Bảng lương mới của lãnh đạo, công chức, viên chức thay đổi thế nào khi Cải cách tiền lương 2024?

( PHUNUTODAY ) - Khi thực hiện Cải cách tiền lương, bảng lương mới của lãnh đạo, công chức, viên chức sẽ thay đổi như nào là quan tâm của nhiều người lao động.

Quốc hội chính thức thông qua cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có nội dung liên quan đến cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ ngày 01/7/2024.

Quốc hội đề nghị hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ 1/7/2024.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Quốc hội thông qua chiều 9/11, yêu cầu Chính phủ rà soát, hoàn thiện chính sách tiền lương, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và phát triển diện tham gia.

Như vậy, từ ngày 1/7//2024, cán bộ, công chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm.

tien-luong2

Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị

Theo đó, sẽ có 5 bảng lương mới gồm: Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

Theo chế độ tiền lương hiện hành thì các chức danh lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ bộ trưởng và tương đương trở lên được xếp lương theo chức vụ.

Còn từ cấp thứ trưởng và tương đương trở xuống được xếp lương chuyên môn theo ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Dự kiến xây dựng bảng lương mới theo chức vụ lãnh đạo (bỏ phụ cấp chức vụ) theo nguyên tắc mỗi chức vụ có một mức lương.

Việc xây dựng bảng lương mới phải đảm bảo một số nguyên tắc. Cụ thể, mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới.

Chế độ tiền mới cũng quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại cơ quan ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp (phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).

Bảng phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ được quy định tại Kết luận số 35 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở (cấp xã).

Theo đó có 3 nhóm: Chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chức danh, chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khung chức danh, chức vụ thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý.

Trong đó, lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước gồm có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam gồm có: Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng; Phó Chủ tịch Quốc hội…

Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo được xây dựng theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì có mức lương cơ bản như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề.

Ngoài ra, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (khuyến khích phát triển chuyên môn nghiệp vụ và chuyên gia).

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cầu chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

Lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng

Nghị quyết số 27 nêu rõ nguyên tắc “chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng”.

Theo đó, đối với cán bộ xếp lương chức vụ từ bộ trưởng trở lên căn cứ vào hệ số lương cũ và thời gian đảm nhiệm chức vụ để chuyển xếp vào bảng lương mới.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo (đang xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo) thì căn cứ vào chức vụ, chức danh lãnh đạo hiện đảm nhiệm tại thời điểm chuyển xếp lương và thời gian giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo tương đương đề xếp vào mức lương của chức danh hiện đảm nhiệm và hưởng thêm tỷ lệ % tính theo chế độ nâng lương theo thời hạn.

Trường hợp đã xếp lương cũ sang lương mới có tổng tiền lương mới (gồm cả phụ cấp) thấp hơn thì được hưởng mức chênh lệch bảo lưu. Mức chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương chức vụ.

Sau đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được bổ nhiệm chức vụ cao hơn hoặc thôi giữ chức vụ lãnh đạo thì được cộng mức chênh lệch bảo lưu này vào mức lương đang hưởng để xếp lương theo chức vụ mới hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được bổ nhiệm và thôi hưởng chênh lệch bảo lưu.

Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo thì căn cứ vào hệ số lương cũ đã được xếp ở ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức để chuyển xếp sang mức lương mới trong bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Trường hợp chuyển xếp lương cũ sang lương mới có tổng tiền lương mới (gồm cả phụ cấp) thấp hơn tổng tiền lương cũ thì được hưởng mức chênh lệch bảo lưu.

tien-luong

Tiếp tục tăng lương thêm 7%/năm từ 2025

Một điểm đáng chú ý nữa là từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.

Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự,  tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để thực hiện được chính sách cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Trong đó phải kể đến nỗ lực trong việc tạo nguồn cho cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững.

Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link