàn toàn.
"Làm khoa học thì phải có chứng cứ. Nếu nhiễm độc hóa chất tia xạ mà gây rối loạn sinh tủy thì phải có dấu chứng ở tế bào máu, nước tiểu. Ông Thanh chưa có triệu chứng nhiễm độc ở bất kỳ bộ phận cơ thể nào thì không thể nói là bị nhiễm độc", giáo sư Phạm Gia Khải, thành viên Ban Sức khỏe, nói.
Ông Nguyễn Bá Thanh trong một lần thăm hỏi, tặng quà cho người cao tuổi. |
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn sinh tủy, ông Bạch Quốc Khánh, Viện phó Huyết học và truyền máu trung ương phân tích, một số nguy cơ làm xuất hiện bệnh có thể từ môi trường, thức ăn, hóa chất sinh phẩm. Thế giới chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nên chưa có cách phòng và chữa. Với ông Thanh, "chúng tôi phải chờ xem hồ sơ bên Mỹ, làm lại các xét nghiệm tại Việt Nam, kể cả xét nghiệm tủy, đánh giá tình trạng bệnh từ đó xây dựng kế hoạch điều trị", ông Khánh cho hay, nếu được ghép tủy bệnh của ông Thanh có thể thuyên giảm.
"Với chuyên ngành ung thư, chúng tôi rất kỵ nói từ khỏi, không ai trên thế giới có thể nói chữa khỏi bệnh ung thư mà chỉ nói bệnh đã được đẩy lui, một phần hoặc hoàn toàn. Có trường hợp bệnh máu cấp tính lui bệnh hoàn toàn, nhưng 25 năm sau vẫn tái phát", ông Khánh cho biết thêm.
Dù bệnh nặng, song chuyên gia y tế khẳng định ông Thanh đủ sức khỏe đi máy bay đường dài về nước. "Gia đình muốn đưa ông Thanh về Đà Nẵng điều trị cho gần nhà. Trực tiếp các giáo sư đầu ngành của Ban Sức khỏe sẽ hội chẩn, điều trị, quyết định sử dụng thuốc gì", ông Triệu nói.
Người dân Đà Nẵng chờ đón ông Thanh ở sân bay tối 6/1, dù ông chưa về nước. |
Ông Nguyễn Bá Thanh năm nay 62 tuổi, quê gốc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Trước khi được phân công giữ chức Trưởng ban Nội chính trung ương hồi tháng 12/2012, ông từng làm Chủ tịch UBND thành phố, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội.
Ông đưa ra nhiều chính sách giúp Đà Nẵng "lột xác" như xóa xóm nhà tạm trên sông Hàn, đưa các hộ dân vào những ngôi nhà khang trang; chủ trương "5 không, 3 có" với việc đưa người lang thang, xin ăn vào các trung tâm bảo trợ xã hội, không có người nghiện ma túy ngoài cộng đồng, bố trí nhà ở cho phụ nữ nghèo đơn thân; đối thoại với cán bộ, những thanh niên hư...
Nhiều phát ngôn của ông gây ấn tượng mạnh với người dân như: "Tôi nói là làm, không có chuyện chạy làng", "người dân Đà Nẵng có gì bức xúc cứ gọi cho tôi", "cái gì không thuộc về mình thì đừng có lấy, đói quá thì đi xin. Đã làm người thì phải có lòng tự trọng"...
Nghe tin ông lâm bệnh nặng, nhiều người dân Đà Nẵng ngày đêm lo lắng, lên chùa cầu an cho vị nguyên Bí thư Thành ủy.
Hàng trăm người Đà Nẵng xếp hàng đợi ông Thanh về nước Đến hơn 23h tối ngày 6/1, vẫn có rất đông người dân đứng ở sân bay Đà Nẵng để chờ đón ông Nguyễn Bá Thanh. |